User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
van
 
Sau 1975, ta mất miền Nam. Ta đã mất tất cả. Mất đất, mất người, mất sự nghiệp, mất thể chế, mất tương lai, mất cuộc sống tự do an bình, mất cả di sản tinh thần vốn là cái hồn tính miền Nam.
 
Cái gì mất vào tay cộng sản thường là không đòi lại được như mất nhà cửa, cơ sở làm ăn, tiền bạc, ngân hàng, đất đai, ruộng vườn với chính sách con bò sữa bị vắt. Con bò sữa đã bị vắt đến kiệt kệ.
 
Nhưng cái duy nhất mà chúng ta còn có nhiều cơ may có thể lấy lại được là Văn Học miền Nam. Cái nền văn học bất hạnh ấy nhiều người tưởng rằng đã bị phôi pha đi. Nay dần dà từng bước một, nó được khơi dựng lại trên đống tro tàn đã mục nát của quá khứ.
 
Trong tương lai, cần những cơ quan truyền thông, cơ sở báo chí có phương tiện, có tiền bạc đứng ra làm việc này để cứu lấy Văn Học Miền Nam.
 
Hành trình chữ nghĩa của chúng lưu lạc từ trong nước ra đến hải ngoại không khỏi gặp nhiều trắc trở gian nan. Chữ đã đi theo người, chia sẻ số phận con người và số phận chữ nghĩa.
 
Tôi có một người bạn có thú chơi sách, anh Lít nói ở trên, ở San Diego đã mang sang được toàn bộ Bách Khoa, toàn bộ tập san Quê Hương. Trong khi đó, một số Quê Hương được rao bán 200 đô la ở Việt Nam. Ngoài ra anh Lít còn rất nhiều bản đồ cổ, sách cổ.. Nhưng anh không có ý định phổ biến cho mọi người cùng đọc. Ít nữa, tuổi già chết đi rồi, con cái sẽ không biết dùng làm gì, vứt vào thùng rác mất thôi.
 
Trăn trở với những sách vở cũ mà với tư cách người cầm bút, tôi muốn đóng góp vào việc khôi phục lại Văn Học miền Nam trong khả năng của mình.
 
Phần ở trong nước, tôi nhận ra có một Giáo Sư tên Huỳnh Như Phương vốn là một sinh viên miền Nam trước 1975. Thầy dạy học ông ở dưới Trung Học là Nguyễn Trọng Văn, Nguyễn Xuân Hoàng tại tư thục Trường Sơn, đường Lê Văn Duyệt cũ. Trên Đại Học Văn Khoa, ông học với các Giáo Sư Triết thời đó (1) .
 
Vốn là một người gốc gác miền Nam, trước 1975, ông dễ mặn lòng với Văn Học miền Nam và tôi khá tâm đắc với bài tham luận của ông nhan đề: Chủ nghĩa hiện sinh ở miền Nam 1954-1975 ( trên bình diện lý thuyết) (2).
 
Hy vọng vào ông sau này nằm trong số những ngưới có điều kiện có thể phục hoạt Văn Học miền Nam trong môi trường giảng dạy ở Đại Học của ông.
 
Riêng cái kinh nghiệm đi tìm diện mạo văn học miền Nam (Diaspora Sud-VietNam) có nhiều kỳ tích đáng nói lắm. Một nhà văn trẻ trong quân đội miền Nam đã kể lại câu chuyện của ông trong Thư Quán Bản Thảo do nhà văn Trần Hoài Thư điều hành. Trong đó, anh kể lại câu chuyện cười ra nước mắt như sau: Sau năm 1975, mình vài Sàigòn đi kiếm tiền ở khu nhà ga xe lửa cũ đường Lê Lai. Mình vào nhà vệ sinh công cộng ở bên hông nhà ga và thật mủi lòng khi thấy một nửa trang báo Khởi Hành rách bẩn có thơ của mình. Tâm trạng của mình lúc đó không thể nói được bằng lời. Chắc lúc đó Sài Gòn cũng buồn thê lương như mình. Mình khóc thầm lặng một mình và vuốt thẳng thớm mảnh báo rồi cất cẩn thận vào chiếc bóp cũ.. (Thư Từ Huế) (3)
Thân phận mảnh giấy báo trong một cầu tiêu công cộng ở nhà gare xe lửa Saigon cũng là thân phận nhà văn miền Nam sau 1975.
 
Hiện nay, các nhà văn lớp đầu của miền Nam không còn mấy người, các nhà văn thế hệ thứ hai tính từ năm 1963 tụ họp lại có mất mát ít nhiều, nhưng nói chung còn khá đông đủ.
 
Người thì còn mà sách, tác phẩm thì không còn. Phải chăng đó là điều mà tôi có bài văn này.
 
Kinh nghiệm bản thân tôi muốn tìm lại cuốn Hồi Chuông Tắt Lửa của Thế Nguyên- một cuốn chuyện được in ra vào thập niên 1970 mà ở thời điểm đó đã gây một cú sốc trong tôi vì nội dung câu truyện, tôi đã vô vọng viết rao trên báo Tân Văn và trong bài: Sách cũ miền Nam trước 1975 để tìm lại nó.
 
Chẳng bao lâu sau, tôi nhận được món quà quý hóa đó một cách bất ngờ từ nhà văn Ngô Thế Vinh, bản sao cuốn truyện đó.
 
Những chuyện đi tìm về quá khứ di sản miền Nam mang nhiều ý nghĩa cao đẹp như thế. Tôi đã sống cái tâm tình đó khi đi về miền Nam thân yêu tìm lại sách cũ. (4)
 
Và dĩ nhiên sẽ còn nhiều câu chuyện cảm động về những đứa con tinh thần đã lưu lạc mà nay tìm lại được.
 
Cho nên, tất cả những ai cách này cách khác khôi phục lại diện mạo văn hóa, văn học miền Nam thì chúng ta đều trân trọng.
 
Ngay cả những nhà văn miền Bắc trước đây do tuyên truyền, do những lý do của lý do đã có lúc nhục mạ, phê phán sai lầm về gia tài văn học của miền Nam nay đổi chiều xin cũng rộng tay đón tiếp.
 
Chúng ta không quên quá khứ, nhưng có những điều cần phải quên. Đi tìm lại sách cũ cũng là đi tìm lại những người có lòng với sách cũ miền Nam. Tất cả chúng ta gặp nhau ở một điểm hội tụ Oméga. Ở nơi đó, chúng ta sống lại cả một dĩ vãng tươi đẹp mà chúng ta dù mất tất cả cũng vẫn cảm thấy hãnh diện.
 
Nếu người dân miền Nam trước 1975 có điều gì cần được hãnh diện- ngoài một hệ thống tổ chức giáo dục- hành chánh-quân đội- điều còn lại chính là diện mạo văn học miền Nam.
 
Cho nên sự thay đổi cách đánh giá về văn học miền Nam của một số những nhà văn miền Bắc trước đây phải coi là dấu hiệu tốt đẹp.
 
Ít lắm nó dẹp bỏ được cái não trạng Winner-take-all, kẻ thắng thì vơ vét hết về cho mình. Cái bệnh vĩ cuồng của kẻ thắng trận chỉ nên dành cho những kẻ có chức quyền. Chúng vơ hết về cho mình và chẳng nghĩ tới những đồng đội, những người lính, những thanh niên xung phong, những thương binh cả nửa triệu người, những bà vợ, bà mẹ chiến sĩ mất con hoặc góa chồng, những thiếu nữ thanh niên xung phong. (5)
 
Còn những nhà văn miền Bắc mà tôi được biết như Lê Đạt, Nguyên Ngọc, Bùi Ngọc Tấn, Vũ Thư Hiên, Nguyễn Tiến Lộc, Nguyễn Chí Thiện. Và nhiều người khác thì họ được gì sau cái chiến thắng đó.
 
Ở một tầm cao hơn nữa, nó thể hiện điều mà Alexis de Tocqueville trong cuốn Democracy in America viết năm 1835 như sau: Sự cao cả vĩ đại của người Mỹ không phải chỉ đơn thuần là do họ sáng suốt hơn các dân tộc khác, mà là do họ có khả năng sửa chữa những lỗi lầm của mình. 6)

Ý nghĩa cao đẹp nhằm sửa chữa những cái nhìn thiên lệch, miệt thị văn học miền Nam nằm trong cách thức mà một số nhà văn miền Bắc đã bắt đầu nhìn lại. Biết nhìn lại đâu là những lỗi lầm quá khứ cần vượt qua là bước tiến triển đáng khích lệ.
 
Tôi xin lấy lại một lời tuyên bố của tướng De Gaulle nằm trong ý nghĩa này: Mỗi một cuốn sách là một con người.
 
Cho nên đi tìm lại sách cũ miền Nam là đi tìm lại một phần đời của chính bản thân mình, bạn bè mình, các nhà văn lớn nhỏ.
 
Phía Hải ngoại, tôi phải trân trọng nhà văn Trần Hoài Thư nằm trong số ít ỏi muốn vực dậy các nhà văn, nhà thơ gốc lính đã bị bỏ quên. Người viết sẽ có một bài viết riêng về diện mạo văn học chiến tranh kể từ sau 1954 thường bị bỏ quên từ hai phía.
 
Phần một:
 
Hiện tình sách báo miền Nam sau 1975 ở trong nước
 
Khi chiếm xong miền Nam, người cộng sản có một chính sách khủng bố mang tính chất nhà nước là xóa bỏ toàn diện vết tích miền Nam về mặt thể chế, mặt kinh tế, mặt xã hội và cả về mặt văn học.
 
Thực tế là xóa bỏ con người miền Nam được coi là quá nhiễm độc một thứ văn hóa của thực dân mới- một thứ văn hóa đồi trụy-một thứ văn hóa phản động.
 
Trong báo cáo của Ban chấp hành Trung ương Đảng trong kỳ họp Quốc Hội đã chủ trương: Phải nhổ tận gốc rễ những nọc độc về tư tưởng văn hóa thực dân mới mà đế quốc Mỹ đã gieo trồng ở miền Nam Việt Nam. Đó là thứ văn hóa, nô dịch, lai căng, đồi trụy cực kỳ phản động cùng các hủ tục, mê tín, dị đoan lan tràn (7).

Phần tôi, cho đến hiện nay, sau 40 năm tôi kể từ ngày mất miền Nam vẫn chưa tìm ra được bằng cớ xác thực Mỹ đã đầu độc dân miền Nam bằng thứ văn hóa thực dân mới, đồi trụy, phản động là thứ văn hóa gì. Và cũng gần 40 năm ở xứ người, tôi chỉ nhận ra những điều tốt đẹp mà xứ sở này dành cho những người dân Việt tỵ nạn.
 
Ở đây, nơi chúng tôi đang sinh sống có một cuộc sống mà con người được nhìn nhận và tôn trọng. Dựa theo tinh thần tôn giáo, tôi có được đọc một cuốn sách nhan đề rất là kỳ diệu: Dieu est né en exil (God was born in Exile).

Chúa còn phải sinh ra trong hoàn cảnh lưu đầy thì phần chúng ta có xá gì. Phần Chúa đã vậy thì phần chúng ta là gì trong ý nghĩa của chữ Exil. Và một lúc nào rảnh rỗi phải mổ xẻ chi ly hai chữ emigrant và exil mới được.
 
Nhiều người ngồi nghĩ lại mình có lúc thầm nghĩ rằng cuộc lưu đày nay trở thành cuộc sống ở miền đất hứa. Trong nỗi bất hạnh tìm được cửa ngõ vào vườn địa đàng.

Trở lại trong việc xóa bỏ văn học miền Nam, nhà cầm quyền cộng sản đã tiến hành hai bước:
 
– Ngay trước khi chiếm được miền Nam thì chính quyền cộng sản miền Bắc đã tiến hành một cuộc tuyên truyền nhằm đánh phá miền Nam liên tục trong nhiều năm trời. Theo Phan Cư Đệ và Hà Minh Đức thì đã có 286 bài phê bình đủ loại được đăng tải trên các tạp chí như Học Tập, tạp chí Văn Học và Văn Nghệ. Vì đối với người cộng dựa sản theo Marx, phê bình là một thứ võ khí. Đối tượng của phê bình chính là kẻ thù mà nó muốn tiêu diệt.
 
Cho nên, Lê Duẩn, sau 1975 ngay trong Đại hội 5 đã chỉ thị: ‘Sau ngày giải phóng, nhân dân ta đã làm rất nhiều việc nhằm quét sạch những dấu vết và di hại của thứ văn hóa ấy. Công việc này cần được tiếp tục một cách kiên trì, tích cực và triệt để” (8)
 
Những lời tuyên bố có tính sắt máu của Lê Duẩn phải được coi là mang mầm mống một ý thức hệ cực đoan ‘tập thể’ như một thứ cực đoan “Hồi giáo” mà thực chất cả hai thứ cực đoan tôn giáo và cực đoan chính trị chỉ là một.
 
