Hoa Đào – Tranh: Mai Tâm
- Ông này ngộ thiệt ta. Cứ mất vợ là kêu tui. Ông là chồng của nó. Nó sợ ông như sợ cọp…. ừa! cũng đúng thôi, tại vì ông tuổi con cọp, hổng sợ sao được. Sợ vậy mà nó không nói cho ông biết nó đi đâu, còn tui chỉ là bạn, lại tuổi con mèo… con mèo nhỏ xíu… loại mèo mà nhà thơ Nguyên Sa gọi là “con mèo ngái ngủ trên tay anh”…
- Thôi! đừng có dài dòng… lãng nhách…
- Ha! ha! tui với ông cùng họ lãng mà. Ông lãng xẹt, còn tui lãng nhách. Biết vậy, sao kêu tui hoài dị?
- Tôi kêu, vì tôi biết Nhã Tâm đang ở nhà bà. Biểu Nhã Tâm về nhà ngay. Bệnh dịch lan tràn mà tối ngày cứ chạy ngoài đường, rồi mang “virus” về nhà báo hại tôi. Hừ! ham làm anh hùng, có ngày bỏ mạng lãng nhách vì “Covid” đó, biết không?
– Nó như vậy, còn ông thì cứ ở nhà ôm miết cái “còm” để theo dõi con số nhiễm bệnh, con số tử vong, rồi run cầm cập, lo lắng tới mất ăn, mất ngủ. Bộ ông sợ chết lắm hả?
-…
- Nè! tui đố ông… áo lông cừu nặng hay nhẹ?
- Nặng nhẹ kệ cha nó, mắc mớ gì tôi mà hỏi.
- Thì ông trả lời đi… tui sẽ kể ông nghe một bí mật.
- Nặng. Rồi sao?
- Người ta nói, nam nhi chi chí, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, còn ông thì coi cái chết nặng như chiếc áo lông cừu. Nói thiệt, ông tuổi cọp mà không có khí phách của chúa tể sơn lâm gì hết, mất mặt quá đi. Bởi vậy, tui kêu ông là cọp giấy cũng đâu có gì sai.
- Chưa thấy ai vô duyên như bà.
- Ủa! hồi theo đuổi Nhã Tâm, ông hay nói “Tôi nhờ vào tài ăn nói duyên dáng của bà” mà. Ông cọp giấy này trở mặt lẹ thiệt ta. Nhưng tui nói ông nghe, Nhã tâm làm chuyện phúc đức, giúp đỡ mọi người, nên Ông Trời sẽ che chở nó. Ông ở gần, cũng được nó hồi hướng phúc đức, ông đừng sợ…
- Tôi đã chết đâu mà hồi hướng. Bà đừng có trù tôi.
- Ai nói chết mới hồi hướng. Không hiểu thì chị giảng cho nghe nè em…
- Dẹp! nói với Nhã Tâm… không về ngay tức khắc… coi chừng tôi.
- Ủa! ông bị gì… mà phải coi chừng. Bị “con đó” hả? Có sốt, có ho, có khó thở không?
Điện thoại ngưng ngang. Tố Anh cúi gập người, cười thỏa thích.
- Ha!ha! chắc cục nghẹn của ổng chận tới cổ, không nói được nữa.
Nhã Tâm thở dài:
- Mày càng chọc ghẹo, ổng càng làm khó tao chứ ích lợi gì. Tao về, nhớ uống thuốc đúng giờ, chiều xông thêm một lần nữa.
- Trời ơi! đã nói tao bị cảm thường chứ có phải bị cô-vít, cô-vát gì đâu. Mà tao cũng đâu có sợ chết đến nỗi cuống quýt như chồng mày. Mày bắt tao đi “test”, kết quả âm tính rồi, còn hành hạ tao chi vậy?
- Cho chắc ăn. Mày có một thân, một mình, phải giữ gìn cẩn thận. Ốm như que củi, hở ra là bệnh mà cứ tưởng mình là “super woman”. Chán mày quá đi!.
