Ảnh: Dmitriy Be/Unsplash
Sóng gió cuộc đời tạo nên nghịch cảnh. Đó là những khó khăn, thử thách, đau khổ, buồn phiền, lo âu, sợ hãi,… trong cuộc sống của mỗi người mà không ai mong muốn có. Danh ngôn Pháp có câu: “Nghịch cảnh không chỉ là một thử thách của tình cảm mà còn là thước đo của trí tuệ và bản lĩnh con người”. Nhưng có người chấp nhận nghịch cảnh như một… định mệnh!
Là một du học sinh, Duyên đến Canada – xứ sở có nền giáo dục tiên tiến, cuộc sống tự do, yên bình và hạnh phúc mà nhiều người mơ ước được nhập cư để học tập và sinh sống. Dì Hạnh hứa cho Duyên tá túc đến khi tốt nghiệp, có việc làm và tự lo lấy thân. Thật là một may mắn đối với Duyên và gia đình, vì ăn và ở là chi phí không nhỏ, nhất là tại một thành phố lớn đắt đỏ như Vancouver. Ba má Duyên bán căn nhà của ông bà nội để lại và một số của cải ruộng vườn thừa hưởng của ông bà ngoại để có tiền cho nàng đi du học, với hy vọng Duyên học hành thành tài, lấy chồng, định cư Canada, rồi bảo lãnh, giúp đỡ cho ba má và các em. Đây là một kiểu “tìm đường xuất ngoại” hợp lệ và an toàn hơn những năm xưa khi thuyền nhân thí mạng trên biển cả.
Duyên vừa học vừa làm bán thời gian cho một tiệm phở dưới phố. Duyên nhìn dễ mến với nét xinh xắn, hiền lành. Duyên chăm chỉ học hành và làm việc. Nàng là niềm hy vọng, một “món tiền đầu tư” cả về vật chất lẫn tinh thần mà gia đình đã đặt trọn niềm tin yêu. Sống nương tựa vào dì Hạnh cũng là một sự phiền hà và mang ơn, vì ba má Duyên không phải là đại gia lắm tiền nhiều của. Duyên ở chung phòng với con gái dì Hạnh. Dù tối về chỉ ngủ và học bài nhưng con bé Hồng tỏ vẻ khó chịu và bất mãn ra mặt khi có người chia phòng. Ở chung với một người chị họ từ xứ sở nghe nói là “nghèo, chậm tiến”, nó càng kỳ thị và khi dễ. Thêm vào đó, Hồng vốn sẵn căm ghét khi nhắc đến Việt Nam, vì cha nó trong một chuyến về thăm nội đã yêu mê mệt cô bồ nhí mà bỏ rơi mẹ và hai chị em nó.
Mỗi tuần, Duyên chỉ được “nghỉ ngơi” ngày Chủ Nhật, để giặt quần áo, phụ dì Hạnh vệ sinh nhà cửa, chợ búa, bếp núc… Duyên biết thân phận ăn nhờ ở đậu nên luôn ráng chịu đựng, không dám đua đòi hay a dua theo chúng bạn mà ăn chơi, hưởng thụ. Hòa nhập vào cuộc sống ở Canada là một nỗi khó khăn của Duyên cũng như những người từ châu Á đến, vì sự khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, tập quán…
Ảnh: Jacalyn Beales/Unsplash
Chuyện đời lại không phải lúc nào cũng đẹp… Khi Duyên đang học năm thứ ba ngành kế toán thì cha nàng bị đột quỵ. Từ đó ông bị bán thân bất toại, không thể lo việc kinh doanh hay chạy xe hàng đi các tỉnh miền Tây. Ông trở thành tàn phế và vài tháng sau qua đời. Mẹ Duyên mang gánh nặng nuôi ba đứa con ở quê và một đứa đi du học. Cha chết nhưng Duyên không về đưa tang được vì đang vào kỳ thi cuối khóa mà cũng không có tiền để mua vé. Hai năm rồi Duyên không về thăm nhà vì mùa Hè phải đi làm kiếm tiền.
Không biết tương lai ra sao. Chỉ còn một năm học nữa thôi, nàng không thể bỏ cuộc. Má nói phải bán cái xe hàng rồi gởi tiền cho con học tiếp nhưng cũng không đủ trả hết tiền học phí cho năm còn lại. Chắc phải bán cái nhà lớn rồi mua nhà nhỏ. Dì Hạnh hứa cho mượn thêm một ít nhưng dì cũng không dư giả gì, với tiền lương của một thu ngân Walmart và một nách hai đứa con nhỏ.