Nghĩ đến cảnh tiêu hủy gần 200 triệu cuốn sách của miền Nam, tôi liên tưởng đến câu chuyện trong Thế Chiến Thứ Hai, tại Normandie- hình như ở vùng Basse-Normandie-, ở vùng này, có nhiều cây sồi lâu từ 100 năm đến 2,3 trăm năm, nơi quân đội đồng minh đổ bộ. Một người dân làng muốn bảo vệ một cây sồi đã gắn một tấm bảng yêu cầu đôi bên đừng phá hủy cây sồi.
 
Sau chiến tranh, cây sồi còn nguyên vẹn.

Một cây sồi thôi còn có một giá trị như một di sản văn hóa, được đôi bên tôn trọng. Câu chuyện đó giúp người hiểu biết đánh giá về tư cách những người đi giải phóng. Một câu truyện khác, tôi đọc trong cuốn Hồi ký của con trai De Gaulle. (9)

Ngay sáng hôm sau, ngày giải phóng Paris, ba tôi, tướng De Gaulle đã đi bộ về khu Saint-Francois-Xavier, nơi ông ở trước khi lưu vong sang Anh. De Gaulle vui mừng thốt lên: ‘Rien n’a changé, J’ai tout revu”. Đã không có gì thay đổi, tôi đã thấy lại tất cả.. Và tôi có cảm tưởng như mới rời nơi đây ngày hôm qua. (Ông đã rời Paris ngày 10-6-1940). Hai bàn máy đánh chữ vẫn còn ở y nguyên chỗ cũ, cây kiếm kỷ niệm, ngày ra trường võ bị Saint-Cyr cũng vẫn còn đó. De Gaulle xúc động đến sững sờ.
 
Điều gì đã làm cho quân đội Phát Xít Đức không đụng chạm đến căn nhà của De Gaulle.

Cũng trong tinh thần bảo vệ cung điện, bảo tàng của Pháp, tướng Leclerc trước khi tiến vào Paris đã gửi công điện cảnh cáo binh lính Đức rằng: ‘Nếu các ông phá hủy một trong những di tích lịch sử của Paris, không một người lính Đức nào sẽ có thể sống còn’.(10)
 
Xem người để nghĩ đến ta.
 
Vậy mà người dân vùng Ninh Bình, Thanh Hóa, nói chung là khu tư, khu năm còn nhớ Hồ Chí Minh đã hô hào dân chúng áp dụng chiến thuật nhà không vườn trống, đốt sạch, phá sạch để cho quân đội Pháp không thể dựa vào dân.
 
Trừ Bùi Chu, Phát Diệm, nơi Giám Mục Lê Hữu Từ phản đối lệnh đó nên nhà cửa ở đây vẫn còn nguyên vẹn, các vùng thanh Hóa trở vào như Vinh nhiều nơi chỉ còn là những hoang địa.
 
Để thực hiện công tác xóa bỏ Văn học miền Nam này thì có một đội ngũ cán bộ đặc trách là Thạch Phương, Trần Hữu Tá, Phan Đắc Lập, Thái Kế Toại, Lê Đình Kỵ, Vũ Hạnh ngay cả Giáo Sư Trần Văn Giàu (Giáo Sư Trần Văn Giàu viết hẳn một cuốn sách phê bình cuốn Nhận Định IV của Nguyễn Văn Trung) cũng tham gia vào công tác bài trừ này.
 
Nhưng có hai tác giả được coi là viết với nhiều tài liệu dẫn chứng được coi là có căn cơ nhất và cũng thâm độc nhất: Một vốn là một người sinh ra và lớn lên, được đào tạo từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa miền Nam. Đó là Lữ Phương với cuốn: Cuộc xâm lăng về Văn hóa và tư tưởng của Đế Quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam. (1980).(11)
 
Người thứ hai là sản phẩm đặc trưng của miền Bắc- giáo sư Trần Trọng Đăng Đàn, Tổng biên tập Tạp chí Khoa Học Xã hội với nhiều tác phẩm trong nhiều thời kỳ liên tục như: Nọc độc văn học thực dân mới, tập I, 1983, tập II, 1987. Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954-1975, tập I, 1988, tập II, 1991. Và cuốn sách chủ yếu của ông là cuốn Văn Hóa, Văn Nghệ, phục vụ chủ nghĩa thực dân mới Mỹ tại miền Nam-1990.. Sách này còn được in lại năm 2000.

Cho đến hiện nay, cho đến năm 2000, chính sách khủng bố mang tính nhà nước vẫn còn được chính thức lưu truyền trong nhà trường và nơi giới truyền thông.
 
Cho nên, chúng ta cần phân biệt rõ rệt giữa chính sách của nhà nước cộng sản và thái độ của các nhà văn miền Bắc về chính sách ấy.
 
Có những chuyển biến rõ ràng về phía các nhà văn miền Bắc, nhưng ngược lại nó lại tỏ ra trì trệ và quá cứng nhắc về phía chính quyền cộng sản ở mặt cơ chế.

Vì thế cho đến nay, năm 2015, tôi đã nhìn thấy một số chuyển biến tích cực ở bình diện cá nhân hơn là ở bình diện chính sách nhà nước.
 
Sự chuyển biến nơi các nhà văn từng hùa theo chính sách của nhà nước cộng sản diễn biến như sau:

*Thứ nhất là sự phủ nhận chính những tác phẩm của chính mình.
 
Sự phủ nhận chính mình là điều không dễ. Người ta thường cố bảo vệ những điều đã viết ra, dù sau này biết rằng những nhận thức của mình có thể đã lỗi thời hoặc đã bị vượt qua. Có những cái chỉ đúng cho một thời kỳ mà trở thành tai hại ở thời kỳ khác.
 
Vì thế, sự thay đổi, sự chuyển biến tư tưởng thường mang tính biện chứng trong tri thức luận cũng như trong nhận thức của đời thường. Chuyển biến nơi các nhà văn này có chiều hướng vượt rào, tiến bộ. Và đôi khi cần được hiểu rằng không ai trung thành với chính mình ở chính lúc mà người ta thay đổi.

Vì thế, thay đổi là biểu hiện của sự trung thành hơn là một phản bội.
 
Và nay nhiều nhà văn đã có thái độ chuyển biến tư tưởng mà không do bất cứ một thúc ép bắt nguồn từ quyền bính chính trị nào. Nhưng là do một thúc bách đòi hỏi của sự thật, của lương tri và lẽ phải.

Tôi cũng xác tín rằng không chỉ có vài nhà văn nêu tên sau đây đã xoay chuyển cách nhìn và đánh giá văn học miền Nam mà còn nhiều ngươi khác không nói ra thôi.

Lữ Phương đã kín đáo, thầm lặng loại bỏ cuốn Cuộc xâm lăng về văn hóa và tư tưởng của Đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam ra khỏi danh sách các sách của ông.

Đỗ Đức Hiếu cũng một cách nào đó không muốn nhắc đến cuốn: Phê Phán Văn học hiện sinh chủ nghĩa.
 
Lê Đình Ky cũng đã dứt khoát không đưa cuốn: Nhìn lại tư tưởng Văn nghệ thời Mỹ Ngụy vào danh sách các tác phẩm đã in của ông.
 
Bảo Ninh, tác giả Nỗi Buồn Chiến Tranh và trong cuốn Hà Nội lúc không giờ, trong đó có chuyện ngắn Rửa tay gác kiếm đã miệt thị các nhà văn miền Nam khi cho rằng, các tác phẩm của họ chỉ dùng làm giấy đi cầu như trường hợp Chu Tử, Xuân Vũ vv… (12). Nhưng sau này theo nhà phê bình Vương Trí Nhàn kể lại trong bài phỏng vấn của Thụy Khuê, ông có đưa cuốn Dấu Binh Lửa của Phan Nhật Nam cho Nguyễn Khải và Nguyễn Minh Châu đọc. Cả hai đều nhìn nhận rất trân trọng, kính nể Phan Nhật Nam. Riêng Bảo Ninh sau khi đọc Dấu Binh Lửa của Phan Nhật Nam xong thì tiếc rằng: ‘Nếu tôi có cơ hội được đọc cuốn này trước thì có lẽ tôi sẽ viết khác đi. Và những cuốn sách viết về Chiến tranh như Dấu Binh Lửa của Phan Nhật Nam mà bọn tôi đọc thì không thể quên nổi và ở chỗ đó, nó cho thấy sự cần thiết về sự đóng góp của văn học miền Nam của một thời. (13)
 
Nhưng điều đó cũng cho thấy rằng những việc họ bắt buộc phải lên gân chửi văn học miền Nam trước đây có thể chỉ là hùa theo chính sách, không nói không được. Nó giống như cái cảnh tượng một người cán bộ đi dự một buổi mít tinh mà nhà nước đưa mấy phi công Mỹ ra đi diễu hành để cho dân chúng tha hồ chửi, đánh cũng có. Anh cán bộ nhà văn bắt buộc làm theo đám đông, anh cũng giả vờ dơ tay đánh dứ người phi công Mỹ đi qua.. để che mắt người khác.
 
Nghĩa là giả vờ chửi. Hay nói cho cùng, các nhà văn miền Bắc đôi khi bất đắc dĩ phải chửi Nhân Văn Giai Phẩm, chửi văn học miền Nam là đồi trụy Mỹ-Ngụy- một cách thức như chửi thuê vì miếng cơm manh áo.

Đây là một điều chúng ta cần chia sẻ với một số nhà văn miền Bắc.

Hiểu hoàn cảnh các nhà văn miền Bắc như thế nên khi tôi đọc Trần Văn Giàu viết trong cuốn Nhận Định về cuốn Nhận Định của Nguyễn Văn Trung, tôi không tức giận, vì tôi có cảm tưởng ông chỉ giả vờ chửi Nguyễn Văn Trung mà điều chính yếu chính là ông Trần Văn Giàu muốn gián tiếp trình bày toàn bộ triết học hiện sinh theo cách của Nguyễn Văn Trung. (14)

Người ta cũng sẽ có một cảm tưởng tương tự khi đọc Lê Đình Ky. Ông cũng đã dành phần lớn bài viết của mình viết về triết lý hiện sinh ở miền Nam do Nguyễn Văn Trung chủ trương.
 
Nói tắt một lời chửi mà thực sự không phải là chửi. Nhưng dùng cơ hội chửi đó để triển khai một đề tài triết học mà các ông tâm đắc.
 
Ngoài những người trực tiếp phê phán văn học Mỹ Ngụy ở trên, còn có một số nhà văn ở miền Bắc, bằng cách kín đáo, họ bày tỏ một sự trân trọng và quý mến các nhà văn miền Nam. Theo ý kiến của Vương Trí Nhàn thì sau 1954, các nhà văn miền Bắc ít có cơ hội đọc sách vở của miền Nam. Tuy nhiên những nhà văn như Nguyễn Tuân, Nguyễn Thanh Long, Xuân Diệu, Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu hay lớp trẻ hơn như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt hay Trúc Thông đã lặng lẽ tìm kiếm các sách, tài liệu miền Nam để đọc. (15)

Bên cạnh đó, các nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, nhà văn Nguyên Ngọc cũng có cái nhìn chia sẻ về văn học miền Nam như vậy.
 
Phần chúng tôi, những người miền Nam được may mắn sống trong một chế độ cởi mở hơn, chúng tôi có nhiều cơ hội được tự do tìm đọc thơ Xuân Diệu, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, đọc các chuyện của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố vv…
 
Riêng trường hợp Nam Cao, Giáo Sư Nguyễn Văn Trung đã dùng truyện Chí Phèo làm đề tài nghiên cứu văn học ở Đại Học Văn Khoa Sài Gòn. Trần Văn Toàn (vừa quá vãng) đã khệ nệ bê nguyên con triết học Karl Marx-Hegel công khai vào giảng đường Văn Khoa Sài Gòn cho thấy sự tự trị Đại Học ở miền Nam như thế nào.

Sự phân biệt giữa chính trị và văn hóa đem lại cái lợi thế và cái may mắn cho những người sống ở miền Nam hơn ở miền Bắc.

Đó là điều phải nhìn nhận sự khác biệt về thể chế chính trị đã đem đến hai dạng thức văn học: Văn Học miền Nam mang tính tự do, nhân bản, cái tình con người. Văn học miền Bắc mục đích cổ xúy cho một ý thức hệ, tuyên truyền nên vì thiếu sự trung thực của người cầm bút. Có thể có những tác phẩm ở miền Bắc kín đáo phá rào, muốn thâm kín bày tỏ một điều gì. Nhưng thật là hiếm hoi để được nhìn nhận.

*Thứ hai, việc cho xuất bản lại các tác giả trước 1975 là một dấu hiệu tốt bắt đầu.
 
