Có mấy ai nhớ chính xác phương pháp giáo dục hay nuôi dạy con cái của cha mẹ. (Hình: Nguyễn Bá Trạc)
Có mấy ai nhớ chính xác phương pháp giáo dục hay nuôi dạy con cái của cha mẹ chúng ta và khái quát nó thành tên gọi cụ thể.
Nhưng chắc chắn là chúng ta sẽ không quên cách cha mẹ chúng ta nhắc nhở, khi chúng ta làm sai. Cách cha mẹ chúng ta truyền đạt những điều răn dạy trong những bữa ăn, trước khi đến trường, lúc ăn cơm, khi đi ngủ và cả lúc ôm hôn hay một cái phát vào mông, mấy cây roi mây.
Điều tôi quý nhất trong cách giáo dục từ cha mẹ mình là cha mẹ tôi thành thật trong cách họ giáo dục chúng tôi. Nếu họ sai và họ phát hiện ra sai lầm của họ, họ sẽ nói cho chúng tôi biết. Cứ xuyên suốt như vậy chúng tôi cùng nhau trưởng thành. Phương pháp hay logic, lý lẽ có vẻ như không quan trọng bằng việc họ cố gắng uốn nắn theo lẽ tự nhiên mà tiêu chuẩn đạo đức, hay sự hiểu biết của họ quy định. Họ cũng nhiều khi lúng túng chớ.
Phong cách sống đến từ nền tảng giáo dục
Điều kiện sống khác nhau, thì cách nhìn nhận những giá trị trong đời sống sẽ khác nhau và dẫn đến việc thể hiện khác nhau. Ví dụ dễ hình dung là trẻ con ở thành thị và nông thôn, thường có sự khác biệt rõ nét trong hành vi giao tiếp và ứng xử văn hoá, bởi phong cách sống là một mô hình minh họa sống động cho nền tảng giáo dục. Sự khác biệt này cũng tạo ra nét đa dạng về văn hóa và hành vi giao tiếp.
Một đứa trẻ thôn quê có thể mang theo một vật nuôi yêu thích, thậm chí sẵn sàng bớt phần ăn trưa của mình cho chú cún nhỏ theo kiểu ăn chung, trong khi một đứa trẻ thành thị cho rằng thú cưng cần thức ăn riêng mua về từ cửa hàng.
Một đứa trẻ thôn quê sẽ chôn con vật cưng của mình khi nó qua đời và trồng một cái cây, đặt một hòn đá bên cạnh. Đứa bé thành thị thích tổ chức sinh nhật cho thú cưng, mua đồ chơi cho thú cưng, chăm sóc y tế cho thú cưng.
Nhưng dù khác biệt thế nào, thì một cách chung chung người lớn, cha mẹ vẫn không ngừng hướng con trẻ đến chân- thiện- mỹ. Điều quan trọng hơn hết là khả năng xử lý thông tin và khả năng tiếp nhận giáo dục gia đình của mỗi cá thể.
Cha mẹ là người nắm giữ chìa khóa. (Hình minh họa: P. Felix/Express/Hulton Archive/Getty Images)
Cha mẹ là người nắm giữ chìa khóa
Khi cha mẹ có một đứa con là họ được tặng chiếc chìa khóa để mở vào kho báu. Ðó có thể là kim cương, có thể là đất đá, có thể là cánh đồng phì nhiêu…
Với mỗi kho báu tiềm ẩn, cha mẹ lại cần có thái độ ứng xử khác nhau và kỹ năng khác nhau để mài dũa kim cương, xây nhà trên đá, hoặc canh tác hoa màu trên cánh đồng…
Một đứa bé có thể rất nhu mì hay hung hăng, có thể cực đáng yêu mà cũng có khi đáng ghét. Trách nhiệm và kỹ năng của người sinh ra nó, là giúp nó thay đổi cho thích hợp để tồn tại trong cộng đồng, với những chuẩn mực được số đông đồng thuận.
Trước khi nó có thể trở thành một người thú vị hay ho, đứa trẻ phải bảo đảm khả năng tương thích với cộng đồng, hay chí ít là tôn trọng những tiêu chí hành xử thuộc số đông. Chí Phèo rạch mặt chỉ vì làng Vũ Đại không ra gì, thì Chí Phèo kết thúc trong bi kịch. Một cá tính nổi bật vẫn đòi hỏi khả năng hài hòa và kiểm soát những yếu tố liên đới đến người khác.
Nhân cách
Có nhiều người cho rằng, cách giáo dục thời nay tạo ra những thế hệ trẻ quá ích kỷ và thiếu tự lập. Nhưng tôi cho rằng thời nào cũng có những người ích kỷ và thiếu tự lập. Chúng ta không thể chỉ hô hào, rồi đổ lỗi rằng những tác động bên ngoài làm hư đứa trẻ nhà mình. “Con hư tại mẹ,” bố mẹ phải là người đầu tiên nhận trách nhiệm và kiên trì với công cuộc trồng người của họ.
Tương tự, cũng không thể so sánh cách giáo dục hay nuôi dạy của phương Tây với cách giáo dục của Việt Nam một cách cứng nhắc. Mỗi nơi chốn, mỗi quốc gia hay dân tộc có những đặc thù văn hóa riêng mà thành viên trong cộng đồng ấy cần tuân thủ. Giá trị được nhìn nhận như thế nào thì kết quả thể hiện ra thế ấy. Có người vì thiếu niềm tin vào xã hội và phương cách giáo dục hiện tại của chính mình, mà tìm mọi cách cho con cái của họ đi du học ở các nước phát triển hơn.
Họ hy vọng rằng xã hội văn minh sẽ đào tạo ra những con người văn minh. Tôi thì nghĩ rằng việc này có thể giải quyết phần ngọn, nhưng không thể giải quyết cái gốc vấn đề. Một đứa trẻ cần được giáo dục tốt trong gia đình, thì mới đủ khả năng tiếp nhận giáo dục đến từ bên ngoài.
Rất ít trường hợp vì phản kháng giáo dục gia đình, mà thành công với giáo dục bên ngoài. Nếu có, thì sự thành công phải trả giá rất đắt bằng việc đoạn tuyệt nhiều mối quan hệ nguồn cội.
Việc nuôi dạy con cái luôn là đề tài tranh cãi. (Hình: Nguyễn Bá Trạc)
Việc nuôi dạy con cái luôn là đề tài tranh cãi, chúng ta không thể xem xét một nhóm làm đại diện. Giáo dục mang tính kết hợp cá nhân rất cao. Người trong cuộc là phụ huynh và con trẻ vẫn là tâm điểm, mà chỉ có thể hiểu rằng: “mỗi cây, mỗi hoa.” Cảnh nhà mình thế nào, thì sẽ chọn ươm hoa thế ấy, hợp với thổ nhưỡng và điều kiện chăm sóc. Vì cả vườn hoa, chủng loại nào cũng cần thiết. Hoa mắc tiền, thơm lâu, bền sắc chưa chắc đã quý hóa bằng một nhành thảo dược mỏng mảnh, duyên dáng nở đúng khi đời sống có những hư hao.
Chương Đặng