User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
song la cho
 
- Ủa! hồi tối con nghe ba nói không gửi tiền, sao bây giờ lại gửi?
 
Ông Bách nhìn bâng quơ qua cửa kính, nói bằng giọng chán chường:
 
- Con muốn đêm nay ba lại ôm gối ra sofa ngủ như tối hôm qua sao?
 
Hải Chi cười khúc khích, rồi quay sang nắm lấy bàn tay lạnh ngắt của ông Bách:
 
- Tội nghiệp ba. Chắc hôm qua ba không ngủ được nên nhìn ba eo xèo như cành hoa thiếu nước.
 
- Hừ! thấy ba vầy vui lắm hả?
 
- Dạ, đâu có!
 
Cái miệng toe toét của Hải Chi dừng lại ngay tức thì. Bằng nét mặt nghiêm chỉnh cô út đi vào vấn đề đã làm nặng lòng cô không ít từ mấy bữa nay:
 
- Cách đây ba ngày, chị dâu có gọi điện thoại than thở với con “chắc nay mai chị với mấy đứa nhỏ không có chỗ để ở, vì căn nhà ba mẹ xây cho, anh Hai đã lén lút sang tên cho cô vợ bé rồi”.
 
Ông Bách giật nảy người:
 
- Hả!… thiệt… có chuyện vậy sao? Rồi.. rồi con nói với mẹ chưa?
 
- Ba nghĩ mẹ tin lời chị dâu sao? Lâu nay anh Hai vẫn ton hót với mẹ là chị dâu ghen bóng, ghen gió, đặt điều vu khống, chứ anh lúc nào cũng nghe lời mẹ sống đàng hoàng, tử tế. Làm sao để giúp chị dâu và mấy đứa nhỏ đây ba?
 
Tiếng thở dài của ông Bách nghe mới não nuột làm sao.
 
- Ba không muốn can thiệp vào chuyện anh Hai con nữa. Mỗi lần ba mở miệng, mẹ con lại nói “nó không phải con ruột của ông, nên ông đâu có xót”. Từ ngày có trí khôn đến giờ, có khi nào con thấy ba đối xử tệ với anh Hai con không? Nhiều lúc ba quên đứt nó là con riêng của mẹ, nên thẳng thắn khuyên răn, dạy bảo khi nó làm điều sai trái. Năm ngoái, ba có nhắc nhở mẹ con tính toán lại xem sao, chứ từ ngày bên đây gửi tiền về đều đặn mỗi tháng thì anh con chẳng lo làm ăn, chỉ biết se sua sắm sửa, đàn đúm với đám bạn vô công rỗi nghề, rượu chè, bồ bịch, làm khổ vợ, khổ con. Không biết mẹ con nói làm sao mà anh Hai con viết thư nặng lời trách móc ba là người cha ghẻ vô lương tâm, đạo đức giả, keo kiệt với nó từng đồng từng cắc, chỉ biết lo cho con của mình, còn con của vợ thì hất hủi, không quan tâm đến, mặc nó sống chết ra sao. Nghĩ mà buồn, nếu ba là loại người đó thì lúc mới đi học tập về, gia đình nghèo khổ, mẹ con bệnh hoạn liên miên, một mình ba bươn chải khắp nơi thì ba đã bắt nó nghỉ học, ở nhà đi bán vé số, hoặc bươi rác kiếm tiền để phụ ba mẹ nuôi nấng đàn em. Con nhớ không, lúc đó con mới có chín tuổi mà phải ra hàng bún riêu của bà Hoan rửa chén mỗi bữa trưa. Rồi lớn một chút đã phải theo cô Sáu đi buôn lậu biết bao nguy hiểm, vất vả. Cũng vì sợ anh Hai con mặc cảm là con ghẻ mà nhiều khi ba đối xử không công bằng với tụi con. Kết quả bây giờ nó trở mặt mắng nhiếc ba chỉ vì những đòi hỏi quá đáng không được đáp ứng. Có bao giờ nó biết là em gái của nó phải làm hai job để lo cho ba mẹ không? Người ta nói, út được cưng, còn con là út mà phải gánh vác hết mọi chuyện trong gia đình. Nó ở bên đó như ông vua, muốn xe có xe, muốn nhà có nhà, TV, dàn máy, cái gì cũng có, mà toàn đồ xịn. Còn ba ở đây, tiền là tiền chung của hai vợ chồng, vậy mà cái TV chị Ba con cho cả chục năm hơn, màn ảnh mờ căm, ba muốn mua cái mới mẹ con không cho, còn nói ba xài hoang phí, trong khi Mẹ con bo bo giữ tiền để chờ có người quen về VN thì lén gửi thêm. Chuyện anh Hai con bài bạc là do bạn của mẹ kể lại chứ ai, vậy mà bà ấy vẫn cố tình không tin. Nói thiệt, nhiều khi buồn quá ba muốn tìm chỗ khác sống một mình. Mấy mươi năm ba làm việc cật lực, vất vả, hy sinh mọi thứ cũng vì tình, vì nghĩa, giờ mới biết chỉ là công không, vì chẳng ai thương mình.
 
