User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Tôi sinh ra một tháng sau ngày đất nước chia đôi Nam-Bắc, cuộc chiến bắt đầu, đơn vị của ba tôi đóng quân không chỗ nào nhất định, từ Khánh Hoà, Đồng Xoài, Tây Ninh, Đơn Dương, Di Linh, Củ Chi rồi Phan Thiết. Mỗi khi có lệnh đổi đi tỉnh khác, đoàn xe GMC chuyển quân phía trước theo sau đùm túm là vợ là con của Quân Nhân.
 
Khi anh em tôi bắt đầu cắp sách đến trường, sợ con mình học không theo kịp bạn bè, má gởi mấy anh em tôi về ở với nội, ngày đầu xa ba nhớ hơi má, tối đó tôi không chịu ngủ khóc đòi má, bà nội dỗ dành tôi càng khóc lớn, em kế tôi thì đòi gối ôm, anh lớn thì nằm ủ rũ rồi cả ba anh em cùng hùa nhau mè nheo, bà nội quýnh quáng. Con ngủ đi mai nội kêu má về cho con.
 
Tôi ngủ quên đi trong vòng tay ấm áp của bà nội. Ở với ông bà nội được chăm sóc thương yêu dần dần tôi cũng bớt nhớ má nhớ ba. Nhà nội tôi đầu đường là đụng chợ cuối đường là đụng con đê của con sông Dinh, trưa nào đám loi nhoi trong xóm cũng rủ nhau xuống sông la hét vùng vẫy, ông nội tôi nói. Con sông Dinh bị tụi bây làm đục nước hết rồi.
 
Con sông ngăn cách đôi bờ, bên này là thành thị, phía bên kia sông là nông thôn, người ta trồng hành trồng rau trồng cải, mùa nước cạn sáng sớm trên vai nặng quằng gánh rau, người ta lội nước sang sông, mùa nước lớn họ chống xuồng bơi qua hay đi qua bằng con đò nhỏ. Hồi đó tôi thích mùa nước lớn hai ba đứa thường lén nhà rủ nhau xuống bến đò theo con đò qua bờ bên kia, rồi ngồi lì ở đó chờ chuyến đò trở lại bờ bên này, anh chèo đò hiền lành dễ thương, ngày nào nước không chảy xiết, gió không thổi mạnh, anh cho đi theo một lần, không lấy tiền. Tôi là con nhỏ thích nghịch nước, khi đò ra giữa dòng tôi đưa tay hất nước tung tóe, mấy bà mấy ông trên đò la inh ỏi.
 
Con nhỏ này cháu nội ông hai, lên bờ ghé nhà tao méc ông nội mầy. Nghe méc ông nội tôi hoảng hồn ngồi im ru, ông nội cấm mùa nước lớn không được lảng vảng xuống sông sợ hụt chân chết đuối. Ông nội mà biết thế nào cũng cho vài cán chổi lông gà vào mông.
 
Tuổi thơ của tôi ngày ấy sáng đi học trưa về vùng vẫy dưới sông, cuối tuần đi xem Xi nê, Phan Rang hồi đó có hai rạp chiếu bóng. Rạp Việt Tiến thì chiếu phim Ngoại Quốc Cao Bồi bắn súng.. Rô Bô.. Sạc lo (Charlie Chapin) còn rạp Thanh Bình thì chuyên chiếu phim Thần thoại Ấn Độ. Tối thứ Bảy ông nội dắt mấy anh em tôi đi xem phim bên rạp Viêt Tiến. Ông nội tôi văn minh lắm, ông thích phim Mỹ phim Tây, Cao Bồi bắn súng, Rô Bô hay phim Sạc Lô. lúc về ghé tiệm Sâm Bổ Lượng cho mỗi đứa một ly, tôi thích ăn trái táo tàu, mắt láo liên dòm ngó trong ly của anh hay của thằng em, lần nào anh cũng bỏ táo trong ly anh qua cho tôi. Thấy vậy ông nội to nhỏ với chú ba bán sâm bổ lượng nên sau này thấy ông cháu tôi là tôi được ly đặc biệt.
 
Sáng Chủ Nhật ăn sáng xong, bà nội phát tiền để tôi cùng với mấy đứa trong xóm đi xem phim thần thoại Ấn Độ. Cuối tuần rạp này bán vé thường trực, khi nào có phim hay tụi tôi ngồi suốt ngày trong rạp, xem hết xuất này đến xuất khác, đến khi nào hết xuất thường trực bị đuổi ra mới chịu lê thân về nhà. Tôi mê phim thần thoại Ấn độ, ngồi cả ngày trong rạp quên ăn luôn.
 