***
Mắt nhắm, mắt mở, anh đưa tay kéo cánh cửa tủ lạnh. Mảnh giấy trắng vuông vức độ một gang tay rơi xuống đất. Khom người nhặt lên, anh bỗng tỉnh táo lạ thường khi nhìn một vòng tròn màu đỏ chét, áp đảo hàng chữ màu đen“Thời buổi khó khăn này, mạng ai nấy giữ. Bạn bè bệnh, gọi thăm là đủ, không cần phải mang thức ăn đến tận nhà”. Đáp lại lời nhắc nhở của anh là những hàng chữ với nét nhọn hoắt nhô cao, như lời thách thức “Bạn bè là khi, thấy bạn ngã mình phải đến đỡ, chứ không phải đợi tắt thở mới đến thắp nhang”.
Anh vò nát mảnh giấy trong tay, thở hắt ra trong cơn bực bội. Trời ơi! người gì trông hiền lành mà cái đầu cứng như đá, bướng bỉnh không ai bằng.
Nhớ hôm qua, khi cô vừa bước đến ngạch cửa, anh đã hét lên:
- Cởi đồ ra trước khi vào nhà.
Cô cười, nụ cười tươi rói, không gợn chút giận hờn, khó chịu.
- Ồ! em lại quên “quy định kỷ luật” của anh rồi. Anh biết không, cái tật đói bụng là quạu, rồi mặt mày xanh lè, tay chân bủn rủn của anh làm em lýnh quýnh khi thấy đã đến giờ ăn. Xin lỗi chồng yêu nhe.
Hơi “quê” anh đi một mạch vào phòng, nằm dài trên giường, lắng tai nghe ngóng, chờ đợi tiếng gọi của cô. Ngoài kia, tiếng hát lảnh lót từ ngoài vọng vào “Lạy Chúa từ nhân, xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người…”
Bài hát qua vòng thứ hai mà vẫn không nghe cô lên tiếng. Anh sốt ruột bước ra phòng ăn, sững sờ nhìn cô trong bộ đồ lót, khoan thai sắp xếp thịt thà, rau quả vào tủ lạnh. Anh gắt gỏng:
- Ăn mặc kiểu gì vậy?
- Kiểu “bikini” chứ kiểu gì? Đẹp không? Em nhớ anh đã từng nói, em mặc “bikini” thì hoa hậu cũng phải chào thua, đúng không?.
Anh xua tay, hất mặt:
- Chướng quá! chướng quá! mặc quần áo vào.
- Xin lỗi anh, vì không muốn mất thời gian nên em phải đốt giai đoạn, để kịp dọn cơm cho anh.
Rồi cô chậm rãi bước ra “garage” với môi cười chúm chím. Anh lườm cô. Đôi mắt hình viên kẹo ngọt ngào của anh ngày nào đã đổi sang hình viên đạn.
- Đi đâu vậy?
- Thì đi mặc quần áo.
- Cô định mặc lại bộ quần áo hồi nãy hả?
- Ồ! quên…. trên bộ đồ em vừa mặc đi chợ về có cả hàng trăm, hàng ngàn con “virus” bám vào đó. Để bảo đảm an toàn, em phải tắm rửa, tẩy trùng kỹ lưỡng, không thôi nó bay sang anh. Nhưng mà… anh đâu có sợ, anh chỉ ghét nó thôi phải không anh?
Anh nói như hét:
- Dẹp ba cái trò giả nai của cô đi.
- Ha! Ha! khi giận, anh đẹp trai hết biết…
Anh nhìn theo cô. Lẫn trong ánh mắt hằn học có chút hoang mang. Bởi vì, anh không biết cô làm thế là muốn chọc anh cười, hay chọc anh giận cho bõ ghét?.
Đang miên man suy nghĩ, bỗng tiếng chuông điện thoại vang lên chát chúa khiến anh giật mình. Bắt máy, tiếng “Hello” của anh như chứa cả sự bực bội trong đó.
- Kiên hả? xin lỗi đã làm phiền em, vì chị gọi Nhã Tâm hoài không được. Nhã Tâm đâu rồi em?
