Ảnh: Sven Brandsma/Unsplash
(Riêng tặng Tâm Phương, em học trò cũ của tôi)
Cuộc đời bầm dập nổi trôi của một em học trò cũ đã thôi thúc tôi viết nên câu chuyện này. Người ta thường bảo “sông có khúc, người có lúc” nhưng phải nhìn nhận cả cuộc đời của em đã phản ảnh lại nhận xét trên. Bao đau thương đã dồn dập lên đôi vai yếu ớt của em, nhiều lúc tưởng chừng như không còn gượng dậy được nữa, nhưng em vẫn phải sống, vẫn phải đương đầu với mọi khổ đau tràn ngập vây quanh.
Ngày xưa em cũng là một nữ sinh má hồng môi thắm của trường Đồng Khánh, ngôi trường màu hồng ngập tràn hoa phượng trên các lối đi. Buổi sáng sớm mai cũng tung tăng đến trường, tóc con gái còn thơm mùi hoa cau hoa bưởi trong khu vườn trăng của đêm qua, trái tim vẫn còn đập những xao xuyến vì ước mơ! Con đường Lê Lợi đã mang nặng những bước chân đi về của những cô nữ sinh với mái tóc mây buông xõa, thẹn thùng với chiếc nón nghiêng nghiêng và em cũng như bao nhiêu người con gái mới lớn khác, cũng yêu thương và đắp xây mộng ước cho cuộc đời mai sau của mình. Rồi em đã gặp và yêu một chàng trai trong quân ngũ, họ đã thành hôn và đã có với nhau hai mặt con: Một trai, một gái.
Lấy chồng được bốn năm, những tưởng dòng đời cứ êm xuôi mãi với gia đình bé nhỏ của em, nhưng rồi cơn bão táp 30 Tháng Tư 1975 đã làm tan nát biết bao gia đình. Chồng em phải đi cải tạo như bao nhiêu người khác nhưng anh ấy lại là người bất khuất, không chịu cúi đầu nhịn nhục lũ Việt Cộng dã man. Anh đã vùng lên chống lại và bị bắn chết trong ngục tù sau ba năm bị giam giữ. Nỗi đau đớn tưởng chừng như chết được, nghe như có những hạt sỏi lao xao đang nghiền nát trái tim khô héo nhưng em vẫn phải gắng sống để còn nuôi một mẹ già và hai con.
Sau đó ba mẹ con làm đơn xin đi Mỹ theo diện HO vì chồng chết trong trại cải tạo. Hồ sơ nộp 10 năm trời vẫn chưa thấy tia hy vọng nào lóe sáng! Cuộc sống quá khó khăn, em phải gom góp tiền bạc, lo đút lót chạy chọt để được đi lao động ở Đông Đức – một giấc mơ vô số người ao ước. Kiếm được bao nhiêu tiền, em đều gởi về nuôi mẹ, nuôi con, giúp đỡ anh em nữa. Rồi bức tường Bá Linh sụp đổ, em được qua Tây Đức, sống cuộc sống tự do và an bình.
Tưởng rằng qua được đây là một chân trời mới mở rộng cho em, và với đôi tay và khối óc, em sẵn sàng kiếm việc làm, cực nhọc thế nào cũng cam lòng, chỉ mong sao kiếm thật nhiều tiền để lo cho những người thân còn ở lại quê nhà. Không ngờ việc em qua Đức lại làm cản trở, thiệt thòi tương lai của hai đứa con! Thật đúng ở đời không sao tính trước được mọi sự việc. Qua Đức được hai năm, hồ sơ đi Mỹ lại được cứu xét. Nếu còn ở lại Việt Nam, ba mẹ con em sẽ được qua Mỹ theo diện HO; nhưng đơn xin của hai đứa con bị chính phủ Mỹ từ chối vì mẹ đã ở Đức.
Có một điều an ủi là em đã về được thành phố München này, dễ kiếm việc làm. Tôi thường khuyên nhủ em, thôi thì không được đi Mỹ cả ba mẹ con nhưng em vẫn còn may mắn hơn bao nhiêu người khác là đã đến được bến bờ tự do, không phải lênh đênh trên biển cả, đối mặt với chết chóc ngoài biển khơi mịt mù!
Rồi em gặp được một người yêu thương em hết lòng. Đó là anh Nguyễn. Anh Nguyễn độc thân, có công ăn việc làm vững chắc; dù biết rằng em có một đời chồng và hai con nhưng anh vẫn một lòng yêu thương và xin cưới em. Em còn trẻ, hơn nữa qua xứ người một thân một mình bơ vơ cô quạnh, cuối cùng em nhận lời làm vợ anh Nguyễn. Họ sống với nhau những tháng ngày thật hạnh phúc. Anh Nguyễn chăm sóc, thương yêu lo lắng cho em từng ly từng tí. Ai cũng mừng cho cuộc đời em đã được đền bù. Em có một nơi nương tựa vững chắc. Mỗi lần đi làm đều có chồng đón đưa. Em đã sống những ngày mật ngọt, ấm êm.