Trong cái tinh thần muốn tìm về quá khứ, muốn vượt qua những hàng rào cản vướng mắc ngăn chặn của một quá khứ cay nghiệt, tôi đã tìm và mua được một số sách triết học trước 1975 được in lại sau 1975 như các cuốn: Martin Heidegger, Tư tưởng và hiện đại của Bùi Giáng, các bộ Lịch sử Triết Học Tây Phương của Lê Tôn Nghiêm, nhất là cuốn Triết Học Hiện Sinh của Trần Thái Đỉnh.
 
Về sách Văn Học, cuốn 13 năm tranh luận văn học, gồm 3 tập của Thanh Lãng đã được in lại (Nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế, 1997 gồm bốn tập). Tạp chí Tri Tân, 1941-1945, Phê Bình Văn Học cũng đã được Nhà xuất bản Nội Nhà Văn cho in lại.
 
Mặc dầu không thuộc di sản tinh thần của 20 năm Văn học miền Nam, nhà xuất bản Thuận Hóa, Huế đã cho in lại 4 tập Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hue, 1914-1944) một công trình biên khảo kéo dài trong suốt 30 năm trời do học giả L. Cadière làm chủ bút. Cũng nhà xuất bản này đã cho in lại bộ Đại Nam liệt truyện thuộc Quốc Sử Giám triều Nguyễn.
 
Chúng tôi cũng ghi nhận sự cố gắng của nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội đã cho in bốn tập, dày hàng mấy ngàn trang, Tinh Tuyển Văn học Việt Nam, cũng dày khoảng hơn 4000 trang, in giấy mỏng, bìa cứng..
 
Và mới đây, cuốn Lục Châu Học của Nguyễn Văn Trung đã được xuất bản vào cuối năm 2014. Cuốn sách Lục Châu Học nhằm trả lại vị trí xứng tầm của một mảnh văn học miền Nam thường bị bỏ quên và bỏ qua trong suốt cả một thế kỷ dưới thời Pháp thuộc.
 
Tôi cũng ghi nhận một cách ngạc nhiên việc tái xuất bản các sách của Phạm Quỳnh như 10 ngày ở Huế-Luận giải văn học và triết học- Thượng chi văn tập-vv Và cũng một cách thức như vậy, các tiểu thuyết của nhóm Tự Lực Văn Đoàn như các nhà văn Nhất Linh, Khái Hưng cũng tùy theo cuốn đã được tái xuất bản vv..

Mặc dầu chỉ là nhà thơ, Mê Hồn Ca của thi sĩ Đinh Hùng cũng như Mặc Khách Saigon của Tô Kiều Ngân đã có dịp xuất hiện trên các kệ sách ở Sài Gòn.
 
Ngoài ra họ đã cho tái bản sách Nguyễn Hiến Lê, đặc biệt cuốn Hồi Ký Nguyễn Hiến Lê do nxb TP. Hồ Chí Minh tái bản. Một điều ghi nhận là cuốn sách được tái bản trong nước và cũng được in lại hải ngoại thì một bên để nguyên, một bên đã được cắt xén.
 
Chúng ta đọc lại Lời Nhà Xuất Bản để thấy rõ một chút tâm địa của họ:

‘Không phải là người cách mạng, là nhà văn cách mạng, nhưng Nguyễn Hiến Lê cũng không phải là nhà văn của chế độ cũ, mặc dầu ông sống giữa lòng xã hội ấy mấy chục năm. Một lần nữa Nguyễn Hiến Lê lại ở giữa lằn ranh của nhân cách và phi nhân cách. Có người cho rằng ông đi giữa hai lằn đạn. Và một lần nữa ông đã tỏ ra bản lĩnh vững vàng trước sau ông vẩn giữ được nhân cách của mình’. (16)
 
Chả nhẽ, tôi lại đi đôi coi về vấn đề nhà văn miền Nam và nhà văn miền Bắc, ai là loại người phi nhân cách. Khi còn sống, thời VNCH Nguyễn Hiến Lê tỏ ra bực tức vì sách bị kiểm duyệt. Nhưng khi ông chết, sách được tái bản, nhưng với lời nhà xuất bản như sau:
 
’Vì tác giả đã mất. Nhà xuất bản không nỡ cắt bỏ nhiều quá. Trong quá trình biên tập, chúng tôi chỉ luợc bớt phần rườm rà và cắt những chỗ không thể nào để lại được. Chúng tôi mong bạn đọc thông cảm (17)
 
Ngoài ra, sách của Sơn Nam vốn là người có cảm tình với phía bên kia nên hầu như hầu hết các tác phẩm của ông trước 1975 đều được cho tái bản. (18). Riêng cuốn Hồi Ký Sơn Nam gồm ba tập là: Từ U Minh đến Cần Thơ. Ở chiến khu 9. 20 năm giữa lòng đô thị. Bình An. Giọng điệu xem ra sắt máu rẻ tiền, báng bổ, ngôn ngữ tuyên truyền không có vẻ gì là Sơn Nam- Nhà văn miệt vườn- của một thời.
 
Với cuốn Hồi ký Sơn Nam này, năm 2005, ai còn trân quý Sơn Nam sẽ thất vọng về ông không ít.
 
Vương Hồng Sển với sách Hơn nửa đời hư cũng được trân trọng tái bản.
 
Cái đặc biệt trong những cái đặc biệt là một vài cuốn sách sử của Tạ Trí Đại Trường như: Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1871-1802- hay: Người lính thuộc địa Nam Kỳ cũng được tái xuất bản.
 
Nhà văn thì có thể mới có Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Mộng Giác mà khi sách của Dương Nghiễm Mậu được in ra đã gây một vài tiếng ồn ào, bất bình. Đặc biệt từ phía nhà văn nằm vùng ở miền Nam. Ông Vũ Hạnh.
 
Tuy nhiên có một vài trường hợp ngoại lệ là tác giả phải về VN và có mặt trong dịp ra mắt sách như trường hợp Du Tử Lê khi ra mắt tập thơ của ông.. Nhiều người đã lên tiếng phê phán, miệt thị ông nặng nề.
 
Ngoài ra, cũng như trước 1975, hiện nay có hiện tượng sách dịch chiếm hai phần ba thị trường sách của Việt Nam. Tuy nhiên, phẩm chất cũng như việc chọn lựa các sách dịch này trước 1975 phải nói tương đối khá. Khá vì trình độ sinh ngữ cao dịch khá theo nguyên bản, khá vì chọn lựa các đầu sách có giá trị. (19) Hiện nay sách dịch ở Việt Nam số lượng rất nhiều, nhưng rất xô bồ, nhằm mục đích thương mại hơn là giá trị nghệ thuật. Người dịch thường thiếu trình độ ngôn ngữ và thiếu cả trình độ kiến thức.
 
Có nhiều cuốn sách dịch trước 1975 cũng được tái xuất bản. Nhưng có những cuốn có giá trị được phiên dịch công phu như các cuốn L’etranger của Camus và cuốn Le petit prince của ST. Exupery, dịch trước 1975 nay lại mất công dịch lại.
 
Dịch lại để lảm gì, có gì bảo đảm dịch hay hơn, chuẩn xác hơn hay là chỉ nhằm ăn cắp bản dịch cũ.
 
Tuy nhiên, trong những cuốn sách được tái xuất bản mà tôi tâm đắc và thích thú hơn cả là cuốn: Việt Nam Văn học sử, giản ước tân biên, gồm ba tập của Giáo Sư Phạm Thế Ngũ.
 
Nếu về Sử học, tôi xin chọn cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim như tiêu biểu thì về văn học, xin chọn sách Việt Nam Văn Học Sử của Phạm Thế Ngũ.
 
Việc tìm kiếm số sách miền Nam được in lại, tái xuất bản người viết bài này không có điều kiện để cập nhật cho đủ, xin ghi lại trong chừng mực có thể mà không dám nói là đầy đủ.
 
*Thứ ba, việc bảo tồn sách cũ miền Nam do một thiểu số những người có lòng với sách, phần lớn còn lại là những người buôn sách.
 
Có lẽ người có lòng nhất với sách vở miền Nam là ông Khai Trí. Từ người bán sách lẻ lề dường, ông xây dựng nên cơ nghiệp là nhà sách Khai Trí, số 60- 62 đường Lê Lợi.
 
Tôi đã đứng bên kia đường Lê Lợi sau 1975 để chứng kiến cảnh hôi sách, đốt sách của nhà Khai Trí. Cảnh tưởng ấy còn như in vào đầu tôi. Sách của nhà Khai Trí vứt tung tóe, bừa bãi trên mặt đường phố Lê Lợi trong nỗi bất lực của nhiểu người miền Nam.. cách đây gần 40 năm.
 
Tôi không biết lúc bấy giờ ông Khai Trí đứng ở đâu.. Nhưng cái cảnh ấy nó bộc lộ hết cái bản chất bạo tàn của những kẻ chiến thắng.
 
Khi cơ sở nhà sách Khai Trí bị tịch thâu. Theo nhà văn Nhật Tiến, một lần nữa, ông Khai Trí lại ra ngồi lề đường, trải một tấm nhựa ni lông bán vài cuốn sách thiếu nhi còn sót lại.
 
Đây lại là một hoạt cảnh đau lòng và ngược đời bày ra trước mắt. Từ một chủ nhân bề thế, uy tín mà trong kho chứa hàng triệu cuốn sách, nay ông trở thành người bán sách dạo đầu đường.
 
Cảnh tượng này giúp ta nhớ lại như hoạt cảnh đấu tố trong Cải Cách Ruộng Đất.
 
Sau đó ông bị bắt, đi tù, rồi sau cùng ra hải ngoại. Cũng vì có lòng với sách vở miền Nam, năm 1995, ông trở về VN với mộng ước lớn. xây dựng lại sự nghiệp. Nhưng ước mơ của ông đã không thành.
 
Vậy mà khi ông mất, nhà nước không quên vinh danh ông và ngay cả đặt cả một tên đường mang tên ông tại một phố nhỏ.
 
Những điều nghịch cảnh như thế chỉ có thể xảy ra trong một nước XHCN.
 
Sau này, nhà văn Nhật Tiến đã dành cả nửa một cuốn sách để viết về ông Khai Trí. (20)
 
Trong đám ma ông Khai Trí, cụ Toan Ánh lúc đó 91 tuổi đã than thở: Tại sao mình sống lâu như thế, ông Khai Trí mới 80 tuổi.
 
Cuộc đời của ông Khai Trí mang ý nghĩa tiêu biểu nhất về thân phận con người gắn liền với thân phận sách vở báo chí văn học miền Nam cũng như thân phận một người có lòng với chữ nghĩa là ông Khai Trí. (21)
 
Mặc dầu như chúng ta biết có khoảng 180 chục triệu cuốn sách đủ loại ở miền Nam nằm trong vùng định chế sách bị tiêu hủy, vẫn có một số không nhỏ số sách trên thoát nạn do sự cất giấu của một số người có lòng với văn học và do cả óc trục lợi của một số người.
 
Dù cho có trục lợi đi nữa thì cũng vẫn là một điều đáng làm vì gián tiếp giúp cho sinh mệnh chữ nghĩa miền Nam vẫn có cơ hội sống lại.
 
Chính trong cái khung cảnh sinh hoạt sách báo miền Nam bị vây khốn khó khăn như thế đã làm nảy ra một nghề mới: Nghề bán sách dạo, sách bán ở vỉa hè.
 
Nghề này từ nay thay thế công việc của ông Khai Trí cũng như cho khoảng 2500 nhà sách trên toàn miền Nam đã phải tự động đóng cửa sau 1975.
 
Nó tiêu biểu cho nghề buôn bán chui dưới chế độ xã hội chủ nghĩa. Xã hội tạo ra một lớp người làm ăn bất hợp pháp. Cái gì cũng thành chui cả. Sách chui, gạo chui, thuốc Tây chui, đi chui và ngay cả việc đi tu cũng trở thành tu chui.
 
Sách càng bị cấm, càng nhiều người tìm đọc.
 
Đường đến với sách vở văn học miền Nam thật đầy gian nan, nhưng cũng có những người may mắn tìm được những kẽ hở của chế độ để trở thành đại gia.
 
Tôi xin nêu ra trường hợp tiêu biểu là ông Võ Thành Tân, hiện nay là Tổng Giám Đốc nhà sách Thành Nghĩa. Ông vốn chỉ là một sinh viên Văn Khoa Sài Gòn trước 1975. Sau 1975, không có việc gì làm, ông xoay ra mở một Kiosque bán sách cũ ở đường An Dương Vương. Thời thế đã tạo cho ông từ một người bán sách cũ, với sự hiểu biết về giá trị của mỗi cuốn sách. Ông hẳn biết mua rẻ bán đắt và sau này, ông trở thành một đại gia với doanh nghiệp in sách và bán sách.
 