- Em cũng không biết, ngày nào cũng chạy rong ngoài đường, riết rồi em chán, không thèm hỏi, không thèm thắc mắc.
- Nhưng có phải nó đi chơi đâu mà em giận. Nó giúp cho các cụ bà đơn chiếc trong hội cao niên. Hội đóng cửa vì bệnh dịch, con cháu không có, đâu ai giúp đỡ. Nhờ Nhã Tâm nấu thức ăn đem đến, nên họ được no lòng. Ai cũng biết ơn nó. Cái tâm của nó giống hệt má mình. Nhớ năm 75, lúc đó, thuốc men hiếm hoi, ai có thuốc cũng giấu kỹ, còn má, nghe người nào bệnh là đem cho. Ba cằn nhằn, đem cho hết lỡ mình bệnh thì sao. Má nói, người ta cần mà không có thuốc, còn mình có thuốc mà đem cất, em cảm thấy xốn xang, không chịu nổi. Thôi thì, tới đâu tính tới đó. Chắc nhờ vậy mà gia đình mình ai cũng khỏe mạnh, không bệnh hoạn gì hết. Tiếc là má mất sớm, chứ không, má sẽ rất hài lòng với đứa con dâu này. Đâu phải ai cũng được cái tâm thiện lành như nó.
Rồi chị thút thít:
- Từ ngày chị bệnh, Thằng Cody và con Lynn, có thấy đứa nào đến thăm chị đâu. Tụi nó sợ, nên chỉ gọi điện thoại mà không hề hỏi han xem má mình có cái gì để ăn không. Tụi nó đâu biết, ngày nào Nhã Tâm cũng đem thức ăn, đem thuốc xông tới cho chị.
- Vậy… mấy tuần nay Nhã Tâm hay đi ra ngoài là đến nhà chị đó sao? Bộ… chị… nhiễm…
- Ừ! Nhã Tâm dặn chị đừng nói cho em biết, vì em đang bị khủng hoảng tinh thần. Hai tuần trước chị bị cảm, Nhã Tâm đem thuốc tới, rồi cạo gió cho chị. Hai, ba ngày không hết, nó chở chị đi “test”. Kết quả là chị bị nhiễm Covid. Chị sợ thất kinh hồn vía. Nhưng Nhã Tâm nói, chị không bị sốt cao thì không nặng lắm đâu, cứ bình tĩnh uống thuốc, xông, theo dõi nhiệt độ, rồi nghỉ ngơi. Ngày nào nó cũng đem đồ ăn tới, treo ngoài cửa cho chị. Nhờ Nhã Tâm mà chị thấy vững tin, không quá lo sợ.
- Bây giờ, chị cảm thấy sao?
- Bữa nay chị thấy khỏe nhiều, muốn nhờ Nhã Tâm lấy hẹn cho chị đi “test”.
- Chị đi một mình được sao?
- Nhã Tâm hứa sẽ đưa chị đi…
Lỗ tai anh lùng bùng. Nỗi sợ hãi ập đến. Anh thương chị, nhưng con “virus” đâu xót thương ai. Lỡ như Nhã Tâm bị lây nhiễm… Anh bỗng nghe sóng lưng ớn lạnh, hai bên thái dương nhoi nhói đau và cổ họng ran rát…
***
Cái cảm giác ấm áp làm anh cảm thấy khỏe khoắn, dễ chịu. Cô nhanh tay dọp dẹp nồi xông, khăn lau, quần áo, rồi múc cho anh tô cháo nóng. Bây giờ, anh mới nhìn thấy tất cả sự chu đáo và cẩn thận của cô. Trên mặt cô là hai chiếc khẩu trang chồng lên nhau dày cộm, rồi bao tay, áo khoác ngoài bằng ni-lông gài kín cổ. Khi anh thật sự bị cơn bệnh đánh gục, cô khuyên nên đi “test”, anh phản đối quyết liệt và một mực đổ tội cô đã mang bệnh về cho anh. Cô không cãi một lời, lẳng lặng mang sáu tờ giấy thử nghiệm, mà cái mới nhất chỉ cách đây hai ngày, đặt trước mặt anh. Tất cả đều có kết quả âm tính.
