User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

tranhuybich

Trong cuốn Ngữ Vựng Tiếng Việt đầu tiên (Westminster, CA, 2017), nơi trang 6, Giáo Sư Trần Ngọc Ninh cho biết theo nhận xét của ông, “trong số các nhà văn nhà báo, có chừng 50 phần trăm viết ‘sử dụng’ và áng 50 phần trăm viết ‘xử dụng’.” Nhân thấy hai phía “tương đương,” Giáo Sư Ninh không tỏ ra thiên về phía nào. Ông dẫn lời một nhà làm tự điển, “thói quen là vua trong ngôn ngữ” (sách đã dẫn, cùng trang). Khi cho học sinh viết chính tả, một cô giáo dạy Việt ngữ không được nhiều tự do như thế mà cần có một ý niệm rõ rệt, dứt khoát hơn. Giữa hai cách viết “xử dụng”“sử dụng” nên hướng dẫn học sinh chọn cách nào, và tại sao lại nên chọn như thế?

Bài này được viết theo đề nghị của hai người bạn. Một người bạn trẻ, dạy tiếng Việt ở một Trung Tâm Việt Ngữ. Người bạn thứ hai lớn tuổi hơn, một Bác Sĩ Y Khoa quan tâm tới đất nước và những vấn đề mang tính cách ngôn ngữ, văn hóa, nêu câu hỏi sau khi đọc xong cuốn sách vừa kể của Bác Sĩ Trần Ngọc Ninh.

Trước hết, “xử” (viết với X) là một từ khá thông dụng trong tiếng Việt. Chúng ta nói “phân xử, xét xử, khu xử, xử trí, xử thế…” Xử cũng chỉ lối sống của một kẻ sĩ ở ẩn, không chịu ra làm việc đời (Xử sĩ. Xưa nay xuất xử thường hai lối — Nguyễn Công Trứ). “Xử nữ” cũng đồng nghĩa với “trinh nữ”. Trong khoa chiêm tinh Tây phương, cung Virgo trong Zodiac được dịch sang tiếng Pháp là Vierge và tiếng Việt là Xử Nữ. Nhân từ “xử nữ”, có thêm từ Hán Việt “xử nữ mạc” (màng trinh). Vì sự thông dụng của từ “xử,” khi cần diễn ý “xử dụng/sử dụng” với nghĩa “sai khiến, dùng vào một việc gì,” nhiều người đã viết “xử dụng” (với X) một cách tự nhiên. Đó cũng là lựa chọn của người viết những dòng này trong gần suốt thời gian ở Trung Học, nghĩ rằng mình đã viết đúng.

Hai chữ “xử”“sử” đều là từ Hán Việt, có gốc chữ Hán. Nếu từ “xử” trong “phân xử, xử thế, xuất xử” có gốc chữ Hán là 處 (cũng được đọc là “xứ” như trong “xứ sở, xuất xứ”), thì từ “sử” với nghĩa “sai khiến” có gốc từ chữ 使. Trong Hán văn, để diễn ý “sai khiến, dùng vào một việc gì,” người ta viết 使 hay 使用 (“sử” hay “sử dụng”).

Trong các tự điển Khang Hy và Từ Hải (biển các từ), chữ 使 được cho biết là 从音史 “tòng âm sử” (theo âm “sử,” phát âm như chữ “sử” 史với nghĩa lịch sử). Trong The Pinyin Chinese-English Dictionary do Gs. Wu Jingrong (吳景榮 = Ngô Cảnh Vinh) thuộc Viện Ngoại ngữ Bắc Kinh làm chủ biên, thì chữ 使 có âm là “shĭ” (“shi,” phát âm theo thượng thanh).

Trong các tự điển Hán-Việt, chữ ấy được ghi âm là “sử” (viết với S, giống chữ “sử” trong “lịch sử”):

Hán Việt Tự Điển của Thiều Chửu: Trang 21;

Hán Việt Tự Điển của Đào Duy Anh: Trang 213;

Hán Việt Tự Điển của Trần Trọng San: Trang 20;

Từ Điển Hán Việt của Trần Văn Chánh: Trang 152;

Từ Lâm Hán Việt Tự Điển của Vĩnh Cao và Nguyễn Phố: Trang 62.

