Tuổi trẻ tôi cũng như các bạn đang phơi phới với những ước mơ, hoài bão về tương lai; với điều kiện gia đình và học lực của bản thân, tôi tự tin về một ngày mai của mình.
Tôi có một tình bạn đang lớn dần thành tình yêu. Do mùa hè đỏ lửa năm 1972, anh vào lính sau khi đậu Cử Nhân Luật Khoa. Anh là Sĩ Quan ưu tú của tòa Tỉnh. Chúng tôi hẹn nhau ngày tôi tốt nghiệp sẽ làm lễ cưới. Nhưng biến cố năm 75 đã thay đổi hết mọi điều. Tôi trở thành cô dâu bất đắc dĩ ngay sau tháng Tư năm đó mà lòng buồn khôn tả.
Làm sao vui nổi khi gia đình tôi ly tán? Ba tôi phải vượt biển ra đi, không biết sống chết thế nào và tôi làm đám cưới này giống như người ta làm đám cưới chạy tang. Tôi không phải “chạy tang” mà là “chạy tù” theo khẩn khoản của anh. Anh muốn cưới tôi trước ngày khăn gói đi trình diện “học tập cải tạo”.
Tôi trở thành người phụ nữ đi thăm nuôi chồng tù cải tạo trẻ nhất trong số các bà vợ. Sau bao lần chuyển trại, cuối cùng chồng tôi bị đưa về trại tù ở Bàu Sen, một cù lao xa xôi thuộc Trà Vinh, dân cư thưa thớt đa phần là người Miên. Chính vì là một cù lao hẻo lánh, dân cư ít ỏi nên mỗi ngày chỉ có một chuyến xe đò đưa dân đi và về. Sống từ bé đến lớn ở Sài Gòn, chưa bao giờ đi đâu xa một mình mà nay phải lặn lội thăm chồng tại một nơi chưa hề biết. Tôi tìm đến nhà các chị vợ bạn của chồng đã đi trước để hỏi thăm tình hình thì ai cũng khuyên đừng nên đi! Họ chỉ nói đường đi vô vàn khó khăn, nếu đi, phải có gia đình đi theo chứ đừng đi một mình. Biết vậy nhưng tôi vẫn nhất quyết đi.
Tôi từ Sài Gòn về Vĩnh Long nghỉ ở nhà chồng một đêm để sáng sớm ra bến xe Vĩnh Long đón xe đi Trà Vinh. Ðến Trà Vinh tôi chuyển qua xe đò đi Tân Lập. Mỗi ngày chỉ một chuyến xe nên mọi người nhồi nhét nhau chật cứng. Trên xe rất nhiều gia đình đi thăm nuôi tù nên chúng tôi an tâm, mọi người thân thiện với nhau. Ngồi bên cạnh tôi là một bà già trông có vẻ kỹ tính vì chỉ im thin thít. Mãi lâu sau bà mới ghé tai hỏi rất khẽ: “Cô đi thăm nuôi ba? Sao đi có một mình?”. Thực vậy, ai đi cũng có cha mẹ hay chị em đi cùng; còn tôi tay xách mang đùm đề mà chỉ một thân một mình. Tôi trả lời bà là đi thăm chồng. Bà cúi người nói thật nhỏ căn dặn tôi: “Lát nữa xuống xe, cô đi theo sau tôi nghe!”. Nhìn vẻ thận trọng của bà và vì cũng cần có người để nương cho đỡ sợ nên tôi “dạ” ngay.
Xe đến bến, mọi người xuống xe và đi bộ ra bến đò để đến cù lao Bàu Sen. Ðường đi đá lởm chởm mà toàn đá to. Bước chân đi trên đá cứ chông chênh lúc nào cũng chực ngã, đã vậy hai tay còn xách giỏ đồ ăn thăm nuôi nặng trĩu nữa, thật gian nan! Ði thật lâu, thật xa. Hai bên đường không thấy nhà cửa. Trên đường chỉ có đoàn người thăm nuôi và vài dân địa phương. Tôi với bà đi bên nhau. Bà dặn tôi lát nữa xuống đò không nói chuyện, kéo nón che kín mặt và khi lên bờ thì cúi mặt đi sau bà một khoảng rồi xem bà vô nhà thì nhìn quanh nếu không thấy ai thì mau chạy theo bà liền. Bà giấu tôi trong nhà và tìm cách liên lạc cho tôi gặp chồng và gửi đồ. Nếu không gặp bà thì tôi phải ghi tên xin thăm chồng cải tạo và bọn du kích sẽ sắp xếp chỗ ở cho chúng tôi rải rác chỗ này chỗ kia. Tối đến chúng mò ra hãm hiếp mấy bà vợ Sĩ Quan mà không ai dám la cầu cứu mà có la thì cũng chẳng có ai cứu! Tôi nghe bà dặn như vậy mà mừng thầm. Bà chính là quới nhơn của tôi.