- Em đã làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ để giữ an toàn cho em và cho anh. Vì anh, em mới phải thường xuyên “test”. Chứ phần em, em không lo sợ gì cả.
Anh cúi đầu với chút ngượng ngùng vì sự yếu đuối của mình. Đáng lẽ, trong tình trạng sức khỏe hiện nay, anh phải mạnh dạn cách ly với cô. Nhưng anh sợ một mình trong căn phòng vắng lặng, nhìn quanh chỉ có bốn bức tường trắng xóa, lạnh lẽo, và anh càng sợ hơn khi nghĩ đến cảnh phải vào bệnh viện cứu cấp, phải nằm chung với bao nhiêu người nhiễm bệnh. Chỉ tưởng tượng những bóng ma lảng vảng nơi đó, người anh như nhũn ra. Anh thật sự khâm phục sự mạnh mẽ, lạc quan và đức tin vững vàng của cô. Lần nào cũng vậy, trước khi bước ra xe, cô đều đến trước bàn thờ, cầu nguyện với Chúa mà như nói với người cha già thân yêu của mình “Xin Chúa giữ gìn con Chúa ơi”. Anh thường nhíu mày khó chịu mỗi khi nghe lời cầu xin thiếu mất sự tôn nghiêm trong đó. Nhưng giờ đây, những lúc lo lắng, vô tình anh lặp lại lời của cô với lòng thành khẩn. Mà lạ quá, sao anh cảm thấy như có một bàn tay ấm áp xoa nhẹ lên trái tim mình. Một sự vỗ về, trấn an, thật gần gũi làm anh xúc động đến ứa nước mắt. Và cũng chính lúc này, anh cảm nhận được nỗi sợ hãi, sự cô đơn, buồn tủi của những người cần cô giúp đỡ.
- Anh uống thuốc rồi nằm nghỉ, em đi chợ mua ít rau cho chị Hai.
- Lái xe cẩn thận nghe em.
Cô mỉm cười. Một nụ cười ngập tràn hạnh phúc khi nhìn thấy sự lạc quan, vui vẻ, như bừng lên trong nụ hôn gió anh vừa trao cho cô.
***
Nhìn anh hăng hái giúp ông già Mễ đẩy chiếc xe Truck chết máy giữa đường vào trong lề, Tố Anh tròn mắt:
- Trời! chồng mày đó hả? ổng có uống lộn thuốc hông, sao thay đổi dữ vậy?
Cô không nói, ánh mắt âu yếm hướng về anh với niềm vui chan chứa trong lòng, vì cô biết, sắp tới, anh sẽ là người đồng hành nhiệt tình của cô trong những công tác thiện nguyện mà cô đang theo đuổi một cách say mê.
Anh mở cửa xe, nhanh nhẹn bước vào. Tố Anh chồm tới, đưa bàn tay đặt trên trán anh. Anh ngã ra sau:
- Gì vậy bà?
- Thử coi ông có tỉnh táo hông. Tui thấy, bữa nay ông làm chuyện … hơi bất thường. Hổng biết, có phải đây là cọp giấy ngày xưa không ta?
Anh cười ha hả sau chiếc khẩu trang che kín mặt:
- Năm Dần đang tiến tới và tôi cũng đang trở mình để biến thành chúa tể sơn lâm đó bà.
Tố Anh hứ một tiếng:
– Còn khuya. Với tui, ông vẫn là cọp giấy. Nhưng phải công nhận, cọp giấy đã hồi sinh một cách đáng kinh ngạc.
Có lẽ, Tố Anh nói đúng. Nhờ sức sống tràn trề của cô lan tỏa từng ngày mà anh cảm thấy mình như được hồi sinh. Anh nhấn ga, lòng rộn rã khi nhìn dòng xe tấp nập nối đuôi nhau dưới ánh ban mai rực rỡ. Anh thầm thì câu thơ của thi sĩ Bùi Giáng, mà thuở học trò anh rất thích.
Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau.
Ngân Bình