Trong các tự điển Việt ngữ được coi là “có thẩm quyền,” hai chữ “sử dụng” cũng được viết với S: Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ: trang 1321, quyển Hạ;

Đại Nam quấc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Của: trang 312, quyển 2.

Để làm thí dụ, xin được trình bày phóng ảnh những đoạn về cách viết chữ ấy trong các tự điển:

– Của Trần Trọng San:

– Của Vĩnh Cao & Nguyễn Phố:

– Của Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ:

Nhà biên soạn tự điển Trần Văn Chánh còn dùng từ “sử dụng” trong lời văn của chính ông:

“Sử” với nghĩa “sai khiến” là một từ khá thông dụng trong cổ văn. Trong Luận Ngữ, Khổng tử từng trả lời một câu hỏi của Lỗ Định Công về liên hệ vua tôi như sau: “Quân sử thần dĩ lễ, thần sử quân dĩ trung” (vua sai khiến bề tôi với lễ, bề tôi phụng sự vua với lòng trung).

(Luận ngữ, Thiên “Bát Dật,” tiết 19).

Ở một đoạn khác trong Luận Ngữ, Khổng Tử khuyên những người trị nước muốn dùng sức dân (bắt dân làm những việc tạp dịch) phải “sử dân dĩ thời” (sai khiến dân đúng thời), ngụ ý tránh những lúc dân đang bận vì các việc cấy gặt, đồng áng):

(Luận ngữ, thiên “Học Nhi,” tiết 5).

Trong một bài Đường thi khá được phổ biến (bài “Thục Tướng,” vịnh Thừa Tướng nhà Thục Hán), Đỗ Phủ bày tỏ niềm thương tiếc Khổng Minh bằng hai câu:

出師未捷身先死

長使英雄淚滿襟

Xuất sư vị tiệp thân tiên tử
Trường sử anh hùng lệ mãn khâm
 
 
(Ra quân chưa thắng thân đã thác
Khiến cho khách anh hùng nước mắt đầy vạt áo)

Tất cả các nhà dịch thơ chúng ta biết đều viết chữ “sử” ấy với S:

Trần Trọng Kim: Trần Trọng San:

Khi phổ biến bài “Thục Tướng” trên Net, tất cả các trang mạng được nhiều người biết tới cũng dùng S để viết chữ “sử”:

- Trên thivien.net:

http://www.thivien.net/%C4%90%E1%BB%97-Ph%E1%BB%A7/Th%E1%BB%A5ct%C6%B0%E1%BB%9Bng/poem-QQnXu3PGnbgnRDFyI9KrWQ

- Trên hoasontrang.us:

http://www.hoasontrang.us/tangpoems/duongthi.php?loi=145

- Trên saimonthidan.com:

http://www.saimonthidan.com/?c=article&p=7297

Chữ “sử” 使 trong “quân sử thần dĩ lễ,” “sử dân dĩ thời,” “trường sử anh hùng …” chính là chữ “sử” 使 trong động từ “sử dụng” 使用. Theo các tự điển, chữ ấy cùng âm với chữ “sử” 史 trong lịch sử, sử ký… Khi ta dùng S để viết “lịch sử, sử ký, Quốc Sử Quán, sử quan, sử gia …”, đương nhiên ta cũng nên dùng S để viết chữ “sử” trong “sử dụng.”

Trong Việt ngữ, khi dùng làm động từ, chữ ấy được đọc là “sử”, nhưng khi dùng làm danh từ, sẽ được đọc là “sứ”. Chúng ta có từ “sứ giả” (người được sai đi). Từ đó có thêm những từ “đi sứ, sứ thần, sứ quán, ông đại sứ …” Vì cùng một gốc chữ Hán 使, cách đọc những chữ ấy phải giống nhau. Không lẽ chúng ta viết “sứ giả, sứ thần” với chữ S nhưng lại đổi dùng X để viết “sử dụng” thành “xử dụng”?

Hiện nay số người viết “sử dụng” có vẻ mỗi ngày một nhiều hơn. Đó là lối viết được ghi trong các tự điển.

Trần Huy Bích

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com