Chiều chiều, sau giờ học, Duyên làm bồi bàn ở tiệm phở cho đến khi đóng cửa lúc 9 giờ tối. Có một người khách trung niên thường đến ăn tối. Ông lặng lẽ, u buồn, thích ngồi ở một góc khuất. Dường như ông cũng để ý thấy Duyên sao nét mặt lúc nào cũng lo âu, phiền muộn. Một hôm, khi bưng phở đến bàn, người khách chợt hỏi Duyên:
“Sao cô lúc nào trông cũng buồn bã vậy?”
Duyên lí nhí trả lời… “Dạ, cha cháu mới mất, mà cháu đang học thi, lại cũng không có tiền mua vé về Việt Nam”…
“Thì ra là thế! Cô học ngành gì?”
“Dạ, ngành kế toán, chỉ còn năm cuối thôi chú à, mà cháu sợ phải nghỉ học vì không có đủ tiền đóng học phí!”
Ông khách nhìn Duyên, không nói gì… Một hôm, khi ăn xong, ông khách đó ngoắc Duyên lại bàn. Ông dúi lẹ vào túi tạp dề của Duyên một phong bì và nói: “Tôi cho cô mượn tiền, khi nào học xong có việc làm kiếm tiền trả lại cho tôi nhé!”. Duyên chưa kịp phản ứng thì ông khách đã vội bước ra cửa…!
Duyên kín đáo vào phòng vệ sinh mở cái phong bì. Không thể ngờ được một người xa lạ, chưa biết họ tên lại cho mượn một món tiền lớn như vậy – $20,000. Duyên hồi hộp, vui mừng lẫn lo sợ, bước lên xe bus mà tim còn đập mạnh, người run run… Ông khách là ai, tên gì, tại sao lại tốt với Duyên? Bao nhiêu câu hỏi nhưng không ai có thể trả lời trừ ông khách ấy. Duyên giấu nhẹm chuyện mình có nhiều tiền và hoang mang không biết tính sao…
Bẵng đi ít lâu, ông khách lại đến nhà hàng ăn tối. Duyên có ý chờ ông. Hôm nay gặp lại, Duyên mừng lắm. Sau cùng Duyên hỏi: “Dạ cho cháu biết tên chú, mà sao chú cho cháu mượn nhiều tiền vậy?” Ông cười đáp nhẹ: “Tôi tên Hải, cô cứ mượn đi, đừng ngại, tôi không lấy lời đâu mà cũng không đòi gấp!”. Duyên ấp úng: “Cháu… cháu tên Duyên, cám ơn chú, nhưng cháu và chú không quen biết, lỡ cháu quịt tiền thì sao?”. Ông Hải phì cười: “Thì thôi vậy, coi như tôi giúp cô”. Duyên nhìn ông Hải bẽn lẽn, ngại ngùng không biết nói gì… Ông Hải nói thêm: “Cô cứ lo học đi, chuyện nợ nần tính sau”. Nghe giọng nói, Duyên biết ông Hải là người gốc Bắc di cư 1954.
Tình “chú cháu” vẫn nhẹ nhàng như những lúc ông Hải đến nhà hàng ăn tối và chuyện trò với Duyên. Thấm thoát… Duyên vừa xong kỳ thi cuối khóa và tốt nghiệp. May mắn cho Duyên khi cô được nhận vào làm kế toán cho một ông chủ Tây trẻ tuổi vừa được thừa kế vài nhà hàng hạng sang trong tỉnh. Công việc không có gì khó khăn. Duyên sung sướng hy vọng việc làm có nhiều tiền sẽ sớm trả món nợ cho ông Hải.
