User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
DN3
 
Mẹ của tôi vừa bước qua 90 tuổi, nhưng nếu có ai hỏi, mẹ tôi ngờ ngợ nói rằng đã 92 tuổi!
 
Tôi phải nhắc nhỏ mẹ:
 
– Mẹ! Mẹ chỉ 90 tuổi thôi mẹ ạ!…
 
Một chút ít ngơ ngác, rồi mẹ tôi chùng giọng:
 
– Vậy sao con? 90 hay 91, 92 tuổi cũng đâu khác nhau mấy! Chắc chỉ năm nay là mẹ đi gặp ba con rồi đó…
 
Tôi lặng im, chua xót nhìn vào đôi mắt đen láy tinh anh ngày nào của mẹ mình, giờ đã đổi qua màu xám đục. Bước chân mẹ tôi càng ngày càng khó khăn và chậm chạp hơn xưa. Tay mẹ đã không cầm khéo léo đôi đủa, cái ly nước được nữa. Mẹ lại bắt đầu nhớ-nhớ quên-quên càng lúc càng nhiều…
 
Là một member trong Hội Cao Niên ở thành phố Canberra (thủ đô của nước Úc) với khoảng chừng trên dưới 50 hội viên, mẹ tôi là… trưởng Ban Văn Nghệ của hội đấy chứ! Mỗi tháng, hội có một buổi họp mặt định kỳ, từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa Thứ Bảy, mà với mẹ, ngày ấy chắc phải là một ngày quan trọng lắm. Từ tháng trước đó, mẹ đã hỏi đi hỏi lại tôi cả chục lần những câu hỏi:
 
– Tháng tới này là sinh nhật của mẹ, con có chở mẹ đi Hội Cao Niên được không con?
 
– Mẹ không biết hôm ấy trời có ấm không? Mẹ định sẽ mặc chiếc áo dài màu vàng… Còn nếu trời mà lạnh, mẹ sẽ mặc bộ quần Tây màu navy con mua cho mẹ đó, được không con?!
 
– Không biết mẹ sẽ hát bài gì hôm ấy đây nữa! Bài Đêm Đông hay bài Cô Láng Giềng hả con?… Con có đệm đàn cho mẹ hát hôm ấy được không con?
 
Bình thường, tôi từ Melbourne đi Canberra thăm mẹ và gia đình mỗi tháng. Những lần ngồi quây quần quanh mẹ, chúng tôi cười đùa hay nhắc lại những chuyện vui buồn thuở xưa. Mẹ tôi hớn hở vui cười suốt buổi với đám con đàn cháu đống. Nụ cười của mẹ những lúc ấy thật rạng rỡ. Rồi thỉnh thoảng, đôi mắt như đám mây xám bàng bạc của mẹ tôi chợt đăm chiêu, long lanh vài ngấn lệ khi nhắc đến ba tôi, nhắc đến cậu em út vắn số đang gửi xác đâu đó dưới lòng biển đen ác nghiệt…
 
DN 4
Chắc chỉ năm nay là mẹ đi gặp ba con rồi đó… (Hình: Facebook Diep Nong)
 
Khoảng 5 giờ sáng nay, tôi đã nghe mẹ cất giọng thánh thót hát nho nhỏ những bài nhạc Pháp rất nhẹ nhàng và yêu đời từ trong phòng ngủ của mẹ. Mấy ngày trước, mẹ cũng đã chuẩn bị thật kỹ lưỡng, phone hẹn người hair dresser quen thuộc để đi cắt và uốn lại tóc! Nhà người chủ tiệm tóc này chỉ cách nhà mẹ tôi vài trăm mét thôi. Đã mấy năm nay, vợ chồng anh chủ tiệm cứ mỗi đôi ba tháng, họ lại đến tận nhà đón mẹ tôi để chở ra tiệm làm tóc. Khi xong, họ lại còn chở mẹ về tận nhà mà chỉ lấy giá làm tóc rất tượng trưng.
 
Sáng nay, tôi chở mẹ ra tiệm tóc sớm trước khi đi Hội Cao Niên. Là Thứ Bảy nên khách vô ra liên tục, chủ và thợ trong tiệm bận tíu tít. Tôi chợt muốn phụ vợ chồng anh chị chủ tiệm thật tốt này, bằng cách chính tay tôi cuốn tóc cho mẹ mình (dù tôi không phải là hair dresser). Anh chủ tiệm vui vẻ bảo tôi cứ tự nhiên.
 