Từ bé đến lớn, hai mươi bảy năm trôi qua, chưa bao giờ Hải Chi nghe ông Bách than thở, phàn nàn một lời về đứa con chỉ biết sống cho bản thân mình. Nhưng lần này, ông đã bộc lộ bằng những lời cay đắng thì Hải Chi hiểu nỗi ấm ức này không phải nhỏ. Cô con gái út rơm rớm nước mắt nhìn ba của mình:
 
- Sao ba nói vậy? còn con mà, con thương ba lắm ba biết không?
 
Ông Bách quay sang ôm đầu đứa con gái, giọng cảm động:
 
- Ừ! Trời cũng còn thương ba nên cho ba đứa con gái hiếu thảo này.
***
“Gia đình chị Thu gồm hai vợ chồng và ba đứa con nhỏ cư ngụ trong một căn nhà lá ọp ẹp ở vùng quê cuả tỉnh Lâm Đồng. Vợ chồng chị đi làm thuê, lợi tức mỗi ngày chỉ được khoảng năm mươi ngàn đồng nên cuộc sống rất thiếu thốn, nghèo nàn. Vào một ngày tháng tư, trời vừa chạng vạng tối, anh chồng có việc phải đi ra ngoài, chị Thu ra bờ sông giặt quần áo, dặn dò hai đứa con lớn trông chừng bé Hiền vừa tròn bảy tháng đang nằm ngủ trên võng được che bằng chiếc mùng nylon.
 
Anh của bé Hiền thấy em đã ngủ say, vội chạy xin phép mẹ sang hàng xóm xem TV. Nghĩ tội con mình còn nhỏ mà phải chăm giữ em suốt ngày nên chị Thu nói:
 
“Em ngủ rồi thì con đi đi, mẹ giặt xong mớ đồ này sẽ vào với em.
 
Thằng anh hớn hở chạy vào nhà, không quên đưa tay đẩy chiếc võng thật mạnh trước khi đi. Chiếc võng đong đưa, mảnh vải mùng quất vào cái đèn dầu để trên chiếc bàn con nằm cạnh bên. Mảnh vải oan nghiệt ấy đã đồng lõa với ngọn lửa tàn bạo bùng lên, đưa đứa bé ngây thơ vô tội vào một số phận nghiệt ngã bất hạnh.
 
Chị Thu nghe tiếng con khóc vội vã chạy vào thì thấy lửa đang cháy bùng ở chiếc võng, nơi đứa con thân yêu của chị đang ngoan hiền trong giấc ngủ thiên thần. Chiếc mùng nylong bốc cháy trong ánh lửa vàng rực và rơi ụp xuống mặt bé Hiền. Chị Thu đưa tay gạt lửa, xốc lấy con chạy nhanh ngoài. Nhìn mặt mũi con bị cháy nám đen chị ngất xỉu trước sân, cũng là vừa lúc căn nhà lá bắt lửa cháy bùng lên. Lúc ấy, có người hàng xóm kịp thấy, tri hô lên và mọi người ùa đến đưa hai mẹ con chị vào bệnh viện. Căn nhà không có nước để chữa nên đã cháy rụi thành tro.
 
Mặt bé Hiền cháy nát, mắt nhắm mở không được, hai tay co quắp, mũi bị cháy hoàn toàn, thở ra hít vào rất khó khăn. Bé được đưa về bệnh viện Nhi Đồng SG điều trị suốt ba tháng. Tổn phí điều trị gần năm mươi triệu đồng Việt Nam. Số tiền này hoàn toàn nhờ vào sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm.
 
Thời gian ấy, vợ chồng của một vị bác sĩ ở Mỹ trong chuyến trở về Việt Nam đã đến bệnh viện để giúp những người bệnh tật. Biết tình cảnh nguy cấp cuả bé Hiền -nếu không được tiếp tục chữa trị sẽ bị mù, bàn tay có thể không cử động được – bà ra tay giúp đỡ.
 
May mắn thay, một hội thiện nguyện đã lo thủ tục để đưa mẹ con bé Hiền sang Mỹ điều trị.
 
Hiện tại, tình trạng bé Hiền rất khả quan và em phải trở về Việt Nam vào tháng Chín sắp tới để chờ đến khi được mười tuổi mới xin trở lại Hoa Kỳ để hoàn tất phần chữa trị cho mũi và tai. Theo lời bác sĩ, dù hiện tại bé Hiền đã khá hơn trước rất nhiều, bé có thể ăn uống, chơi đùa hồn nhiên, nhưng cần phải được tiếp tục theo dõi, chăm sóc tại một bệnh viện chuyên khoa trong suốt mười năm tới. Hội cũng đã nghĩ đến việc tìm cách giúp đỡ cho gia đình chị Thu có điều kiện tối thiểu để chăm sóc cho bé.
 
