Đứa con gái hai mươi sáu tuổi hét lên trước mặt ông:
- Thậm chí người đàn bà đó về nhà mình làm osin chưa chắc con đã đồng ý!
Ông không kìm chế được nữa, đưa tay giáng thẳng một tát vào má của đứa con gái mà suốt hai mươi sáu năm qua ông chưa một lần đánh nó. Nó lao ra khỏi nhà tay ôm một bên má lằn đỏ và đôi mắt đầy nước. Ông buông người xuống ghế, không còn một chút sức lực nào nữa để đứng lên.
Có những sai lầm mà khi muốn sửa sai với người này, ông lại buộc phải phạm sai lầm với người khác.
Ông xếp vài bộ quần áo bỏ vào vali rồi ném lên chiếc ghế bên cạnh chỗ ông ngồi lái, ông chạy thẳng về phố huyện. Ra khỏi thành phố, trời sầm sập đổ mưa. Tim ông thắt lại khi nhớ ngày ông gặp lại bà Lựu, khi bà đang đẩy xe bánh canh đi bán dạo. Bà cười với ông, hồn nhiên hỏi “tô đặc biệt nhen!” rồi hồn nhiên múc cho ông, còn ông chưa hết ngỡ ngàng nhìn người đàn bà mình đã phụ bạc hai mươi sáu năm trước.
Ông ngồi bên vệ đường ăn hết tô bánh canh bà đưa cho mà nước mắt ông chực rơi, ông muốn hỏi rằng: suốt hai mươi sáu năm qua bà đã sống thế nào, tại sao với từng đó số vốn ông đã cho, bà vẫn không có cuộc sống sung sướng mà phải sống cuộc đời cơ hàn như thế này? Nhưng- hình như bà không nhớ ông là ai hết dù ông đã ngồi rất lâu. Đến khi ông đứng lên thanh toán tiền, thấy ông vội vàng quệt nước mắt, bà sững nhìn ông vài giây.
- Bánh canh tui nấu không ngon hả?
Ông bối rối nhìn bà:
- À, không phải, bà nấu ngon lắm, tự dưng ăn làm tui nhớ đến một người cũng từng nấu ngon như vầy cho tui ăn!
Bà Lựu lại cười một cách hồn nhiên nhất có thể:
- Cám ơn ông!
Ông vào xe ngồi đợi và đi theo bà cho đến khi bà về nhà, ngôi nhà nhỏ xíu lọt thỏm trong một con hẻm nghèo nàn, đường nhão đất đỏ của phố huyện. Hai đứa con trai ra đẩy xe vô cho bà, hai đứa con chừng mười bảy mười tám tuổi.
***
Ngày ông ôm đứa con gái mới được bốn tháng tuổi rời phố huyện theo lệnh của mẹ mình, ông kịp để lại toàn bộ tài sản mà ông được chia lúc đó cho người đàn bà còn đang say ngủ kèm một lá thư, người đàn bà đó thay vì thức dậy trong hạnh phúc với chồng và con, thì chỉ còn lại mớ tiền dày cộm dưới gối và một bức thư tuyệt tình đến nhẫn tâm.
Thầy bói bảo rằng bà có số sát phu, nên mẹ ông nhất định không chấp nhận đứa con dâu như bà, dẫu bà đã sinh cho ông một đứa con gái, dẫu ông bỏ nhà cao cửa rộng để đến ngôi nhà rách nát tồi tàn của bà mà ở. Nhưng khi mẹ ông tu ừng ực chai thuốc trừ sâu trước mặt ông, khi bà phải cong người để chịu súc ruột trong bệnh viện và hôn mê đến mấy ngày mới tỉnh, thì ông buộc mình phải đặt hai phía trên một bàn cân. Ông chọn mẹ, con gái và ra đi. Ông từ bỏ bà và tất cả tài sản ông có, đủ để có một căn nhà khang trang, đủ cho bà làm lại cuộc đời.
Ông trốn chạy khỏi phố huyện, trốn chạy sự bội bạc của mình, ông quằn quại với những giấc mơ ma mị, ông xé lòng với tiếng khóc khát sữa của con. Những lúc quá sức đau đớn, ông tự nhủ rằng, thời gian sẽ xóa được, ít nhất thì mình hãy ráng chờ đợi đến khi mẹ qua đời mới trở về tìm người đàn bà đã trao hết tình yêu đầu đời ngọt ngào nhất cho ông, dẫu chỉ là quỳ xuống xin bà tha thứ chứ không còn đủ tư cách xin nối lại tình xưa.
Có lúc ông nhớ bà đến nỗi muốn đi tìm bà ngay, nhưng mẹ ông luôn để chai thuốc trừ sâu trên đầu giường ngủ khiến ông sợ. Ông nhu nhược đến nỗi suốt hai mươi mấy năm, cố quên một người đàn bà không được, ông thành một đứa con bất hiếu chỉ mong mẹ mình già yếu mà chết đi để ông được sống cuộc đời của mình.