Thoạt đầu, ông kể cho tôi, ông chỉ xuất bản vài đầu sách, in 1000 cuốn-một năm. Bán hết, thu đủ vốn lại in cuốn khác. Ông biết được thị hiếu người đọc, ông nắm được thị trường sách vở và cứ thế ông làm ăn mỗi ngày mỗi phát đạt.
 
Cho đến năm 2005 thì cơ sở của ông đã có thể cho in 3500 đầu sách một năm.. một điều không thể xảy ra ngay cả dưới thời thịnh hành của ông Khai Trí.
 
Thị trường sách vở nay không chỉ dành cho 20 triệu người mà là 85 triệu người.
 
Tôi đã có dịp trò chuyện với ông và người phụ tá của ông là Vũ Quang Việt, hầu hết lớp người như hai ông nắm các vị trí các tờ báo đều gốc gác dân Quảng Nam. Ông cho biết hiện nay các ông có 18 cửa hàng bán sách với khoảng 2000 nhân viên. Có những tiệm sách lớn, số lượng sách trong cửa hàng lên đến 40 chục ngàn đầu sách đủ loại được bày bán.
 
Dĩ nhiên, để có thể yên thân làm ăn và thành công thì mỗi khi các cơ quan nhà nước tổ chức các buổi Hội Thảo hay phát giải thưởng, ông là người đứng ra ‘bao’ hết trọn gói. Tiền vé máy bay, tiền Hotel cho các quan chức từ Hà Nội vào Sài Gòn dự, tiền túi cho mỗi vị. Một buổi tổ chức như thế, ông mang khoảng 30 các cô gái bán hàng, ăn mặc đồng phục, tiếp đón các quan khách xếp hàng từ ngoài cửa trên dưới khoảng 100 quan khách.
 
Ban tổ chức sau đó sẽ đãi một bữa ăn trưa, rồi có văn nghệ giúp vui. Khi ra về mỗi vị khách mời nhận được một túi quà, trong đó có sách biếu. Tôi cũng là một khách mời, ngạc nhiên khi về nhà, mở túi sách ra thì có một phong bì với 50 chục ngàn đồng. Hỏi ra các buổi chiêu đãi đều có trả tiền như thế cả.
 
Một buổi tổ chức như thế, có khi ông phải chỉ cả trăm triệu đồng. Chưa kể, ông còn phải gánh trả các chi phí cho văn phòng đại diện một tờ báo mà địa chỉ nằm ở Hà Nội.
 
Thay vì trả thuế, chính quyền và người dân được lợi. Chi trả như trên thì quan chức được lợi hết.
 
Đó là một cách hối lộ đẹp nhất mà tôi nhận thấy ở Việt Nam.
 
Trong dịp này, 2006, tôi đã mua được một cuốn sách Quốc Triều Hương Khoa Lục của cụ Cao Xuân Dục với giá 30 đô la. Tưởng đã là đắt lắm.
 
Nhưng hiện nay, sách cũ miền Nam nhiều cuốn trở thành ‘vô giá’. Có trường hợp ông Trần Văn Thiện, nguyên là một giáo viên thời VNCH nay trở thành người bán sách cũ. Ông có sự hiểu biết về giá trị từng cuốn sách và sự định giá một cuốn sách. Ông là một nhà thẩm định giá trị các tác phẩm văn học miền Nam dựa trên giá cả giữa nhu cầu người đọc và giá trị cuốn sách.. Tôi xin đưa ra giá một vài nguyệt san và sách được ông Trần Văn Thiện đề bán như sau:
 
– Cuốn Hình sự tố tụng, đề giá 200 Mỹ kim
 
– Việt Nam Văn học của cụ Dương Quảng Hàm, 150 mỹ kim
 
– Tập san Quê Hương, chủ bút giáo sư Nguyễn Cao Hách, 200 mỹ kim mỗi số
 
– Lược khảo văn học, Nguyễn Văn Trung, 100 mỹ kim

– Một số báo Văn, 100 Mỹ Kim
 
– Các số báo Đứng Dậy, 70 mỹ kim mỗi số.

Các sách cũ trước 1975 thường có giá từ 70 Mỹ Kim đến 300-400 mỹ kim.. Sách của miền Bắc trung bình từ 20-50 mỹ kim.
 
Theo Viên Linh, trong bài viết: Một nền văn học của những kẻ vắng mặt thì vào năm 1998, trong 10 cuốn sách bán chạy ở miền Nam, có 9 cuốn là sách cũ miền Nam trước 1975 (Số liệu do công ty phát hành sách báo Fahasa của Việt Nam, đăng trên tờ Thể Thao Văn Hóa số tháng 12-1997, trang 26-28.
 
Đó là hiện tượng đi tìm sách cũ để tìm đọc mà chính tác giả của chúng lại là những người vắng mặt.
 
*Thứ tư, công việc khôi phục lại Văn Học miền Nam còn là một đoạn đường dài, phải mất nhiều năm tháng và khổ công
 
Cứ theo Trần Trọng Đăng Đàn thì có vào khoảng 2721 tác giả nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà biên khảo, giáo sư, trí thức ở miền Nam Việt Nam có các tác phẩm để lại. Mặc dầu đã có chỉ thị phân loại các sách, nhưng trên thực tế chẳng ai có trách nhiệm thi hành. Họ đã dùng trẻ con đi đến các nhà, dùng xe ba gác, đánh trống để tịch thu.
 
Trong số 2721 tác giả này thì họ đều có sách xuất bản. Có sách xuất bản trước 1975 trở thành mục tiêu truy lùng sách báo cũ. Tiêu chuẩn này vô tình đã để lọt một sổ khoảng 600 các nhà thơ nhà văn trẻ, thường là gốc lính, chỉ có thơ văn đăng trên các tạp chí như Văn, Bách Khoa hoặc trên các tờ Hành Trình, Đất Nước, Trình Bày, Thái Độ và nhất là trên tờ Khởi Hành.
 
Thôi thì họ bỏ quên như thế thì cũng tốt thôi. Có thể nhờ đó tránh khỏi đi học tập về cái tội là nhà văn. Nhưng người ta sẽ không hiểu được tại sao nhà văn Võ Phiến trong Tổng Quan Văn Học, xuất bản ở Hải Ngoại đã cố tình bỏ quên bọn họ. Chắc là chúng ta sẽ có dịp làm rõ điều này trong một bài viết khác để trả lại công đạo cho các nhà văn , nhà thơ gốc lính mà nay có người đã không còn nữa.
 
Tôi đã có dịp đọc tập Thơ Trong Miền Nam Thời Chiến, quy tụ những nhà thơ gốc lính miền Nam đã bị bỏ quên do Trần Hoài Thư sưu tập.
 
Xin hãy đọc một hai trích đoạn:
 
Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
Cũng đem chiếc áo lành ra mặc
Cũng ăn một bữa cơm cho no
Cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu
Khổ đau lúc này mẹ gói trong mo. Hồ Minh Dũng
 
Một trích đoạn khác:
 
Xin đặt đồng tiền lên bài vị mới
Cùng với lòng anh vừa chớm trong xuân
Địa ngục thiên đàng cho anh gửi tới
Mừng tuổi các em chết được một năm
Xin đặt áo quần vào vali giấy
cùng với sách vở thơm tuổi học trò
Các em ở đâu hãy về nhận lấy
Nhìn mẹ bây giờ như chim ngọn khô
Trích Đông Trình, Mừng Tuổi Em Gái (Cho linh hồn Loan và Quế)
 
Phần người cộng sản, nói chung hễ cứ là sách là tiêu hủy tất cả.
 
Cứ giả dụ trung bình mỗi tác giả có năm đầu sách suất bản. Như vậy có trên 10 ngàn đầu sách xuất bản trong một năm. Và trung bình mỗi sách ở miền Nam thời đó in tối thiểu 3000 đến 10.000 cuốn, và tái bản nhiều lần. Nếu kể thêm các đầu sách giáo khoa kỹ thuật khoảng chừng 2000 tác giả. Mỗi tác giả có năm đầu sách sẽ có thêm 10 ngàn đầu sách, cũng in 3000 nghìn cuốn. Phần tái bản sách giáo khoa là thường xuyên. (22) Nếu kể thêm các đầu sách dịch mà có cuốn được in đi in lại đến 10 lần. Và cuối cùng là sách ngoại quốc nhập cảng vào miền Nam.
 
Trong bài "Phỏng Vấn 6 Nhà Văn Nữ” của Lê Phương Chi đăng trên tạp chí Bách Khoa vào năm 1968, nhà văn Nhã Ca nói về những số tiền tác quyền nhuận bút của bà như sau:
 
"- Cơ sở xuất bản Thứ Tư đặt ba trăm ngàn để lấy 6 cuốn sách, trong số ấy có một cuốn tái bản, đó là năm 1967. Nhà sách Khai Trí đặt hai trăm ngàn mua năm cuốn, có ba cuốn tái bản, năm 1968. Còn năm 1969, chúng tôi không bán nữa. Nếu dự định của chúng tôi được thực hiện, thì chúng tôi sẽ có một nhà xuất bản lấy tên là Thương Yêu, để in sách của chúng tôi Và các bạn thân” (23)
 
Và nếu cộng thêm các tập san đủ loại. Đã có khoảng hơn 300 tập san như thế. Các tập san này có thể ra hàng tuần và thường là hàng tháng, kéo dài trong nhiều năm như Tập san Văn Hóa Á Châu và tạp chí Bách Khoa.
 
Theo tờ Tin Sáng (24), thì từ năm 1962 về sau, tại Nam Việt Nam đã xuất bản 208 bộ sách chưởng, gồm 850 quyển, con số phát hành này ước tính 5 triệu bản, bằng số sách giáo khoa Trung Học xuất bản cùng thời gian.
 
Tôi chỉ kể một vài tập san tiêu biểu như tập san Đại Học Huế mà tôi vừa thực hiện việc điện toán toàn bộ gồm khoảng hơn 10.000 trang tài liệu.
 
10.000 trang tài liệu của trên dưới hơn 100 nhà biên khảo, trí thức, giáo sư đại học- những thành phần ưu tú nhất của miền Nam- về các lãnh vực triết học, sử học, ngôn ngữ học, văn học bỗng chốc tan biền hết.
 
Còn có nỗi mất mát nào lớn hơn nữa không.
 
Sau đây xin đưa ra một chứng từ của một người lúc đó còn đang ở tuổi đi học nói về việc đốt sách trong gia đình của mình.
 
“Thuở nhỏ ở Việt nam tôi lớn lên trong một gia đình yêu văn chương, nghệ thuật. Từ ba má đến anh chị em trong nhà người nào cũng mê đọc sách.
 
Theo năm tháng tủ sách gia đình ngày càng được tích đầy đến mức phải dành cả gian nhà rộng để chứa sách.
 
Sách được đóng bìa, đánh số cẩn thận và phân chia thành nhiều loại: khoa học, văn học, thơ, tạp chí vv.. có trên 5000 quyển.
 
Do người lớn trong nhà kiểm soát nghiêm nhặt việc đọc sách nên ở khoảng tuổi thiếu nhi tôi chỉ được phép đọc những sách dành cho thiếu nhi. Thưở ấy có những buổi trưa khi người lớn bận việc tôi dạo lướt qua những kệ sách, lục tung từ những quyển sách to lớn cho đến những quyển sách nhỏ. Và mơ màng nghĩ đến một ngày nào đó tôi sẽ đọc hết tất cả những gì chứa trong đó. Bởi thế tôi thật sự kinh hoàng khi sau năm 1975 nhìn cảnh cả nhà phải đem sách ra đốt.
 
Đốt giấu giếm âm thầm trong nhà bếp vì không muốn bị kết tội phản động, tàng trữ, văn hóa đồi trụy của Mỹ Ngụy“.
 
Cả kho sách phải đốt ròng rã hàng tháng trời mới tiêu hủy hết. Sau khoảng thời gian đó tôi ngẩn ngơ khá lâu như kẻ đang phải thấy một phần đời trong tương lai của mình bị thiêu hủy.
 
Tôi trưởng thành với một khoảng đen tăm tối trong tâm hồn, một khoảng trống với cảm giác như không có gì lấp được.
 
Những năm sau đó khi vào Thư viện quốc gia lục bao nhiêu thư mục tôi vẫn chỉ thấy một số sách vở văn chương ít oi còn sót lại sau khi bị kiểm duyệt. Hầu hết sách văn học chỉ là những quyển truyện của các nhà văn được gọi là có „ý thức cách mạng“ .
 
Qua sách báo và các buổi học trong nhà trường giảng dạy Lục Vân Tiên cũng có ý thức cách mạng và Thúy Kiều là nạn nhân bị áp bức của chế độ phong kiến. Tất cả văn chương nghệ thuật đều dẫn đến con đường văn học nghệ thuật „Chống Mỹ cứu nước„ .
 
Văn học nghệ thuật nước ngoài của cả thế giới như chỉ là những quyển sách dịch từ tiếng Nga.
 
