Tìm kiếm Google với từ khóa “child killed by parents” hoặc “child abuse” sẽ thấy thế giới có không ít trường hợp ngược đãi bạo hành trẻ và cũng không thiếu những vụ cha mẹ giết con. Nhưng nếu tình tiết giữa những vụ án ở Việt Nam và các nước có nhiều điểm giống nhau về mức độ kinh khủng của sự việc thì cách phản ứng của các nước lại khác một trời một vực với Việt Nam. Nếu ở đâu cũng có những kẻ tàn ác thì không phải nạn nhân ở đất nước nào cũng được luật pháp bảo vệ tương tự…
Câu chuyện bé trai sáu tuổi Arthur Labinjo-Hughes bị giết thảm vẫn còn khiến nước Anh bàng hoàng. Phiên tòa ngày 4 Tháng Mười Hai 2021 xử hai kẻ thủ ác đã được Bộ Tư pháp Anh cho là quá nhẹ. Vụ việc xảy ra ngày 16 Tháng Sáu 2020, tại Solihull, West Midlands (Anh), khi bé Arthur Labinjo-Hughes bị mẹ kế Emma Tustin giết chết với sự đồng tình của cha ruột Thomas Hughes.
Cha mẹ ly dị không lâu trước khi hai tuổi, Arthur Labinjo-Hughes thoạt đầu được bố mẹ ruột luân phiên chăm sóc. Sau khi xảy ra vụ người mẹ ruột bạo hành với tình nhân của mình do say rượu, cậu bé bất hạnh được giao hẳn cho người cha. Năm 2019, cha cậu – Thomas Hughes – quen Emma Tustin từ một website hò hẹn. Từ đó, Arthur Labinjo-Hughes sống chung với cha và mẹ kế. Cậu bé bị ngược đãi và bạo hành theo cách khó có thể tưởng tượng nổi: Có lần, trong 35 tiếng trong thời gian ba ngày, từ ngày 12 đến 14 Tháng Sáu 2020, Arthur Labinjo-Hughes bị phạt đứng ngoài hành lang và bất cứ khi nào cậu lảng vảng vào phòng khách thì luôn bị mẹ kế tát đuổi ra. Camera trong nhà vẫn còn ghi cảnh có lần cha ruột và mẹ kế cùng các con của mẹ kế ngồi quây quần ăn uống vui vẻ trong khi cậu không được phép tham gia.
Sáng 15 Tháng Sáu 2020, mẹ kế Emma Tustin đánh thức Arthur Labinjo-Hughes dậy bằng cách giật rách tấm trải giường rồi chở cậu đến tiệm làm tóc. Trong suốt khoảng sáu tiếng ở tiệm làm đầu, Emma bắt Arthur Labinjo-Hughes đứng ngoài cửa chờ, thỉnh thoảng chửi vọng ra. Cậu bé mệt và đuối sức đến mức ngã gục ngay trước cửa tiệm. Chiều hôm đó, người cha Thomas Hughes “trừng trị” Arthur Labinjo-Hughes bằng cách dùng thắt lưng quất vào chân cậu. Hắn còn nói với Emma “Kết liễu nó đi”.
Băng hình camera ghi lại cảnh ngày 16 Tháng Sáu 2020: Arthur Labinjo-Hughes kiệt sức đến nỗi rất khó khăn mới có thể leo lên giường. Trưa cùng ngày, Emma gọi tổng đài khẩn cấp 999, báo rằng Arthur Labinjo-Hughes bị té đập đầu xuống sàn. Khi bé Arthur Labinjo-Hughes được đưa đến bệnh viện, bác sĩ cho biết không thể làm gì được để cứu sống. Tối hôm đó, Arthur Labinjo-Hughes chết, thi thể còn vương 130 vết bầm. Emma Tustin 32 tuổi bị xử với án tối thiểu 29 năm tù (chung thân) và Thomas Hughes 29 tuổi với 21 năm.