Hôm ấy, sau khi ăn tối, ông Hải ngỏ ý muốn đưa Duyên đến một nơi. Đó là căn nhà ở khu yên tĩnh hơi xa thành phố. Ông nói: “Duyên có thể ở đây nếu thích, nhà của một người bạn thân tên là Tư Lâm, tôi mướn nhưng cũng ít ở vì công việc phải đi nhiều nơi, nhưng Duyên phải học lái xe”. Duyên đi xe bus hay tàu điện để đi học, đi làm, chưa nghĩ đến mua xe và học lái. Nghe ông Hải nói, Duyên háo hức vui mừng. Ông Hải ghi danh cho Duyên đến trường học lái xe và sau đó ông còn mua cho Duyên một chiếc xe nho nhỏ để đi làm… Lại mắc thêm một món nợ mới. Duyên đề nghị chia trả tiền nhà vì bây giờ Duyên có việc làm lương khá, nhưng ông Hải chỉ cười và nói: “Nếu Duyên ở đây thì coi sóc nhà cửa lúc tôi đi vắng là tốt lắm rồi!”.
Nghĩ đến lúc phải tự lập, Duyên thưa với dì Hạnh: “Cháu có bạn trai và muốn dọn ra riêng”. Dì Hạnh vui mừng cho đứa cháu vừa có “đại đăng khoa lẫn tiểu đăng khoa”. Tuy nhiên, Duyên ngại không dám đưa ông Hải về ra mắt dì. Thật ra ông Hải cũng chưa phải là bạn trai của Duyên. Ông tốt với Duyên như một người cha, người chú, còn “tình yêu” thì ông chưa lần nào thố lộ.
Duyên dọn đến ở chung nhưng ông Hải thường không ở nhà. Thỉnh thoảng ông ghé về vào buổi tối mà có vẻ bí hiểm; dường như lén lút không muốn cho ai biết ông ở đây. Ông ngủ qua đêm và thỉnh thoảng chuyện trò chỉ bảo Duyên thêm kinh nghiệm làm việc và cuộc sống ở Canada. Ông Hải chưa bao giờ rủ Duyên dạo phố, ăn nhà hàng, hay đi mua sắm như những cặp tình nhân.
Ảnh: Tarik Haiga/Unsplash
Một đêm mưa gió, ông Hải “lẻn” vào nhà bằng cửa sau như một tên trộm. Ông ướt mèm và lạnh run, có lẽ do dầm mưa lâu lắm rồi! Ông vào nhà tắm rửa thay quần áo nhưng nhìn vẫn còn nét bất an, lo sợ và bối rối như một chuyện gì không hay vừa xảy ra… Duyên lo lắng, hỏi han và an ủi, nhưng ông vẫn không hé răng. Và… cũng vào đêm đó, Duyên trở thành người tình nhỏ của ông. Duyên chẳng có gì hối tiếc vì đã “thọ ơn” quá nhiều trước tình cảm và thương yêu mà ông Hải dành cho Duyên. Dù vậy, Duyên có một linh cảm không hay khi sống bên một người đầy “bí mật” như ông Hải.
Rồi một buổi sáng sớm, Duyên mở tivi, thấy bản tin nóng cho biết có một vụ nổ súng ở “Chinatown”. Sau đó báo chí đăng tin hình hai người bị bắn chết trên chiếc SUV ở phố Tàu – một người là “ông trùm” và người còn lại là… ông Hải! Cả hai đều có tiền án trong hồ sơ sở cảnh sát liên bang. Trước cái tin sét đánh, Duyên đau khổ, sợ hãi và hoảng loạn. Không dám chia sẻ cùng ai, Duyên tìm chú Tư Lâm, người duy nhất mà Duyên biết có liên hệ mật thiết với ông Hải. Chú Tư làm chủ một hãng bánh kẹo và cũng là chủ căn nhà mà Duyên đang ở. Gặp Duyên, chú Tư dắt vào văn phòng rồi bật khóc kể…
Hải và Lâm là bạn chí thân từ lúc còn học trung học ở Việt Nam. Hải qua Mỹ, chí thú học hành, trở thành kỹ sư hóa học, làm cho một công ty dược phẩm ở Boston, Massachusetts. Sau đó, từ một người quen móc nối, Hải thay tên đổi họ và qua Vancouver-Canada nấu “ma túy đá” (methamphetamine) cho một băng đảng Tàu có chân trong hội Tam Hoàng. Trong một lần bị bố ráp, Hải bị bắt, ngồi tù một thời gian. Hải muốn giải nghệ nhưng “ông trùm” không chịu vì Hải có tay nghề cao, nấu thuốc rất tinh khiết nên giành được nhiều mối hàng lớn. Do tranh giành “lãnh thổ”, các băng đảng khác tìm sát thủ diệt trừ “tên thợ nấu”, cũng như dằn mặt đám Tam Hoàng ở Chinatown. Hải có vợ và hai con ở Boston, một trai, một gái, đang học đại học; nhưng vợ chồng đã ly dị từ khi Hải “nhúng chàm”.