Chị Thu cho biết cứ mỗi lần từ quê vào Saigon chữa trị cho con, chị phải vay mượn một số tiền để mướn chỗ trọ (đúng ra chỉ là một cái giường- mỗi ngày phải trả hai mươi ngàn đồng), và tiền thuốc men, còn ăn uống thì chị xin những nơi từ thiện như chùa, nhà thờ. Lau nhẹ những giọt nước mắt lăn dài trên má, chị Thu nghẹn ngào nói:
 
- Đêm đêm nhìn con say ngủ, tôi không ngăn được nước mắt khi chạnh nghĩ đến tương lai của con. Bây giờ còn nhỏ cháu chưa biết gì, nhưng khi lớn lên chắc chắn cháu sẽ rất đau khổ vì mc cảm.
 
Ôm con vào lòng, chị nói tiếp:
 
- Mặt cháu bây giờ là đẹp nhiều so với lúc mới bị phỏng. Vậy mà cũng có nhiều đứa bé nhìn thấy là sợ, hét lên rồi bỏ chạy.
 
Nhìn bé Hiền vô tư chơi đùa, mọi người đều cảm thấy xót xa trong lòng. Có làm cha, làm mẹ mới hiểu được tận cùng nỗi đau của chị Thu. Mai này khi lớn lên, mỗi giọt nước mắt oán thân, trách phận của đứa con là một mủi dao đâm thấu trái tim người mẹ. Nước mắt mẹ dù có rơi ngập cả một đại dương cũng không làm sao đánh đổi được cho con mình một cuộc sống bình thường -bình thường trong cái nhìn của những người xung quanh, bình thường trong cách cư xử giữa người và người.
 
Tôi chợt nghĩ, trong suốt mười năm dài sắp tới, với cuộc sống nghèo khổ, cha mẹ của bé làm sao có đủ điều kiện để theo đuổi việc điều trị cho con mình. Và nếu… hoàn cảnh gia đình nghiệt ngã khiến họ phải bó tay thì tương lai của bé sẽ ra sao? Ôi đau lòng biết bao khi ngày nào đó bé Hiền chợt nhận ra khuôn mặt của mình không giống những người chung quanh…
 
Chúng tôi, những bạn bè hiện diện trong buổi họp mặt -những người cùng mang tấm lòng cha mẹ như chị Thu, đau trong nỗi đau của con mình- đã cùng nhau vận động những người quen biết chung quanh để giúp đỡ chị Thu có điều kiện tiếp tục điều trị cho đứa con thân yêu vừa tròn hai tuổi đã hứng chịu một thảm họa quá đau thương.
 
Chúng tôi tha thiết kêu gọi những ai có tấm lòng nhân ái, xin hãy góp một bàn tay….”
 
Những dòng chữ trên tờ báo mà Hải Chi đưa cho ông Bách đọc trong khi con bé chạy vào chợ mua thức ăn khiến ông nghe xốn xang cả cõi lòng khi nhớ lại đứa con trai thứ tư thân yêu của mình đã phải bỏ mạng vì ông quá nghèo, không có tiền chạy chữa lúc con mang trọng bệnh. Dù không phải là lỗi của ông, nhưng nỗi ray rứt, ân hận thỉnh thoảng lại hiện về làm ông trằn trọc, mất ngủ cả đêm. Giá như ngày đó có ai cho ông vài chục đô thôi có lẽ con ông đã được cứu sống và chắn chắn ông sẽ mang ơn người ấy suốt đời.
 
Ông Bách đưa tay mân mê cái túi áo có bốn trăm đôla với một chút phân vân trong quyết định vừa thoáng qua trong ý nghĩ.
*****
Trên đường trở về nhà ông Bách nghe lòng mình nhẹ nhàng, phới phới dù biết rằng giông tố sẽ ùn ùn kéo đến khi ông không có tờ biên nhận của cơ sở chuyển tiền để đưa cho bà như mọi lần, sau khi hoàn thành nhiệm vụ một cách miễn cưỡng.
 
Ngày trước, dù không đồng ý với việc làm của vợ nhưng ông thường chép miệng nhủ thầm “thôi cứ nhắm mắt làm ngơ cho yên nhà , yên cửa”. Nhưng lần này, nghĩ đến nỗi vui mừng của người mẹ đau khổ và những đồng tiền ít ỏi của ông sẽ giúp được phần nào cho đứa trẻ bất hạnh, ông sẵn sàng xăn tay áo bước vào cuộc chiến mà rất nhiều năm ông chỉ biết bước lui để được an thân. Giả như lần ra trận đầu tiên này có thất bại thì ông cũng cảm thấy hạnh phúc khi ráng chịu đấm để người khác được ăn xôi. Ông ngửa mặt cười sung sướng giữa ánh mắt ngạc nhiên của đứa con gái luôn là đồng minh trung thành của ông.
 
 
Ngân Bình
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com