Tôi bắt đầu yêu mến Puskin, Sekhov, Tourghenhev, tưởng như thế giới bên ngoài chỉ là những miền thảo nguyên bao la, xa vắng. Thưở ấy như con ngựa chạy quanh quẩn trong thảo nguyên bát ngát, hoang vắng tôi có cảm giác mình đang bị bó buộc.
 
Có lẽ cảm giác này đến từ những hồn ma của những quyển sách đã bị đốt luôn ám ảnh tôi. Những trang sách chứa chất nhiều điều bí ẩn đã bị thành tro bụi biến mất từ lâu nhưng oan hồn chúng như còn bảng lảng xa vời trong tâm thức mù mờ.
 
Chúng như tiếng nói từ tiềm thức sâu thẩm cho biết „Thế giới văn chương trước 1975 vẫn còn,chưa chết„
Với “Tủ sách Tiếng Quê Hương”
tôi như đã thấy những gì bị thiêu hủy, chôn vùi, giấu kín tại quê hương từ lâu nay đang từ từ bước ra ánh sáng. Một vầng sáng dịu dàng nhưng sâu thẩm được thắp lên bởi những nhân chứng sống trong lịch sử. Đấy là những tiếng nói của bao người đã bị chôn kín hàng năm dài đằng đẵng trong ngục tù cộng sản và may mắn sống sót ra được xứ người.
Những tiếng nói của những người con xứ Việt đang lưu lạc bốn phương trời: Mỹ, Pháp, Đức, Anh, Úc, Canada.
 
Những tiếng nói đang bị cấm đoán đè nén ở Việt nam cũng được lên tiếng trong những trang sách của “Tủ sách Tiếng Quê Hương”.
 
Cùng sống lại với những trang sách là tiếng nói của “Chính thể Việt Nam Cộng Hòa” một chính thể đã bị bóp chết tức tưởi, oan khiên như số phận dân tộc Việt sau 1954, đang được lấy lại danh dự và được trả lại sự thật.
 
“Tiếng Quê hương” đặc biệt được in thật trân trọng trên những trang sách trình bày tao nhã do nhà văn Uyên Thao cẩn thận chăm sóc từ nội dung đến hình thức. Thật cảm động biết bao khi cầm những quyển sách như thế trên tay, cứ như được nhận tâm tình người nghệ sĩ chắt chiu đốt lửa cho đời một ánh sáng, giúp dân tộc Việt thoát ra chốn tối tăm, tù ngục.
 
Ở đâu người ta đốt sách ở đó cuối cùng người ta đốt cả con người“ “Wo man Bücher verbrennt, verbrennt man am Ende auch Menschen” (Heinrich Heine)
 
Hiện nay rất nhiều người anh dũng, kiên cường đấu tranh cho dân chủ, công bình, lẽ phải đang chịu chết dần mòn trong chốn lao tù ở Việt Nam, giống như những trang sách thật đẹp đã bị đốt cháy âm thầm trong xó bếp thuở xưa.
 
Nhưng với Tủ sách Tiếng Quê Hương tất cả như được khôi phục lại từ những bàn tay các văn nghệ sĩ không phân biệt Bắc, Nam, Hải ngoại, trong nước, Chúa, Phật hay màu cờ.
 
Một buổi chiều cùng nhà văn Vũ Thư Hiên đi ngắm cảnh thành phố Münich, giữa cảnh những chiếc xe tàu điện ngầm, xe điện, xe bus chạy không ngừng, giữa dòng người ngược xuôi trong một thành phố Âu Châu, tôi nhìn ông và như được thấy điều kỳ diệu.
 
Những ai đã đọc tác phẩm „Đêm Giữa Ban Ngày“ biết được cảnh sống khắc nghiệt của những nơi lao tù ông đã trải qua sẽ thấy việc ông còn sống sót và đang đi dạo phố nơi chân trời Âu Châu là một sự diệu kỳ.
 
Tất cả những gì gọi là „Sức sống mãnh liệt„ đều có thể đưa đến những điều kỳ diệu.

Tủ sách Tiếng quê Hương biểu tượng „Sức sống mãnh liệt“ một dân tộc bị đày đọa, chịu nhiều nỗi oan khiên đã mang tính diệu kỳ ấy:
 
Tính diệu kỳ của những ánh lửa không bao giờ bị dập tắt. Tính diệu kỳ của những trang sách đã bị hóa thành tro bụi vẫn có thể tái tạo lại được.(25)
 
Tính chung, một cách dè dặt nhất thì cũng có khoảng 180 triệu cuốn sách, tập san bị tịch thu và phá hủy. Chỉ trong một gia đình của người Miền Nam có ăn học phải tư tiêu hủy 5000 đầu sách thì đó chẳng khác gì một cuộc tự sát tập thể của sách vở.
 
Nhưng theo con số của ông Vũ Hạnh đưa ra trong bài: Mấy ý nghĩa về Văn Nghệ thực dân mới thì từ: 1954-1972, có 271 ngàn loại sách lưu hành tại miền Nam với số bán là 800 triệu bản. (26)

Nhưng chỉ nghĩ đến điều đo thôi đã thấy rùng mình.

Nhưng nếu chúng ta căn cứ số liệu của bộ Thông Tin VNCH tính cho đến tháng 9-1972 thì trung bình họ đã cấp cho 3000 đầu sách được phép xuất bản trong một năm. Cộng chung từ năm 1954-1975, có từ 50.000-60.000 đầu sách được xuất bản. Thêm vào đó có 20.000 đầu sách ngoại quốc được nhập cảng.. Con số mà tôi ước lượng là trên dưới từ 180-200 triệu cuốn sách được in ra là tương đối dễ được chấp nhận (27)
 
Số liệu trên so với số sách đươc in ra bên Pháp dĩ nhiên thật khiêm tốn. Vào năm 2013, ở Pháp hơn 500 triệu cuốn sách đã được in ra. Nhưng hơn 100 triệu cuốn phải hủy bỏ vì không bán được để dành chỗ cho sách mói ra đời.

Có một điều sách càng bị cấm thì càng nhiều người tìm đọc.
 
Có người liên tưởng việc đốt sách này đến việc Phần Thư Khanh Nho (đốt sách chôn nho) của bạo chúa Tần Thủy Hoàng. Lấy việc xưa mà nói việc ngày nay thì cũng có nhiều điều khiên cưỡng. Việc đốt sách đời Tần là dốt sách của ngoại lai. Người đề xướng ra việc đốt sách thật ra là Lý Tư chứ không phải Tần Thủy Hoàng.
 
Còn việc tịch thu, đốt sách thời Lê Duẩn là do ai chủ xướng, ai đề ra.
 
Chắc chắn là không có câu trả lời. Đó cũng là một nhận xét lý thú trong thời đại chúng ta. Vì hạch tội một cá nhân nào đó thường không tìm ra thủ phạm.
 
Để kết thúc về phần này, tôi chỉ có thể nói cho dù sau này có chính sách cởi mở hơn đối với sách vở miền Nam. Cùng lắm chỉ khoảng 20% có cơ may được tái xuất hiện.
 
Còn lại 80% chịu số phận chôn vùi tập thể như những nấm mồ hoang của hàng triệu người đã chết trong chiến tranh.
 
Chỉ còn cần hai nén hương cho hai cái chết đó. Một cái chết của người vắng mặt và một cái chết của sách đi theo chủ nó.
 
Phần hai:

Hiện tình sách báo miền Nam sau 1975 ở hải ngoại
 
Sách đi theo người. Vì vậy, sách đã theo người Việt Hải ngoại ra bên ngoài bằng mọi cách. Nhờ đó công việc khôi phục lại cũng đạt được một số kết quả tích cực, nhưng vẫn giới hạn. Công việc ấy vẫn cần được hà hơi tiếp sức tiếp.
Ngày nay, người ta có nhiều số liệu nói về sự thành công của người Việt nơi xứ người. Theo ông Léon Vandermeersch, cựu Giám Đốc trường Viễn Đông Bác Cổ, trong bài tựa cuốn sách Việt Nam: Văn Hóa và môi trường (Viet Nam: Culture&Environment) cho hay: con số năm 1995, người Việt Nam ở hải ngoại nay có 2037 bác sĩ, 16099 trình độ Cao Học, Tiến Sĩ và 57862 trình độ Cử Nhân (28).
 
Con số nay có thể tăng thêm ít lắm là một phần ba nữa.
 
Kết quả của quá trình thích ứng và hội nhập thật khả quan và đáng khích lệ.
 
Tuy nhiên việc duy trì bản sắc văn học miền Nam thì theo một quá trình thụt lùi, càng ngày càng giảm sút, giảm về lượng cũng như phẩm.
 
Việc khôi phục lại gia tài văn học miền Nam chưa xứng tầm. Còn là những truyện có tính cách cá nhân, chưa kể đến tính phân lẻ, tính bè phái.
 
Việc cho tái bản cũng tùy tiện nhằm lợi ích thực tiễn hay lợi nhuận là chính.
 
Theo Viên Linh, nhiều sách cũ miền Nam nay được in lại ở Hải Ngoại. Tuy nhiên tác giả của những cuốn sách phần đông vắng mặt. Và ông gọi đó là một nền văn học của những người vắng mặt.
 
Có những người vắng mặt tạm thời như Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Duyên Anh, Thế Uyên, Tạ Tỵ, Tạ Chí Đại Trường, Nguyễn Mộng Giác, Bình Nguyên Lộc, Thảo Trường. (Thảo Trường bị 17 năm tù và khi ở trại cải tạo, ông được chỉ định chăn nuôi một đàn bò.- Ông kể lại cảm thấy thích thú với cái nghề mới này, vì ít ra ông không phải tiếp xúc với con người. Ra hải ngoại, sau cùng ông chết vì ung thư gan)
 
Tuy nhiên, theo Viên Linh có những người vắng mặt vĩnh viễn vì họ đã ra đi trong lao tù cộng sản mà ông gọi là Chiêu Niệm Văn Chương..
 
Đó là những người như Anh Tuấn Nguyễn Tuấn Phát, Dương Hùng Cường, Hiếu Chân Nguyễn Hoạt, Hoàng Vĩnh Lộc, Huy Vân, Lê Bá Lăng, Minh Kỳ, Nguyễn Mạnh Côn, tiến sĩ công pháp Quốc tế Nguyễn Ngọc Trụ (bị xử bắn trong trại), Phan Huy Quát, Phạm Văn Sơn, Trần Văn Tuyên, Thục Vũ, Minh Kỳ Trần Việt Sơn, Trần Khánh Vân, Vũ Ngọc Các.
 
Hay chết ngoài biển như Chu Tử, Bùi Kim Đĩnh, Trần Đại. Chết trên đường vượt biên bằng đường bộ như nữ sĩ Hồ Điệp, kịch sĩ Khả Năng, bà Phùng Thăng cùng với con gái.
 
Và hẳn còn những người đã tuẫn tiết khi cộng sản vào xâm chiếm miền Nam như Cụ Trần Chánh Thành, giáo sư Thạch Trung Giả, thi sĩ Trần Việt Hoài, nhà thơ Mạc Ly Châu, ca sĩ Vân Sơn…
 
Những người này bị lưu đầy và chết vì nhiều lý do, chỉ vì một cái tội duy nhất: Tội cầm bút.
 
Và hẳn còn nhiều người khác mà chúng ta không thể nhớ và biết hết được.
 
Cho dù tái bán hay in lại thì cũng có một nguyên tắc: phải là một chọn lọc có tính chất kế thừa có tính biện chứng, chỉ giữ lại cái tinh hoa mà thôi. Bởi vì, trước 1975, nhiều tác giả, tác phẩm cũng bị người đọc phủ nhận và không đọc.
 
Cụ thể, một số truyện dài đăng trên các báo trước 1975 thiếu giá trị nghệ thuật.
 
(Xin trừ trường hợp Lê Xuyên).
 
Chính vì thế đáng nhẽ việc khôi phục lại nền văn học miền Nam ở Hải ngoại tương đối dễ dàng ở thuở ban đầu khi người di dân cần có một món ăn tinh thần. Nhưng cái cũ dù có giá trị- dù đã một thời- dần cũng mất giá trị thời thượng trong môi trường sinh sống mới.
 
Tham vọng của một số người muốn khôi phục lại toàn vẹn văn học miền Nam là một mơ tưởng. Tham vọng của một vài nhà văn hàng đầu như trường hợp nhà văn Võ Phiến trong Tổng Quan Văn Học của ông chỉ muốn nói tới văn học sáng tác như Truyện ngắn, truyện dài, Tùy Bút, Tạp Bút,Thơ văn, Kịch Nghệ là một tham vọng chệch hướng và phân mảnh.
 
Gia tài văn học miền Nam là Văn Học nghệ thuật trong đó bao gồm chung các lãnh vực như dịch thuật, biên khảo, trào lưu tư tưởng, lịch sử, triết học, ngôn ngữ học đã bị loại bỏ trong cuốn sách của ông.
 