Nhà nội tôi cách chợ mấy bước, mùa hè là sáng nào tôi cũng theo bà nội đi chợ ăn hàng, rồi ra gốc cây me tây to đùng kế bên chợ ngồi coi đoàn Sơn Đông bán thuốc quảng cáo. Họ vừa quảng cáo bán thuốc vừa hát cải lương tôi say sưa nhìn họ vẽ mặt sắm tuồng nên lớn lên tôi ghiền nghe cải lương, thích đọc truyện. Mỗi ngày đi học bà nội cho tiền ăn sáng, tôi để dành lại một hai đồng, trưa đi học về ghé sạp bán sách báo mua truyện cổ tích hay mấy bài hát tân nhạc cổ nhạc. Năm Nhâm Thìn ở Phan Rang có một trận lụt lớn làm ướt hết thùng truyện, tôi mè nheo với bà nội mấy ngày liền, sau khi nước rút, thành phố sinh hoạt lại bình thường, nội kêu anh đi tìm mua lại cho tôi.
 
Bà nội tôi ăn chay trường, nội tôi rất hiền, nội chăm chút anh em tôi từ bữa ăn giấc ngủ, còn ông nội tôi thì không ăn chay, ông hay nói đùa "ăn mặn nói ngay, ăn chay nói láo" những ngày lễ giỗ hay Rằm Mùng Một, đều do ộng nội thắp hương cúng kiến. Ông nội tôi gia giáo lễ nghĩa lắm, ông dạy anh em tôi từ cách ăn uống, nói cười đi đứng. Nhiều khi tôi vừa nói vừa cười là bị ông nội la và dạy tôi cung cách của người con gái "Con gái chưa nói đã cười, chưa đi đã chạy, là đồ vô duyên" tôi thương ông nội mà cũng sợ ông lắm. Ông nội tôi kể chuyện đời xưa rất là hấp dẫn, mấy anh lớn và đám con nít trong xóm, tối tối ngồi xúm lại nghe ông nội kể chuyện.
 
Năm tháng đi qua anh em tôi cũng bắt đầu khôn lớn, anh tôi đến tuổi đi vào Quân Đội ra đơn vị chưa đầy một năm, trong một chuyến hành quân anh đã nằm xuống, nắng quân trường còn rám trên da anh.
 
Dòng đời trôi nổi tôi về ngang qua eo biển Cà Ná, gió cát mùi của biển nghe mằn mặn, lâu lắm mới được tận hưởng hương nồng nàn của biển, dọc theo bên đường sỏi đá cỏ cây trụi lá khô cằn, qua Cà Ná là làng “Thương Diêm”, xa xa ngọn núi Thương Diêm nơi anh tôi đã nằm xuống, một nửa máu và thịt xương anh để lại ở nơi này. Mấy mươi năm rồi mỗi lần qua đây, nhớ lại tiếng khóc tức tưởi của má của ba của mấy chị em tôi, tiếng người con gái kêu tên anh nghe xé lòng.
 
Sắp đến Thị xã Phan Rang dưới cái nắng khô khốc, thấp thoáng trang phục đầy màu sắc của người dân tộc Chăm bóng họ ngả nghiêng, hai bên đường đồng lúa xanh rì, anh con trai chăn đàn vịt ngồi trên bờ mương phe phẩy chiếc nón lá, mắt chăm chú nhìn đàn vịt của mình đang tìm mồi dưới mương, giàn nho nhà ai trĩu quả nặng oằn.
 
Tấm bảng chào đón quý khách của làng Phú Quý đưa cao. Rồi Long Bình để đi vào thành phố Phan Rang Tháp Chàm, chạy qua cây cầu "Đạo Long". Con đường Thống Nhất nối dài vào thành phố như thu hẹp lại, lao xao là người. Rạp hát Thanh Bình giờ đã thay tên, kia là chợ Phan Rang, cái chợ tuổi thơ của tôi, hồi đó sáng sáng nội dắt ra chợ ăn hàng, tô bánh canh chả cá nóng hổi, ly sương sa hạt lựu thơm thơm mùi dầu chuối, no bụng ra ngồi dưới gốc cây me tây to đùng bên hong chợ xem đoàn Sơn Đông múa hát bán thuốc gia truyền, bên kia đường là nhà thuốc Tây "Ngô Khắc Tĩnh" mang tên của ông "Tổng Trưởng Bộ Văn Hoá Giáo Dục & Thanh Niên" đi mấy bước là đến nhà nội tôi, căn nhà nhỏ năm xưa vẫn còn đó, tôi thấy bóng dáng của nội tôi in trên đường. Nội đi chợ về.
 