Nhưng rồi, cũng lại chữ “nhưng” quái ác, anh Nguyễn bị bịnh và chỉ một thời gian ngắn, thật bất ngờ, anh ấy ra đi! Nhận được điện thoại báo tin, tôi bàng hoàng sửng sốt, không tin đó là sự thật. Sao cuộc đời quá đắng cay nghiệt ngã đối với em như vậy? Vội vã đến nơi, chỉ còn thấy anh Nguyễn nằm bình yên như ngủ, trút bỏ lại đằng sau tất cả ưu tư phiền muộn của cuộc đời; còn em gục đầu bên xác chồng, đôi mắt vô hồn. Lòng tôi quặn thắt! Em như con đò nhỏ chao đảo giữa bão táp đại dương, niềm đau xé nát tâm can, đôi vai rung lên theo nhịp thổn thức…
Thôi hết, từ nay em lại một thân một mình. Tôi đứng sững như trời trồng, cổ họng khô cứng, tôi lo em sẽ không đủ sức chịu đựng muôn ngàn đớn đau như thế này! Kể từ hôm đó tôi luôn luôn túc trực bên em, phụ giúp em lo ma chay; ngày đưa đám em lại muốn tôi là người điều khiển chương trình tang lễ, rồi bảy tuần cúng thất, tôi theo em lên chùa đều đặn.
Chỉ còn một mình, em không đủ sức trả tiền thuê hằng tháng cho căn nhà rộng mênh mông, đành phải kiếm chỗ ở nhỏ hơn. Nhờ con tôi giới thiệu và đứng ra bảo lãnh nên em thuê được một căn hộ ở gần nhà tôi, chỉ cách một trạm xe U-Bahn nên tiện lợi cho em những khi tối lửa tắt đèn. Ngày ngày, sau khi đi làm về, em tìm khuây khỏa bằng cách ra nghĩa trang thắp nhang cho chồng, ngồi bên mộ tỉ tê một hồi rồi mới chịu về. Nhiều khi chán nản cùng cực vì cô đơn quá, em muốn trở về Huế để ngồi yên dưới mái nhà xưa, bên mẹ bên con, nhưng em phải sống, phải làm việc hết sức để còn lo cho những người thân yêu đó. Đúng là em thật sự can đảm, có một sức mạnh. Và sức mạnh ấy là tình thương, là nước mắt hướng về quê nhà với một trái tim hiếu thảo và nhân hậu bao la!
Tôi biết niềm đau của em không ai chia sẻ nổi. Biết vậy nhưng tôi cũng an ủi khuyên lơn em, giúp cho em được việc gì tôi cũng không từ nan và em đã nhận tôi như một người mẹ thứ hai trên xứ người. Tôi cố hết sức đem lòng thương yêu của mình để xoa dịu trái tim tan nát của em được phần nào hay phần đó vì chỉ có tình thương mới hàn gắn bớt được mọi khổ đau của cuộc đời.
Là một Phật tử thuần thành nên em đã đặt hết niềm tin của mình vào phép Phật nhiệm mầu, tìm khuây trong lời kinh tiếng kệ. Lên chùa, quỳ trước Phật đài, nhìn bóng dáng từ bi của chư Phật, em cảm thấy tâm mình được bình an hơn. Tâm bình thì giọt sương đọng trên ngọn lá, tâm động thì giọt sương là nước mắt và tâm an nhiên tự tại thì giọt sương đó là hạt kim cương. Cổng tam quan của mỗi ngôi chùa không phải chỉ là cái mốc êm đềm trên một quãng đường học trò thời trẻ dại, hình ảnh ấy chính là nơi tu dưỡng và nơi tái tạo cuộc sống trong suốt cuộc hành trình viên miễn của kiếp nhân sinh và tiếng chuông chùa bồng bềnh dội vào những tầng mây cao như mời gọi lảng khuây.
Chỉ có ánh sáng của Đạo Pháp mới mở lòng từ bi cứu độ chúng sanh cũng như vầng trăng có bao giờ thiếu vắng, vầng trăng ấy vẫn không ngừng đi tìm bóng tối để soi sáng vô minh. Từ đó, em đã biết tự mỉm cười với chính mình trong ý nghĩ: “Cơn bão nào rồi cũng qua”; những gì hiện hữu hôm nay rồi cũng sẽ tan theo vô thường, chợt đến rồi chợt đi mà thôi: “Thiên thượng phù vân như bạch y”…
Nguyên Hạnh HTD