Chúng tôi xuống con đò – cũng là con đò duy nhất trong ngày – hôm nay có khách đi thăm tù cải tạo nên đông hơn thường ngày. Mọi người tranh nhau xuống đò. Ai cũng tay xách nách mang các giỏ đồ ăn thăm nuôi nên đò quá tải. Anh tài công la to kêu mọi người xuống bớt đi, con đò chở khẳm quá! Không ai chịu xuống cả vì nếu xuống, phải đợi tới ngày mai. Cuối cùng, anh tài công đành chịu, cho nổ máy. Con đò ra đến cửa sông, gió thổi càng mạnh hơn, sóng dập dồn khiến con đò chao đảo, lắc lư dữ dội, chỉ cần một cử động mạnh của ai đó con đò sẽ lật úp dễ dàng. Mọi người bắt đầu sợ. Nét mặt ai cũng căng thẳng, trách móc nhau…
Anh tài công la to, yêu cầu mọi người ngồi im. Anh tắt máy nổ để bớt khuấy động các con sóng đang hung hăng. Và lúc này, trên đò, ai cũng lâm râm cầu Chúa, cầu Phật, vái Trời… Qua khỏi khúc sông nguy hiểm, mọi người thở phào, anh tài công lại cho máy nổ và con đò lúc này có vẻ ngoan, sóng cũng hiền.
Ðến bến đò, tôi làm đúng như lời bà dặn. Hất nhẹ chiếc nón lá, liếc nhìn quanh không thấy ai, tôi chạy ào vô nhà bà. Nhà bà có bàn thờ Chúa. Bà giới thiệu tôi với chồng. Sau đó, ông bà đưa tôi vào buồng của cô con gái và buộc tôi mặc bộ đồ bà ba đen bằng vải ú nham nhở mủ chuối cho giống gái quê. Ông bà không cho tôi ra khỏi cửa buồng vì sợ có ai thấy. Ông bà coi tôi như con, bưng cơm vào tận buồng cho tôi ăn. Tối, có một người tù cải tạo đến. Có lẽ anh “lao động tốt” nên được ra ngoài ngủ ở nhà dân, còn hầu hết thì trong trại. Anh có vẻ thân thiết với gia đình bà. Ông nhờ anh này liên lạc với chồng tôi và hẹn giờ, địa điểm để chúng tôi gặp nhau.
Sáng hôm sau, bà đưa cho tôi cái thúng để đựng đồ thăm nuôi và lấy lá chuối đậy lên. Tôi mặc bộ bà ba đen lem luốc, đội nón lá rách của bà che nửa mặt, đi chân đất.
Tôi theo cô con gái ra ngã 3 đường đất ngồi chờ. Hình như đội lao động của chồng tôi cũng biết nên phân công chồng tôi về trại để lấy cơm cho đội. Từ xa, tôi thấy anh kéo chiếc xe giống như xe bò. Cô gái liền dắt tôi chạy vào căn nhà người quen gần đó. Anh bỏ chiếc xe xuống, cầm theo mấy bao cát cũng vào theo. Tôi nhanh nhẹn cho tất cả đồ ăn vào hai bao cát và chỉ biết nhắn nhủ anh giữ gìn sức khoẻ. Cô gái biến đâu mất và chủ nhà cũng đi đâu rồi. Có lẽ họ muốn dành ít phút riêng tư cho chúng tôi. Anh rất ngạc nhiên không ngờ tôi đến được và căn dặn lần này thôi không được đi nữa. Anh hôn vội tôi rồi quày quả đi. Tôi cũng nhanh chân theo cô gái trở về.
Tờ mờ sáng hôm sau, ông chủ nhà dắt tôi ra bến đò để trở về. Trời khuya, gió từ sông thổi lên lành lạnh mà tôi nghe ấm áp vô cùng. Trong bóng tối, tôi không nhìn rõ khuôn mặt ông nhưng qua lời nói của ông, tôi cảm nhận được tình cảm của ông giống như tình phụ tử: “Thôi con về nha!”. Tôi bước xuống đò mà lòng bồi hồi xúc động. Tôi yêu kính, biết ơn ông bà và cô con gái. Sau đó, cuộc sống khó khăn quá, tôi nhớ ông bà nhưng không sao đi thăm được. Bây giờ, có điều kiện thì tôi không còn nhớ được đường đi nước bước. Dù gì cũng hơn 40 năm rồi!
Hôm nay, nhân tháng Tư này tôi lại nhớ chuyện xưa, người xưa. Tôi viết lại chuyện này như lời tri ân sâu sắc tận trong trái tim tôi gửi đến ông bà. Có thể bây giờ ông bà không còn nữa thì bài viết này sẽ là nén hương lòng của con dâng lên ông bà với niềm kính yêu, biết ơn và ray rứt khôn nguôi vì món nợ ân nghĩa chưa đền đáp được.
Thúy Hồng