Mẹ ông đã dùng chai thuốc trừ sâu đó để ép ông cưới hai lần vợ, nhưng chưa lần nào sống với nhau nổi hai năm, hai bà vợ của ông đều rời bỏ ngôi nhà đó sau khi nhận thấy làm vợ quá cô đơn khi chồng mình có trong tim một bóng hình khác. Càng nhìn con gái mình lớn, ông càng nhớ bà, nó giống bà quá, chỉ có tính tình của nó, vì được bà nội cưng chiều nên nó lớn lên với tính cách ông không mong muốn. Nên khi nó biết ông về phố huyện tìm một người đàn bà nửa tỉnh nửa điên, nghèo rớt, nó cho rằng chính bà đã quyến rũ ông vì gia sản của gia đình. Ông ngỡ ngàng nhận ra hình bóng của người đàn bà mà ông yêu thương hết mực đã mất dần trong chính giọt máu của mình. Nhưng ông phải nói thế nào cho nó biết rằng, chính cha nó đã làm mẹ nó đến nông nỗi như hôm nay?
Ông cảm thấy xé lòng với câu hỏi đó? Ông phải làm sao?
***
Ai cũng có thể cần tiền và phải bán mồ hôi, nước mắt, thậm chí máu của mình để có tiền, nhưng nhất định không phải bán con. Bà Lựu cũng vậy, nên với một núi tiền dưới gối nằm mà mất đi đứa con gái vài tháng tuổi, bà gần như điên dại. Ban đầu, bà thất thểu chạy khắp nơi để tìm con và tìm người đàn ông nhẫn tâm của bà, suốt nhiều năm như thế, bà không thể tìm ra. Bà về ngồi lại trong căn phòng mình, ôm những chiếc gối thơm mùi sữa của con mà ru à ơi hàng đêm, rồi khi sực tỉnh, bà lấy đống tiền của ông để lại, cắt nát từng tờ một, nát đến không thể nhận ra đó là những tờ tiền.
Bà Lựu trở thành “bà điên” từ đó. Nhưng không biết trời đang thương hay ghét bà, một năm bà có mấy tháng tỉnh táo, mấy tháng đó bà đi làm, bà nấu bánh canh rồi gánh đi bán, sau này người con lớn tìm đâu được mấy cái bánh xe cũ, về đóng cho bà cái xe đẩy, từ đó bà đẩy đi. Những tháng ngày nhớ con điên loạn, bà đi tìm con, rồi đói lả, rồi ngủ lăn lóc ở đâu đó ven đường. Thằng con trai nhỏ là kết quả của một đêm ngủ vật vờ bụi bặm, bị gã say nào đó hãm hiếp, mà chính bà cũng không nhớ mình đã bị những gì, cơ thể rách nát ở đâu?
Ngày bà chuyển dạ sinh con, có thằng nhỏ ăn xin mồ côi chừng mười tuổi đi ngang, nó la làng kêu người cứu, rồi từ đó nó ở luôn với bà, nó kêu bà là mẹ, nó đi xin ăn rồi nuôi cả mẹ lẫn em. Sau khi sinh con, bà tỉnh lại. Nhưng cái ký ức đau thương của những ngày mất con thì không còn nữa, xóa thành một vùng trắng tinh.
Hình như đó cũng là sự thương xót cuối cùng của ông trời dành cho người đàn bà bất hạnh này.
***
Ông chỉ còn cách bà mấy bước chân, nhưng ông phải nói thế nào đây, phải giới thiệu mình là ai, phải làm gì để có thể chuộc lại những lỗi lầm mà ông đã gây nên đau thương cho người phụ nữ này gần hết cuộc đời?
Khi bà nhìn ra ngoài màn mưa, bắt gặp ánh mắt ông từ xe nhìn vào, bà mỉm cười, cúi chào. Ông vội vàng đưa tay quẹt nước mắt mình rồi bung cây dù xuống xe bước đến, bà ngỡ ngàng hỏi:
- Ông... ông ăn bánh canh nữa hả?
Ông vội vàng lắc đầu, lúng túng chưa biết nói sao, thì thằng con lớn của bà nhanh nhảu:
- Bạn mẹ hả? Xưa giờ con mới thấy mẹ có bạn đó!
Ông lắp bắp:
- Ừ, ừ phải... ta là bạn mẹ con!
Trong câu chuyện hôm ấy giữa gia đình bà, ông nghẹn lại rất nhiều lần, nhưng sự thật về ông, ông vẫn không dám nhắc, bởi trong bà bây giờ - khoảng ký ức ấy trắng tinh.
Rồi ngày mai, ngày kia, ông lại trở về làm một người bạn của bà, sẽ kể cho bà nghe những kỷ niệm rất đẹp thuở xưa, còn những đau buồn, ông sẽ không kể lại, để khoảng ký ức đó của bà, vĩnh viễn là vùng trời đẹp nhất.
Nguyễn Anh Đào
Nguồn: Fb Trang Văn Chương Miền Nam - Rosa Cỏ Xanh st>