Chú Tư cũng bùi ngùi kể lại cuộc đời bất hạnh của mình. Lúc vượt biển, vợ chú bị bọn cướp Thái Lan bắt đi. Chiếc ghe bị chúng đâm lủng, nhận chìm. Không chỉ mất vợ, chú mất luôn con. Nó quấy khóc và lúc nào cũng đeo theo mẹ nên bị bọn hải tặc ném xuống biển! Vợ chú sau đó bị bọn cướp bắt đi theo mà không biết đã chết trên biển hay trôi dạt phương nào! Chú Tư và vài người bạn may mắn sống sót, tấp vào bờ trên một tấm ván và được đưa vào trại tỵ nạn Bidong ở Mã Lai. Chú Tư đau khổ chấp nhận số phận, bao năm vẫn sống cô độc, luôn tìm kiếm, mong gặp lại người vợ thương yêu…
Duyên cố quên chuyện u buồn, coi như dĩ vãng đã qua…! Nhưng hai tháng nay, Duyên không thấy “bật đèn đỏ”. Vào cái đêm “thần tiên” đó, có lẽ… Duyên gặp bác sĩ và biết mình có con. Lại một khúc rẽ cay nghiệt của cuộc đời! Duyên vô cùng sợ hãi và bối rối – giữ hay bỏ một đứa trẻ vô tội? Nó chưa ra đời thì người cha đã không còn. Duyên đau khổ tỏ bày sự tình cho dì Hạnh, mong dì cứu giúp và đừng cho mẹ của Duyên biết chuyện. Dì Hạnh bàn tính: Duyên có thể sinh rồi cho những người muốn nhận con nuôi; còn không thì phá thai.
Với người đời, ông Hải là một quỷ dữ tàn ác làm hại biết bao người. Nhưng trớ trêu thay, đối với Duyên, ông Hải là vị cứu tinh, một thiên sứ đến để giúp đỡ và yêu thương cô. Duyên rối bời như tơ vò mà không biết phải làm gì. Nàng lại đến gặp chú Tư. Chú Tư buồn bã nói: “Nếu Duyên không thể nuôi con, tui nhận nó làm con nuôi”. Biết số phận mình không thể sống lâu dài khi lầm đường lạc lối sa chân vào xã hội đen, Hải có trăng trối với chú Tư: “Nếu có gì không hay xảy ra, xin anh lo lắng và giúp đỡ Duyên, một chút tình cuối đời của Hải”…
Chú Tư đề nghị làm hôn thú giả với Duyên để nàng được ở lại Canada một cách hợp pháp và đứa con có người cha “thừa nhận”. Duyên bế con ra khỏi văn phòng di trú mà lòng không biết nên buồn hay vui!… Ông chủ động lòng thương cảm nên lúc nào cũng giúp đỡ Duyên. Cô lại là một thủ quỹ giỏi giang siêng năng. Vài người có tình ý theo đuổi nhưng khi biết được quá khứ tình ái của Duyên với một “tội phạm khét tiếng” thì họ vội vã quay gót rời xa… Duyên một mình nuôi con rồi lo bảo lãnh gia đình ở Việt Nam sau khi được nhập tịch Canada. Sau đó nàng xin ly dị với người chồng giả. Chú Tư là người hiền lành, tốt bụng, giúp đỡ Duyên tận tình không vụ lợi, và chú là cha nuôi của Hải Âu. Duyên đặt tên con là Hải Âu, cánh chim biển hiền lành hay một nỗi “âu sầu”nhớ Hải?!
Thời gian qua nhanh. Nhìn lại thì “đời đã xanh rêu”. Duyên không còn trẻ nữa và cũng đã lỡ làng một duyên phận. Bây giờ Duyên vui sống bên đứa con gái, lòng vẫn khắc khoải nhớ về cuộc tình đẹp ngắn ngủi. Một ân tình bất ngờ đến rồi cũng bất ngờ đi nhưng để lại trong lòng nàng mối sầu sâu nặng có lẽ đeo bám dai dẳng cho đến cuối cuộc đời…
Nhã Duyên