Tính phân mảnh trong phê bình văn học là một tội tổ tông. Điều mà Mai Thảo gọi là bọn Vua Lê, Chúa Trịnh. Bọn vua Lê Chúa Trịnh là ai. Xin hỏi Mai Thảo. Nhiều người cũng biết như thế, nhưng vẫn nhắm mắt làm ngơ, coi như không có vấn đề gì.
 
Trong 20 năm văn học miền Nam, do những biến động chính trị nên cũng có hai thời kỳ văn học: thời kỳ 54-63 yên hàn nên tạm gọi là tính chất văn học thời bình. Từ 1963 trở đi với nhiều biến động chính trị và chiến tranh vào đến cửa ngõ Sài gòn, đó là thời kỳ văn học chiến tranh hay còn gọi là văn học dấn thân, nhập cuộc.
 
Võ Phiến cũng như nhiều nhà văn lớp trước như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền ở trong một tình thế lưỡng nan, đôi lúc như thể những người ngoài cuộc, nói đúng hơn là bất lực, không đáp ứng được tình thế.
 
Thế nhưng, một lần nữa, Võ Phiến lại thẳng tay gạt bỏ những ai không đồng quan điểm với ông ra khỏi dòng sinh hoạt văn học miền Nam- khỏi dòng chính- không phủ nhận- nhưng cũng không nhắc đến tên tuổi họ mặc dầu chính họ là những nhân chứng thời đại- chính họ là tiếng nói trung thực cho giai đoạn máu lửa đó. Dưới mắt Trần Vũ, khi trả lời phỏng vấn của Thụy Khuê trong số Hơp Lưu 100, số đặc biệt về Mai Thảo. Trần Vũ nhận xét thật đúng: Võ Phiến quá xa cách, quá nghiêm trang, quá đạo mạo, còn Nguyễn Mộng Giác quá lành, cã hai văn tài đều không uống rượu..

Bọn vua Lê, Chúa Trịnh có thể là để chỉ Võ Phiến đấy.
 
Đó là những người lính trẻ, thế hệ thứ hai, giáp mặt với cái chết, từng ngày, từng giờ. Họ từ những nơi vùng hỏa tuyến gửi thơ văn về thành phố.
  
Trong số họ có những người may mắn như Phan Nhật Nam Nam, Thảo Trường có tác phẩm in về chiến tranh vì các ông có dịp về thành phố. Còn lại phần đông những người người lính ngoài mặt trận-tính văn nghệ nghiệp dư thời chiến- số phận con người và tác phẩm của họ ra sao. Họ không có tác phẩm được xuất bản nên không được chính thức nhìn nhận, bị bỏ qua, bỏ quên như số phận đời lính sau chiến tranh của họ.
 
Đến có thể nói đã có một thời có sự quên lãng về mảng Văn học vườn trước đây và nay lại một lần nữa mảng văn học dấn thân thời chiến sau 1963 bị bỏ quên.
 
Người đại diện cho đám nhà văn gốc kaki này là nhà văn Trần Hoài Thư đang có những nỗ lực tái tạo về cái mảng văn học chiến tranh bị bỏ quên này.
Phần các nhà văn lớp đầu di dân sang Mỹ, khả năng hội nhập gặp nhiều khó khăn, trở ngại về tuổi tác và nhất là hành lý mang theo khá kềnh càng về nếp sống, nếp nghĩ nên rất khó hội nhập như tâm trạng tiêu biểu của các nhà văn như Thanh Nam, Lê Tất Điều.
 
Họ hội nhập cũng không dễ mà đưa ra một cái gì mới cũng không xong. Hầu như có một sự ngưng trệ, tắc nghẽn, bất động để động não.
 
Đó là hiện trạng bế tắc sáng tạo hiểu được cũng như sự bế tắc sáng tạo vì những lý do cá nhân như nghiện ngập, suy thoái tinh thần và nhiều nguyên do nội tại khác.
 
Mai Thảo là người trong cuộc nhìn nhận có sự bế tắc này khi trả lời phỏng vấn Thụy Khuê. Trong số Hợp Lưu 100, ông nhận xét: Hầu như hầu hết mọi người đã chậm, đã ngưng lại.
 
Câu nói vắn gọi đó chứa đựng tất cả hoàn cảnh nhà văn hải ngoại, trong đó có Mai Thảo.
 
Trong khi đó trong văn học, người ta thường chỉ đưa ra những nhận xét hoặc đánh giá về vấn đề trì trệ hay phát triển, vấn đề suy thoái hay hưng thịnh của một thời kỳ văn học mà ít chú trọng đến môi trường hay hoàn cảnh địa-chính trị.
 
Nghĩa là thường người ta có thói quen đánh giá thuần túy về bản chất văn học.
 
Ngày nay người ta hiểu được tại sao lịch sử văn học có những cắm mốc của mỗi thời kỳ văn học.
 
Khi nói văn học đời Lý, đời Trần là nói đến cái mốc chính trị ảnh hưởng trực tiếp tới Văn Học. Thịnh suy của chính trị tác động trực tiếp đến thịnh suy văn học.
 
Không lạ gì những cắm mốc thay đổi về chính trị hay môi trường định hình cho một thời kỳ văn học.
 
Nghĩa là một biến cố đất nước thường kéo theo một biến cố văn học.
 
Chẳng hạn không có cuộc di cư 1954-1955 khó có có thể nói tới thời kỳ văn học miền Bắc ở trong Nam qua nhóm Sáng Tạo với Mai Thảo-Thanh Tâm Tuyền.
 
Những biến động chính trị hay sự thay đổi một môi trường địa lý, xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến việc sáng tác văn học.
 
Chẳng hạn sự di chuyển từ ngoài Bắc vào Nam, sự thay đổi khung cảnh chính trị giữa miền Bắc trước 1954 và miền Nam sau 1954, sự thay đổi nếp sống xã hội, phong tục giữa Nam vào Bắc là những lý do khách quan của quy luật xã hội đủ làm ngưng trệ một dòng văn học biến nó trở thành lạc lõng và làm đứt mạch dòng văn học ấy.
 
Đó là sự phủ nhận của phủ nhận đòi hỏi môt cái gì mới- Mặc dầu cái Mới chưa chắc đã hay hơn cái cũ.
 
Vấn đề chính là phải khác cái cũ.
 
Sự phủ nhận ấy xem ra bội bạc, nhưng nó lại là quy luật của sự phát triển.
 
Khi có cuộc di cư thì một cách gián tiếp do nhu cầu tiếp cận trực tiếp với các nhà văn Miền Bắc, độc giả miền Nam nói chung đã vô tình đẩy lui vào bóng tối một số nhà văn từng nổi tiếng một thời như Thẩm Thệ Hà, Đông Hồ, Quách Tấn, Vi Huyền Đắc ngay cả Vũ Bằng, Tam Lang.
 
Nếu hiểu như thế, người ta cũng sẽ hiểu được trường hợp TLVĐ của Nhất Linh. Số đầu tái xuất hiện của Văn hóa Ngày Nay ra ngày 27-6-1958 bán được cả 10.000 số, sau đo lụi tàn dần phải đóng cửa.
 
Thực tế đã xác định thời cũ chỉ còn là dĩ vãng. Nếp sống, nếp nghĩ đã thay đổi.
 
Nhưng vấn đề là chỉ cần nhìn nhận Nhất Linh và TLVD đã làm trọn nhiệm vụ của họ ở giai đoạn tiền chiến, trước những năm 1946.
 
Sau 1946, với cường độ chiến tranh như thế, nhóm TLVĐ đã bị lôi cuốn vào những vòng xoáy chính trị và các thành viên của nhóm đã bị tan rã. Đang là những người bạn nay có thể coi nhau như những kẻ thù vì ở hai chiến tuyến khác nhau: Thế Lữ, Tú Mỡ, Xuân Diệu ở một phía bên kia. Nhất Linh, Hoàng Đạo, Khái Hưng ở phía bên này. Và Khái Hưng là nạn nhân đầu tiên của vòng xoáy chính trị trên.
 
Theo nhận xét của tôi thì về mặt văn học cũng như chính trị. TLVĐ thật sự đã bị bức tử khi cuộc chiến tranh Quốc-Cộng bắt đầu. Nhưng tôi vẫn trân trọng nhìn nhận nó đã có thời của nó trong dòng sinh mệnh văn học Việt Nam nói chung.
 
Văn chương mà nói thì gọi đó là thời vang bóng..
 
Thật vậy nhóm TLVĐ đã một thời sáng chói ở miền Bắc, đóng góp lớn lao vào văn học chữ viết vượt xa một đoạn đường giai đoạn thời kỳ văn học báo chí Phạm Quỳnh- Nguyễn Văn Vĩnh và tưởng chừng như không gì thay thế được TLVĐ.
 
Vậy mà khi vào đến miền Nam, Nhất Linh- một mình một chợ- dù có các thế hệ trẻ nối tiếp- tưởng rằng có thể nối tiếp dòng văn học của nhóm TLVĐ như thuở nào. Nó đã mau chóng trở thành một thất vọng đối với người đọc và một nỗi thất bại cho cá nhân Nhất Linh và của chung nhóm TLVĐ.
 
Và miền Nam cuối cùng trở thành mảnh đất tá túc tạm dung cho Nhất Linh những ngày còn lại.
 
Rõ ràng miến Nam là mảnh đất tự do cho bất cứ ai muốn thi thố tài năng của mình. Nhưng cái giá phải trả của Nhất Linh là khơi lại một dòng văn học cũ trong khi Người đọc đòi hỏi ở ông một cái gì mới.
 
Nói đúng ra nó đòi hỏi sự sáng tạo, cái Mới. Bản chất của văn học là sáng tạo. Cái cũ là kẻ thù của văn học.
 
Nhất Linh đã không đáp ứng được điều đó và vì thế không có gì là ngạc nhiên khi người ta đổ xô đi tìm đọc tạp chí Sáng Tạo của Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền. Nói như thế, không có nghĩa tôi tán tụng nhóm Sáng Tạo và Mai Thảo.
 
Câu chuyện của TLVĐ cũng là câu chuyện của người Việt hải ngoại hôm nay. Nhưng dòng văn học miền Nam chuyên chở sang Bắc Mỹ ở trong trong một bối cảnh phức tạp bội phần về mặt chính trị, xã hội, địa lý.
 
Các nhà văn may mắn sang được Mỹ ngay từ những năm 1975 như Võ Phiến, Nguyên Sa Trần Bích Lan, Lê Tất Điều, Nguyễn Hoàng Đoan đều là những người có lòng với văn học miền Nam. Họ đã nghĩ ngay đến việc viết lách và cùng nhau lập ra tờ Hồn Việt như bước khởi đầu. Và từ đó báo chí được phát triển khắp nơi, bất cứ nơi nào có người Việt trú ngụ.
 
Mảnh đất tạm dung lúc đầu xem ra có đủ các yếu tố khách quan để giúp một nhà văn sáng tác, viết truyện. Khung cảnh chính trị tự do, tiền bạc xem ra thong thả hơn là thời kỳ trong nước. Trước đây phải chật vật viết mỗi ngày hai ba truyện dài trên các báo để kiếm sống.
 
Đề tài viết cũng không thiếu, nhất là những đề tài về miền Nam cũ, về nỗi nhớ và về những kỷ niệm khó quên về con người và những vùng đất nước thân yêu, về sự thù ghét chế độ chính cộng sản.
 
Điều kiện có thể có tất cả, nhưng cái thiếu là sự sáng tạo trong môi trường mới.
 
Tất cả những tình trạng trên có thể đi đến một tóm tắt: Đó là sự bế tắc của nhà văn. (Vriter’s Block) Một sự bế tắc mà đôi khi chính nhà văn cũng không hiểu lý do tại sao mình không viết được nữa như một sự nghẽn mạch. Và đôi khi đó là nỗi khốn khổ lớn nhất của một người cầm bút.
 
Nguyên do của sự bế tắc có thể từ bên ngoài như chúng ta vừa trình bày ở trên mà còn có thể do những động lực bên trong về tâm sinh lý, về thần kinh, về não bộ, về chứng trầm cảm, tình trạng suy tinh thần và chứng nghiện ngập như nghiện á phiện, nghiện rượu.
 
Khi đặt ra những vấn đề này để nói về sự ‘bế tắc’ của một nhà văn thì có nhiều người có thói quen nhiễm tính là không cho phép bất cứ ai được đụng đến các ‘đỉnh cao văn học’.
 
Đụng đến thần tượng là đụng đến họ. Họ sẽ không tha thứ và đáp trả một cách thấp kém.
 
Như trường hợp Mai Thảo, Nhất Linh, tôi đều xếp vào trường hợp có vấn đề vì nghiện rượu.
 