Cầm cây lược chải nhè nhẹ, ít sợi tóc trắng xám quay quắt rơi rụng, cố bám lấy chiếc khăn choàng trên vai mẹ đến giờ phút cuối cùng, gắng hít sâu hương thơm của trần đời tựa khói sương…

DNMẹ tôi chăm chú theo dõi trong gương không chớp mắt, mắt ngời sáng một niềm vui hạnh phúc. (Hinh: Facebook Diep Nong)

Mẹ tôi chăm chú theo dõi trong gương không chớp mắt, mắt ngời sáng một niềm vui hạnh phúc. Giọng mẹ vui vẻ nói với cô chủ đang cắt tóc cho người khách ngồi ghế kề bên:
 
– Đây là con gái thứ năm của bác sống ở Melbourne đó. Bác có bốn cô con gái mà cả bốn chị em của nó đều “học chung” với… bác cả! Học ở trường Gia Long đó cháu…
 
Tôi bật cười phì. Cả vợ chồng người chủ tiệm cũng cười ha hả nhìn mẹ tôi say mê nói chuyện “đời xưa!” Họ còn hỏi ngược lại để chọc mẹ:
 
– Sao các con của bác lại được… đi học “chung” với bác hay vậy? Thích quá héng bác…
 
Và tôi cũng hỏi mẹ mình:
 
– Con “học chung” với mẹ lớp mấy vậy mẹ? Hihihi…
 
Mẹ tôi trợn mắt “rầy” tôi ngay:
 
– Cái con nhỏ này! Sao con mau quên quá! Con còn trẻ mà đã quên dữ lắm rồi à nghen!… Con học chung với mẹ mấy năm lận mà…
 
Mẹ tôi chớp chớp mắt suy nghĩ vài giây để “nhớ” lại chuyện “đời xưa” ấy, chậm rãi giải thích:
 
– Hồi đó mẹ thi vào Gia Long đậu hạng thứ 89 trong danh sách 300 học sinh (chuyện này thì mẹ tôi nhớ đúng thật!). Mà con thì học rất giỏi, con đậu Thủ Khoa đó à nghen! Ai biểu con đi biểu tình với trò Ơn làm chi, cho nên con bị… đuổi học, con phải học trường tư mấy năm cuối đó, con nhớ hôn?
 
Tôi rất ham chơi hồi nhỏ, nhưng trời Phật phù hộ tôi thế nào mà khi thi vào Đệ Thất, tôi làm bài vở trót lọt thật dễ dàng, rồi đậu thủ khoa một trong hai trường công lập nổi tiếng của tỉnh Bình Dương (còn được thưởng ba nghìn đồng nữa chứ!).
 
Gia đình tôi có bốn chị em gái, mà bà ngoại tôi cũng sanh bốn cô con gái. Mẹ và các dì đều học ở trường Gia Long từ thời áo bà ba màu tím. Trên mẹ là dì Ba, dì Tư, dưới là dì Bảy, đều học rất giỏi, và dì Bảy là người đã đậu Thủ Khoa khi thi vào lớp Đệ Thất Gia Long. Song, tuy dì Bảy nhỏ tuổi nhất nhà, mà chí lớn, rất hoạt động! Dì Bảy tôi suốt ngày trốn học để đi biểu tình chống Pháp thật hăng say, nên bị đuổi khỏi Gia long. Thời điểm ấy, tôi chưa sanh ra đời, làm sao mà đi học “chung” với mẹ mình được?! Mẹ tôi đã nhầm lẫn tôi với dì Bảy đấy thôi!
 DN 2
Con đã thấy ra, nỗi nhớ nhớ quên quên kia đã chứng minh cái tuổi đời của mẹ, (Hình: Facebook Diep Nong)
 
Những dây tóc thưa và mỏng, ngoan ngoãn nằm trong tay của tôi, dịu dàng chìu chuộng tôi. Rồi chúng oằn oại cong theo ống cuốn tóc, trân người chịu đựng cơn gió nóng rát như sa mạc từ cái máy sấy tóc hành hạ…
 
Mẹ tôi vẫn huyên thuyên kể chuyện đảo chánh, kể chuyện “trò Ơn” mà cả bốn chị em tôi “cùng học chung” lúc ấy với mẹ.
 
Những câu chuyện rất “lạ” của mẹ làm mọi người thật vui, cười ngặt nghẽo. Tôi cũng phì cười và gắng “thuyết minh” cho mọi người hiểu những thước phim xưa trong trí nhớ của một bà cụ đã trên đường đến tuổi hạc. Rồi bỗng tôi chợt buốt cả lòng, như có mũi kim ai đó đã đâm sâu vào người tôi…
 
Ôi! Mẹ ơi… Con đã thấy ra, nỗi nhớ nhớ quên quên kia đã chứng minh cái tuổi đời của mẹ, như những sợi tóc trắng xám này, như những chiếc lá vàng hiu hắt trơ mình phơi màu thời gian, cô quạnh, đang đong đưa trước gió…
 
 
Kim Chi
 
 
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com