Chiều ngả bóng tôi thả bộ bước từng bước trên con đê, hồi tưởng lại ngày đó trưa nắng hè trốn ông nội theo anh của mình cùng đám con trai loi nhoi trong xóm đi tìm bắt mấy chú dế than về cho nó đá xúm xít vỗ tay reo hò, anh khèo trái keo cho em gái ăn, chát chát miệng hôi rình, về nhà thấy ông nội đang đúng trước của trên tay cầm cây chổi lông gà, hai anh em lo chạy trốn. Hàng cây dại ven đê dây mảnh bát quấn tròn, nhớ nồi canh rau tập tàng, mùi cá ngừ kho thơm lừng ông nội nấu, nhớ ngày Rằm Ba Mươi Mùng Một bà cháu ăn chay, nhớ bụi cây bồn bồn, nhớ đám gai xương rồng mùa hoa nở rực, trái chín no tròn.
 
Đứng nhìn con sông của tuổi thơ, dòng nước lững lờ trôi, mực nước dâng cao khỏa lấp những bãi cát nhỏ giữa dòng, con sông im ắng lặng lẽ không tiếng đùa giỡn lặn hụp của lũ trẻ con, không còn tiếng ơi ới gọi đò, không còn nghe tiếng khua nước của con đò nhỏ mộc mạc đưa đón khách qua lại hai bên bờ mùa nước lớn của tháng 10 tháng 11 Âm lịch, mưa dầm dề, nước trên núi đổ xuống lênh láng. Ngày nay thời đại văn minh, đã có con đường nối liền hai bờ, người bên kia sông đã bỏ bến đò xưa, để con sông nhỏ vắng vẻ tiêu điều, anh chèo đò không biêt giờ ở phương nào? Sau năm 1975 người ta từ bốn phương kéo về cất nhà dọc theo con đê che mất lối đi, rác và những tạp chất của người thải xuống. Con sông tuổi thơ của tôi đã mất dấu, bạn nhỏ ngày xưa, nay lưu lạc trong biển đời mênh mông, có đứa hình hài thấm nắng quăn queo, có đứa đã không còn.
 
Phố Phan Rang đêm xuống tôi một mình đi rong trên phố muốn tìm lại hình ảnh năm xưa, tìm lại kỷ niệm những tối lang thang với nhỏ bạn của những ngày mới chớm lớn, tháng giáp Tết gió thổi lành lạnh, tôi và nó đi sát vào nhau để truyền hơi ấm, mùi bắp nướng của hàng rong bên đường, hai đứa sà vào hong tay trên bếp lửa, hít hít mùi khét khét thơm thơm, mỗi đứa một trái, chui vào rạp Xi nê xem phim. Tôi thẫn thờ nhìn con đường Thống Nhất dài hun hút mang đầy dấu chân tôi và nó.
 
Biển Ninh Chữ ngày đó sáng sớm trời vừa hừng sáng, bạn bè ới ới gõ cửa từng nhà đánh thức nhau dậy, mỗi đứa với chiếc xe đạp của mình, thi nhau đạp xuống bãi biển, làn gió ban mai phơn phớt hây hây lạnh. Biển của bình minh con nước trong xanh phẳng lặng hiền hoà, tôi hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai, thoang thoảng mùi rong rêu, hơi nước mặn đắng, tôi lăn tròn lặn hụp dưới con sóng nhỏ lăn tăn, đã đời nằm dài trên cát ngắm ông mặt trời vừa thức dậy phơn phớt ánh hồng thật là đẹp, hay những ngày gió chướng biển nổi cơn thịnh nộ, tôi một mình đạp xe xuống biển ngồi nghe tiếng sóng vỗ nhìn từng đợt sóng đánh xô giạt vào bờ bọt trắng xoá rồi lại cuốn hút ra xa, tôi nhìn tận trong tôi cũng giống như từng con sóng ấy lao xao không ngưng nghỉ, đến rồi đi.
 
Phan Rang nắng gió ôm ấp tôi những ngày thơ ấu, giọng nói tình người để tôi học nhớ học thương. Tôi bỏ quê, bỏ con sông nhỏ, bỏ biển bỏ bãi cát Ninh Chữ, bỏ lại tuổi thơ. Về Phan Rang thích nghe lại giọng nói đậm chất quê hương. “Phan Rang gió như phan, nóng như rang” Quê hương tôi đó nơi đón tôi ngày mở mắt chào đời.
 
kyuctuoitho
 
Puyallup Mùa thu 2017
Cẩm Huỳnh
 
Nguồn: Fb Miền Nam Việt Nam - Trước 1975 - Cam Huynh 
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com