Phải để chính Trần Vũ nhận xét một cách sắc bén và trung thực về Mai Thảo- trong đó không thiếu phần trân trọng của một nhà văn trẻ-. Ông viết: Nhưng khi đi uống rượu với Mai Thảo, tôi có cảm giác đi uống rượu với phu huyệt, sau xẻng đất, sau cốc rượu, bảo những hồn ma cũ Huyệt đã chôn rồi lấp đất xong. Thơ Mai Thảo rờn rợn, những giấc ngủ đen, những hồn ma thức giấc gây thành giông bão, của thần chết đã trở thành bạn, ngồi trên giường.(..) Mùa thu 96, tôi gặp ông lần chót. Ông nằm im trong căn phòng không bật đèn. Đôi mắt nhìn trừng trừng lên trần. Ông không động đậy. Ông giống một xác chết. Tôi nhận ra tức khắc, tôi đang nhìn ra một di vật. Thời đại ông đã đi qua. Thời đại ông biến mất.. Sách ông bị tiêu hủy. Bạn bè ông quá vãng. Ông tồn tại di vật. Phải mất mấy phút, tôi mới cất được tiếng chào ông: ‘Cháu đến thăm bác’. Ông gật đầu. Căn phòng trống, chỉ còn một cái tủ lạnh còn sự sống, còn nước đá, còn tiếng máy chạy rù rì..(..) Có lần ông nói đùa: ’Em phải để cái lý nó nghỉ».
 
Cuối năm 96, ông bất động: nhìn trừng trừng lên trần vào một chỗ duy nhất. Ngõ hẻm Song Long xế chiều tắt nắng, chúng tôi trò chuyện trong bóng âm.
 
Điều gì khiến tôi nhớ nhất? Nét buồn bã là điều tôi nhớ nhất. Gương mặt ông buồn lắm. Chỉ cần Mai Thảo xuất hiện, sự cô đơn vây lấy mọi người, lấm tràn sang mọi người. Ông ngồi đó, im lặng, rồi ra về.
 
Tôi hỏi về Nhất Linh, Mai Thảo nói: Tôi xem cái chết ấy là uổng phí. Vì sao phải chết như vậy. Ông ta có cả một sự nghiệp và còn cả một sự nghiệp chưa hoàn thành.
 
Đọc xong đoạn trích dẫn trên, không thể không buồn. Và nếu ta chỉ cần đổi tên Mai Thảo ra tên Nhất Linh thì câu chuyện cũng chỉ là câu chuyện của một người.
 
Tác dụng của rượu đã ảnh hưởng tới tình trạng tinh thần của Mai Thảo cũng như Nhất Linh.
 
Rất tiếc, tôi không có tài nhận xét sắc sảo như Trần Vũ nên bị vài người đả kích khi viết về tình trạng tâm thần của Nhất Linh.
 
Nhận xét như thế sẽ trở thành thông thường nếu ta nêu ra những trường hợp các nhà văn ngoại quốc như ở Mỹ và chẳng một ai thấy thế là một xúc phạm ngay cả đến những nhà văn đã từng được giải thưởng Nobel như Hemingway.
 
Khi nói Hemingway say rượu rồi mắc chứng trầm cảm rồi tự kết liễu cuộc sống của mình bằng chính viên đạn súng săn của ông.
 
Không ai trách những nhận xét có thực về Hemingway cả.
 
Và còn bao nhiêu tên tuổi khác như Truman Capote, William Faulkner, John Steinbeck, John O’ Hara, Carson, McCullers, F. Scott Fitzgeraldvv..
 
Nhưng nhà văn Nhất Linh cũng ở trong trường hợp bệnh lý trầm trọng như các nhà văn nổi tiếng thế giới trên thì hầu như có sự cấm kỵ, không được phép nói đến.
 
Nói cho cùng thì Nhất Linh là nạn nhân không phải từ những nhận xét về tình trạng bệnh lý mà tôi đã viết về ông mà từ những kẻ tôn sùng ông.
 
Tôi gọi đó là tình trạng cực đoan trong văn học.
 
Nếu ngưới ta không nên ‘đùa giỡn‘ với niềm tin tôn giáo khác thì cũng một lẽ ấy, kính nhi viễn chi với những chệch hướng trong văn học.
 
Có lẽ lý do chính yếu là ở Việt Nam thiếu một không khí phê bình văn học, hay chỉ có một thứ phê bình văn học được chấp nhận là ‘áo thụng vái nhau’. Duy Lam trước đây đã diễu Sáng Tạo về cái cảnh tượng soi gương chỉ thấy mình. Cái cảnh ấy có thể áp dụng cho nhiều nhà văn khác.
 
Và nếu chịu đọc, nếu chịu tìm hiểu sinh hoạt nghệ thuật thế giới, người ta có thể tìm ra hàng trăm nhà văn vì lý do này, lý do khác đã ngưng sáng tác, bị bế tắc.
 
Ngày nay chỉ vào Google bấm tên những nhà văn tôi vừa kể trên, người đọc sẽ biết sự thật nó nằm ở chỗ nào.
 
Và khi đó sẽ dễ dàng thông thoáng chấp nhận những phê phán và bớt được tính nóng giận hẹp hòi khi có ai nói khác, suy nghĩ khác mình.
 
Trong số bảy nhà văn Hoa Kỳ được giải thưởng Nobel văn chương thì có đến 5 người nghiện rượu và đôi khi cuối cùng đã kết thúc cuộc đời của họ một cách bi kịch.
 
Uống rượu làm cho người ta rơi vào tình trạng buồn, càng buồn càng uống. Lấy cái say, cái tỉnh để viết văn có thể là một tai hại cho văn học. Người nghiện rượu làm nhà văn đôi khi chệch hướng, tai hại chả kém gì người say rượu lái xe trên xa lộ.
 
Xin trở lại tiếp tục những nhận xét của chúng ta về sinh hoạt văn học hải ngoại.
 
Ngoại trừ mặt báo chí. Các tập san và tiểu thuyết thì phải nhận là không mấy sáng sủa. Nó nằm trong tình trạng bị lão hóa như trường hợp các nhà văn như Mai Thảo, Phan Nhật Nam sau này và nhiều người khác.
 
Tôi có một nhận thức khá rõ ràng là sinh hoạt văn học miền Nam trước 1975 và sau 1975 ở hải ngoại, phần sinh động nhất của nó vẫn là các tập san hơn là các tác phẩm.
 
Tập san như thể các món ăn hàng ngày. Tác phẩm như thể các món ăn lâu lâu ăn một lần.
 
Các tạp chí ở hải ngoại như mở đường và tiếp nối sinh hoạt văn học của miền Nam trước 1975, Nó như chiếc cầu nối giữ quá khứ trước 1975 và sau 1975, giữa trong nước và ngoài nước trước 1975..
 
Báo chí ra đời sớm nhất là tờ Người Việt Tự do, rồi tờ Lửa Việt, tờ Việt Nam Hải Ngoại, tờ Bút Lửa, tờ Hồn Việt Nam vv.. (29)
 
Vì thế, các tạp chí như Văn Học hay sau này Hợp Lưu, Khởi Hành rồi Tân Văn thì phải nhìn nhận là có những cố gắng vượt bực.
 
Chẳng hạn tờ Hợp Lưu ở thời kỳ Khánh Trường và rồi Trần Vũ trong vai trò chủ bút là tiêu biểu sáng giá cho văn học hải ngoại. Sau này nhờ Trần Vũ mà nhiều nhà văn, nhà thơ trẻ được giới thiệu có đất dụng võ. Tôi phải nhìn nhận Trần Vũ là người trẻ có tài. Truyện ngắn của Trần Vũ đôi khi là tuyệt như các truyện: Mưa Mùa Gai Sắc hay Pháo Thuyền Trên Sông Yangtze. Anh có một khả năng tưởng tượng, hư cấu rất phong phú đến ngạc nhiên.
 
Hợp Lưu bề ngoài có vẽ vững chãi hơn. Lúc nào độ dày tờ báo cũng như nhau, 320 trang hoặc nhỉnh sút đi 12 trang. Hình thức lúc nào cũng trang nhã vì có họa sĩ Khánh Trường- sau này cứ thế mà tiếp nối. Vóc dáng Hợp Lưu như một cuốn sách quý, cùng khuôn khổ kích thước, bày trong kệ sách trông cũng đẹp mắt rồi. Nay thì Hợp Lưu là đất dụng võ của một số tài năng trẻ ở trong nước mà chính nơi đó họ chưa có tên tuổi. Đó là trường hợp xảy ra cho Đỗ Hoàng Diệu- một tài năng được nhìn nhận và có tên tuổi dưới sự trợ giúp của Trần Vũ trên tờ Hợp Lưu. Nhưng nay thì vẫn chưa có tài năng trẻ nào theo gót được Đỗ Hoàng Diệu.
 
Mặt mạnh của Hợp Lưu là có đủ sức tập hợp được càc nhà biên khảo để ra được các số chủ đề như chủ đề về Hoàng Xuân Hãn, về Tạ Trọng Hiệp, về Mai Thảo, về Khái Hưng, về Nhân Văn Giai Phẩm, về Thảo Trường, về Văn Cao và nhiều nhà văn, nhạc sĩ tên tuổi khác vv Cạnh đó là những chủ đề về văn học, về lý luận văn học, về sử học, về phê bình văn học.
 
Mặt mạnh thứ hai của Hợp Lưu là mảnh đất dụng võ cho những nhà văn trẻ từ cỡ 45 đến 60 tuổi..
 
Cái bề ngoài khang trang, bề thế của Hợp Lưu không diễn tả đúng tình trạng chạy gạo từng bữa của Hợp Lưu. Bên trong tòa soạn đôi lúc Khánh Trường cũng rơi vào tình trạng có nguy cơ ‘phá sản’ khánh kiệt. Cũng đã không ít lần Khánh Trường kêu cứu về tình trạng bết bát tài chánh. Nay thì không biết bằng cánh nào- một tay chủ bút như Đặng Hiền có thể thong dong tiếp nối Khánh Trường cho đến hiện nay.
 
Nhưng căn cứ vào độ dày và sự có mặt đều đều hai tháng báo ra một lần. Chúng ta hãy cứ biết như thế. Như thế như thế và an tâm.
 
Nghĩ tiếp đến trưởng hợp tờ Văn Học mà thương hại, sống dở chết dở, thay hết chủ bút này đến chủ bút khác, cố gắng cầm cự một cách trôi nổi. Cao Xuân Huy đã ba lần gánh vác tờ Văn học. Và trong lý lịch ghi trích ngang, ngoài văn học thì ghi: Đang không cộng tác với báo nào khác. Có nghĩa là anh chỉ viết cho Văn Học.. Sau này tôi thấy anh đi làm cho tờ Sài Gòn Nhỏ hay tờ Người Việt chỉ là với tư cách chuyên viên kỹ thuật. Và mỗi lần Văn Học trở bệnh thì y như rằng có Trương Hồng Sơn ở Hoa Thạnh Đốn cho tiền thuốc men chạy chữa. Có những số báo mỏng dính có 136 trang như các số 103 rồi 104. Cạnh đó có những số thật dày như số 228 với 288 trang, số 234 đến 312 trang, số 223 dày hơn nữa đến 342 trang.
 
Biết bao nhiêu đoạn trường và công khó ở trong đó. Tôi chợt nghĩ đến công khó của Trần Hoài Thư hiện nay.
 
Tờ Thế Kỷ 21 của Người Việt, đàng sau có chỗ tựa lưng vững chãi về tài chánh là công ty Người Việt. Làm ăn khấm khá như vậy, bề thế như vậy. Tưởng là tờ báo văn học sẽ vững vàng quá đi. Tưởng sẽ trở thành Trùm Văn học ở Thủ Đô tỵ nạn. Vậy mà cũng chẳng hiểu sao loay hoay hết chủ bút này đến chủ bút khác, bài vở cũng làng nhàng, nội dung làm sao mà đến một lúc nào đó cũng gõ lên hồi chuông báo tử. Sự mất mát của Thế Kỷ 21 cũng là một thiệt thòi cho văn học Hải ngoại giống như trường hợp tờ Văn, Văn Học sau này. Nhưng biết đâu với số tiền lời, từ trời rơi xuống 4 triệu rưỡi đô la sẽ giúp công ty Người Việt làm trùm Văn học. và tờ Thế Kỷ 21 lại có cơ sống lại.
 
Tờ Văn của Mai Thảo èo ọp lắm về mọi mặt, xem ra sự điều hành có phần lơ là. Nó chỉ quý ở cái phần Sổ Tay của Mai Thảo rồi sau đó kế thừa bởi Nguyễn Xuân Hoàng.
 
Mai Thảo là tiêu biểu cho một ngòi bút đã cạn dòng. Những bài thơ làm lúc cuối đời không đủ để bào chữa cho những năm tháng viết trước đây của ông.
Ông đã tốn bao nhiêu chai rượu để viết những bài văn đó.
 