Câu chuyện chưa kết thúc ở đó. Cả nước Anh đang đòi nhiều câu trả lời chưa được giải đáp, hay chính xác hơn là những câu hỏi nảy sinh từ vụ việc. Vụ Arthur Labinjo-Hughes trở thành đề tài quốc gia khi mà mọi cơ quan và tổ chức liên quan đều cùng xem xét lại toàn bộ tình tiết và nguyên nhân hầu có thể ngăn chặn những bi kịch tương lai. Bộ Giáo dục đang xem lại cách hướng dẫn trẻ báo cáo với ai và cách trình bày bằng chứng bị ngược đãi. Tất cả các ngành, từ nhân viên xã hội, y tế, cảnh sát, đến luật sư ly dị… đều được yêu cầu đưa ra ý kiến. Các ông bà nghị sĩ lên tiếng, các vị hiệu trưởng lên tiếng, giới giáo sư tâm lý lên tiếng… Câu chuyện Arthur Labinjo-Hughes không còn là vụ việc cá nhân. Nó không rơi tỏm vào dòng thời sự. Nó chỉ có thể kết thúc khi nào người ta tìm được một giải pháp thật sự để báo chí và mạng xã hội không còn phải sốc và bàng hoàng với một vụ Arthur Labinjo-Hughes thứ hai…
Câu chuyện bé Nguyễn Thái Vân An đang gây rúng động xã hội Việt Nam, trong khi đó, không phải là sự việc đầu tiên. Mạng xã hội luôn phản ứng dữ dội trước những vụ như vậy. “Chúng ta phải làm gì?” là câu hỏi thường được đặt ra mỗi khi, rất nhiều lần, xảy ra trường hợp tương tự. “Chúng ta” ở đây là ai? “Chúng ta” có thể yêu cầu và đạt được mong muốn giải tán các “hội bảo vệ trẻ em”? “Chúng ta” có thể lên tiếng để cắt ngân sách những tổ chức-cơ quan nhà nước liên quan việc bảo vệ trẻ em? “Chúng ta” có thể gây sức ép để cái-gọi-là “Quốc hội” đưa ra một sắc luật đặt theo tên một nạn nhân, theo cách như mới đây chính quyền tiểu bang Texas đưa ra “Đạo luật Christine Blubaugh” (“Christine Blubaugh Act” – đặt theo tên một cô gái 16 tuổi bị giết thảm)? “Chúng ta” có thể buộc nhà trường phải hướng dẫn trẻ tố cáo bạo hành với sự thống nhất ý kiến phụ huynh trên tinh thần dân chủ?…
Dĩ nhiên chúng ta, được hiểu là cộng đồng và xã hội, không thể thờ ơ và không thể không lên tiếng nhưng nếu chỉ bày tỏ cảm xúc trước một vụ việc cá nhân cụ thể rồi nhanh chóng quên đi (thay vì tìm cách lên tiếng như thế nào, một cách bền bỉ, để có thể tác động đến những kẻ có trách nhiệm hoạch định chính sách), thì hầu như sẽ không thể không chứng kiến một trường hợp Nguyễn Thái Vân An tiếp theo (và nhiều hơn nữa). “Tất cả chúng ta đều có lỗi” là một “cảm tác” quen thuộc nữa mỗi khi xảy ra vụ việc tương tự. Không phải “tất cả chúng ta”.
Đối tượng có lỗi và có tội lớn nhất là tất cả những kẻ chức trách và ban bệ của một hệ thống chính quyền từ trung ương xuống địa phương. Nếu ở một nước dân chủ, mẹ ruột của Vân An hoàn toàn có thể kiện chính quyền địa phương hoặc cơ quan phụ trách “bảo vệ trẻ em”. Ở Việt Nam, tất cả thiết chế “bảo vệ phụ nữ và trẻ em” chỉ là lớp vỏ trang trí, dù Việt Nam “tự hào” là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em vào ngày 20 Tháng Hai 1990.
Có một câu chuyện quen thuộc được kể trong cộng đồng người Việt ở Mỹ. Gia đình một em học sinh khi đến trường còn in nhiều vết bầm trên người đã được nhà trường lập tức gọi đến để “điều tra”. Người ta tưởng bé bị bạo hành. Hóa ra đó chỉ là vết cạo gió. Nếu phải kể ra những biệt đãi mà trẻ em tại Mỹ được hưởng thì không biết kể bao nhiêu cho đủ. Ở một nước như Mỹ, nơi vẫn xảy ra những trường hợp cá biệt ngược đãi trẻ, thiếu nhi luôn là đối tượng được chăm sóc hàng đầu. Chúng được học miễn phí. Chúng được khám sức khỏe miễn phí. Chúng được tự do bày tỏ quan điểm và chính kiến… Tất cả những gì liên quan thiếu nhi đều là chính sách, tức là luật, chứ không phải khẩu hiệu.
Trong một bài cách đây vài năm, tôi có viết điều khác biệt rất lớn giữa trẻ Việt Nam và trẻ em các nước dân chủ nói chung (không chỉ phương Tây) là trẻ Việt Nam không hề biết chúng có quyền gì và chúng bị tước mất quyền gì. Vô số “hội thảo khoa học” được tổ chức năm này qua năm kia ở Việt Nam chưa bao giờ dám bàn vấn đề này. Chưa bao giờ có những chương trình tranh luận sôi nổi được tổ chức trong học đường để trẻ trở thành diễn giả chính trình bày những gì chúng muốn. Trẻ Việt Nam không hề nhận thức hoặc được dạy rằng, ngoài gia đình, chúng còn được bảo vệ chặt chẽ bởi những người lớn khác ngoài xã hội, những người mà bố mẹ chúng đã tin tưởng bầu lên bằng lá phiếu và nuôi họ bằng những đồng thuế của mình.
Mạnh Kim