Đôi khi tôi nghĩ rằng, chúng ta phải biết chấp nhận cái tầm thường của nhà văn để cho đời có dủ lý do đáng sống.
 
Tầm thường chính là con người chứ không phải là cái cao cả.
 
Nguyễn Xuân Hoàng ôm lấy tờ Văn chẳng khác ôm một người tình nhân già, bỏ thì thương vương thì tội. Vừa ôm, vừa xót xa, chẳng sướng gì. Và theo lời Nguyễn Xuân Hoàng viết trong Sổ Tay, bạn Văn nào gặp cũng hỏi thăm Văn độ này ra sao. Văn chết chưa.
 
Nguyễn Xuân Hoàng quả thực là người ôm sự nghiệp Mai Thảo và không lối thoát. Nhưng dù thế nào thì Nguyễn Xuân Hoàng cũng thâm cảm rằng tờ Văn cũng chính là một phần đời của ông vậy.
 
Tờ Văn đã ra đi trước ông. Ông phải đi theo thôi.
 
Khởi Hành của Viên Linh mới thật sự là cố gắng một mình- một chợ-, theo nghĩa sống ‘dai’ trước 1975 và sống ‘mòn’ sau 1975 ở Hải ngoại. Chắc hẳn có sự tiếp tay của bà Tà Cúc. Viên Linh quả là người ôm đồm, ôm trách nhiệm cả văn học miền Nam trong một căn phòng nhỏ. Chưa bao giờ có dịp để được ông chia sẻ tại sao ông lại còm cõi suốt ngày trong căn phòng nhỏ làm việc quên mệt. Ông đã thay đổi đủ kiểu báo, lúc khổ lớn như báo nhật trình, rồi cứ thun lại dần, thun nữa, mỏng nữa.. Chỗ làm việc cũng là chỗ ăn ngủ, bên cạnh sách báo bừa bộn đến không chừa một lối đi theo – cái kiểu- tòa soạn-một người- chỉ có ở dân Việt Nam và nay thì Khởi Hành, nó mỏng như thể không thể mỏng hơn được như người mắc bệnh trầm trọng, chỉ còn thoi thóp sống còn.
 
Nhưng đúng như kiểu nói của nhà văn Thảo Trường, Viên Linh dùng kích thước nhỏ (vài chục trang), khổ nhỏ để nói về những chủ đề thật lớn.
 
Hầu như số báo nào của Khởi Hành cũng là số chủ đề, hay ít lắm cũng hé lộ cho người đọc một số thông tin văn học trước 1975 mà hầu như chỉ mình Viên Linh biết được. Nhưng ông kỹ lắm, không bao giờ tiết lộ hết, cứ từng số một nhả ra chút ít như con tầm nhả tơ- một thứ câu khách mà tôi là người bị cắn câu-.
 
Các chủ đề như số Đặc biệt về Phụ nữ, chủ đề Dịch thuật, Văn nghệ 54-63 đi về đâu vv.. Nội cá nhân tôi mua đều đặn Khởi Hành từ nhiều năm nay cho thấy hẳn Khởi Hành phải có cái gì chứ.
 
Cái gì đó chỉ mình Viên Linh biết.
 
Tân Văn xuất hiện sau cùng, từ 2007 đến nay vẫn từng ấy số trang, vẫn từng ấy trang bìa láng trang nhã theo cách thức Hợp Lưu.
 
Ra sau nhưng tiềm năng có thể sống còn, tuổi thọ cao vì Tân Văn có những lợi thế ít ai có. Sài Gòn nhỏ có nhà in riêng nên bất chấp mọi khó khăn tài chánh.
 
Còn Sài Gòn Nhỏ tức còn Tân Văn.
 
Tờ Tân Văn lúc đầu in 1500 số, tháng sau giữ ở mức 1200-tháng. Và số xuất bản cứ giữ mãi ở mức độ đó.
 
Sài Gòn Nhỏ có một số độc giả mua năm khắp các tiểu bang. Tiểu bang nào có chi nhánh tờ Sài Gòn Nhỏ thì ở đó hẳn có Tân Văn. Và nay gần đạt đến số báo 100. Dĩ nhiên tuổi thọ của Tân Văn còn thua xa Văn Học đến hơn 100 số với hơn 20 năm. Và nay bà Hoàng Dược Thảo gặp nạn, chẳng biết số phận Tân Văn ra sao. Nếu Tân Văn có chết thì có nhiều người luyến tiếc, trừ tờ Người Việt.
 
Các nhà xuất bản ở Hải ngoại
 
Nhiều nhà xuất bản có tên tuổi trước 1975 thì sau này tái xuất ở hải ngoại. Họ tiếp tục công việc xuất bản như trước đây ở trong nước.
 
Bên cạnh những cố gắng mang tính văn học thì có một số nhà Xuất bản làm những công việc còn lại như lấp đầy các khoảng trống Văn Học vốn có của miền Nam.
 
Thay vào khoảng trống văn học đó, có một số nhà xuất bản như Xuân Thu cho xuất bản liên tiếp nhiều tác phẩm trước 1975. Đặc biệt các tác phẩm của Xuân Vũ như Đường đi không đến. (Hồi ký vượt Trường Sơn, gồm 5 tập). Như Đồng Bằng Gai Góc, Mạng Người Lá Rụng, Đến Mà Không Đến, Xương Trắng Trường Sơn. Tôi nghĩ những tác phẩm của Xuân Vũ được đón nhận nồng nhiệt khi việc di tản còn đang sôi bỏng trong lòng người.
 
Tiếp nối là cuốn Dọc Đường Số 1 của Phan Nhật Nam, Vượt Trường Sơn của Phan Nghị.
 
Sách truyện có cho tái bản cuốn Chú Tư Cầu của Lê Xuyên, một cuốn truyện rất hay và ăn khách ở miền Nam trước 1975.
 
Nhà Đại Nam cũng cho in những tác phẩm cùng loại như: Về R của Kim Nhật, Bóng Tối Đi Qua. Nhà xuất bản thì đâu chỉ in một hai cuốn sách, họ đã tái bản nhiều sách của các tác giả như Duyên Anh, Phan Nhật Nam, Nguyễn Thị Hoàng, Tô Ngọc, Vũ Bằng, Doãn Quốc Sĩ, Hoảng Hải Thủy, Nguyễn Thị Vinh, Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương vv.(30)
 
Còn có một nhu cầu nữa là nhu cầu học hỏi để giao tiếp. Vì thế, sách Tự điển đủ loại đã được in lai cho nhu cầu hội nhập với xã hội bên Mỹ mà không có phép của tác giả. Nạn nhân là những người như ông khai Trí.
 
Những bộ tự điển do nhà sách Khai Trí đã mua đứt bản quyền nay được in lại công khai, cướp công của người chủ các bộ tự điển đó.
 
Sau đây, xin trích Thông báo sau đây của ông Khai Trí:
 
‘Tôi là Nguyễn Hùng Trương, nguyên là chủ nhà sách và nhà xuất bản Khai Trí 60-62 Lê lợi, Saigon cũ, có soạn và in một bộ tự điển lời hay ý đẹp, dày 1898 trang, các trang trong in hai màu có nhiều phụ bản đẹp, đóng làm hai quyển, chưa gởi bán ở nước ngoài. Nay được biết có người in lại bộ sách trên tại Mỹ, ruột một màu và không phụ bản bày bán ở Mỹ và nhiều nhà sách ở hải ngoại. Tôi thông báo để quý vị độc giả khỏi mua lầm bộ sách in lậu’. (31).
 
Nhiều tác phẩm khác của các nhà văn thường còn bị kẹt ở lại trong nước, sách của họ đã được tái bản mà không được đền bù một đồng xu teng nào..
 
Nói chung, do nhu cầu mà một số sách vở ở miền Nam trước 1975 đã được in lại.
 
Nguyễn Văn Lục
(Mời xem tiếp  phần sau ở bài  kế tiếp)

(1) Huỳnh Như Phương vốn là hoc sinh và sinh viên Văn Khoa, ban Triết Sàigon trước 1975. Nay đỗ Tiến Sĩ và giảng dạy đại học Tổng Hợp, Tp Hồ Chí Minh . Ông có ý hướng muốn có sự cải tổ giáo dục hiện nay và mong tiến đến một nền tự trị đại học. Có tự trị đại học là có con đường mở ra cho Văn Học miền Nam trước 1975 có sơ sống dạy.

(2) Xem thêm Nguyễn Thị Ngọc Nga với bài : Sự hiện diện của triết học và văn học hiện sinh ở đô thị miền Nam 1954-1975 trong vietvan.vn, Khoa viết văn. Bao chi

(3) Trích Thư quán bản thảo : Chủ đề Khởi Hành và tôi, số 62, tháng 12-2014

(4) Xem thêm bài viết của tác giả : Sách cũ miền Nam.

(5) Xem thêm Nguyễn Văn Lục, Mảnh đất chuồi.

(6) Lấy lại ý của luật sư Đoàn Thanh Liêm tròng bài điểm sách cuốn Europe’s promise

(7) Trích báo Nhân Dân ngày 26- 6- 1976

(8) Xem Trần Trong Đăng Đàn trong Văn Hóa, Văn Nghệ Nam Việt Nam

(9) Cuốn De Gaulle, mon père, do Philiipe De Gaulle viết, trang 359

(10) Philippe De Gaulle, Ibid, trang 351. Si vous touchez à un seul de nos monuments publics, pas un Allemand ne survivra.

(11) Xem thêm bài viết Nguyễn Văn Lục : Phê phán cuốn Cuộc xâm lăng về Văn hóa và Tư tưởng của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam

(12) Trích Bảo Ninh, Hà Nội lúc không giờ, trang 83, nxb Văn Hóa Thông Tin, 2002.

(13) Thụy Khuê : Văn Học miền Nam 1954-75 theo cách nhìn của Vương Trí Nhàn hôm nay. RFI, ngày 14 và 21-6-2008

(14) Sau 1975, ông vào miền Nam, tìm gặp Nguyễn Văn Trung và thú nhận lúc đó phải viết như vậy chứ không có ác ý gì..

(15) Trích phỏng vấn của Thụy Khuê, Ibid

(16) Trích Hồi Ký của Nguyễn Hiến Lê, Lời của nhà xuất bản, trang 7

(17) Trích Hồi Ký Ibid, trang9

(18)Sách của Sơn Nam như Hương rừng Cà Mâu, Bến Nghé, xưa, Đất Gia Định xưa, Cá tính miền Nam, Đồng bằng sông Cử Long, Nét sinh hoạt xưa, Người Saigon. Phần Vương Hồng Sển thì có cuốn Tiếng nói miền Nam, Khám lớn Sài gòn cũng được tái bản.

(19) Xem thêm Nguyễn Văn Lục, 20 năm sách dịch miền Nam Việt Nam

(20) Nhật Tiến, Một thời như thế.

(21) Xin đọc thêm bài viết của tác giả nhan đề Sách cũ miền Nam, có đề cập đến trường hợp ông Khai Trí.

(22) Chính người viết có ba cuốn sách giáo khoa, mỗi cuốn in 2000 cho vừa đủ dùng trong một năm và thường tái bản mỗi năm.

(23) Trích Trần Hoài Thư, Vài suy nghĩ về hiện tượng văn chương nữ giới thời chiến, trong Thư Quán Bản Thảo, trang 9, số 61, tháng 10-2004.

(24) Tin Sang, số ra ngày i-8-1976

(25) Duong Hoang Dung, Munich, 20.02.2012, trong Tu sach Tieng Que Huong.

(26) Vũ Hạnh, Mấy ý nghĩ về Văn Nghệ thực dân mới, tuần báo Đại Đoàn Kết

(27) Số liệu trên so với số sách đươc in ra bên Pháp dĩ nhiên thật khiêm tốn. Vào năm 2013, hơn 500 triệu cuốn sách đã được in ra. Nhưng hơn 100 triệu cuốn phải hủy bỏ vì không bán đượcm để dành chỗ cho sách mói ra đời.

(28) Léon Vandermeersch, Pref ace, Viet Nam: Văn Hóa và Môi trường, Lê Hữu Mục, Thái Công Tụng,, Viện Việt Hoc., 2012

(29) Xem, bài viết của tác giả,, Báo chí Việt Nam hải ngoại, thập niên đầu tiên.. trong Tân Văn số 1, tháng 8 -2007

(30) Theo nhà văn Nhật Tiến, trong Mưa Xuân, nhà văn Nhật Tiến đã tố cáo nxb Đại Nam bần tiện và trí trá, vì sau khi tái bản sách không xin phép đã chỉ gửi về VN cho các tác giả 200 đô la, tệ hơn nữa chỉ là những gói quà.

(31) Trích Nhật Tiến, Một thời như thế trang 117

Nguồn: https://tiengquehuong.wordpress.com

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com