Trong tiếng Việt có nhiều chữ để chỉ dòng nước chảy giữa đôi bờ từ nguồn, nhập vào một dòng nước lớn hơn, hoặc chảy đến vào một hồ nước to lớn, hoặc chảy ra biển:
“hà”, “giang”, “rạch”, “suối”, “kinh” và “sông”. Sông là tiếng Việt thuần, còn hai từ hà và giang là từ Hán Việt (HV), được dùng nhiều và trở nên thông dụng. Ông Lê Văn Đức (3) và Đào Duy Anh (1) cho ta những từ và nghĩa liên quan đến “hà, giang, và sông.”
“hà”, “giang”, “rạch”, “suối”, “kinh” và “sông”. Sông là tiếng Việt thuần, còn hai từ hà và giang là từ Hán Việt (HV), được dùng nhiều và trở nên thông dụng. Ông Lê Văn Đức (3) và Đào Duy Anh (1) cho ta những từ và nghĩa liên quan đến “hà, giang, và sông.”
• Hà
Tiếng HV, hà có nhiều nghĩa. Một trong những nghĩa đó là “sông rạch”.
Trên trời, chúng ta có Sông Ngân hay Ngân Hà: sông màu bạc chỉ dải mây trên trời giống hình dòng sông. Có màu bạc nhờ ánh sáng của những vì sao. Ca dao có câu:
Đêm đêm tưởng dải ngân hà
Chuôi sao tinh đẩu đã ba năm tròn.
Theo truyền thuyết, đây là dòng sông chia cách Chức Nữ, Ngưu Lang. Tục truyền rằng sao Chức Nữ là Thiên Tôn Nữ được gả cho Khiêu Ngưu, một vì sao khác. Hai sao nầy mỗi năm, chỉ có một lần, vào ngày Mồng 7 tháng Bảy âm lịch, nhờ chim khách bắc cầu để qua sông Ngân và gặp nhau:
Xưa kia ai biết ai đâu
Bởi chim ô Thước bắc cầu qua sông.
Ngày nầy trong lịch Á Đông còn gọi là ngày thất tịch.
Sông Ngân Hà (dùng theo thói quen) dùng nghĩa bóng, để chỉ sự cách trở của những kẻ yêu nhau mà không được gặp nhau.
Kế đến, từ “sơn hà” hay “núi sông” dùng chung như danh từ ghép, chỉ đất nước, quốc gia. Ca dao có câu:
Ghé vai gánh đỡ sơn hà,
Sao cho rõ mặt mới là trượng phu.
Nhưng khi muốm chỉ núi non và sông rạch như một yếu tố thiên nhiên mà thôi, người ta dùng từ “sơn xuyên”.
Ở miền Bắc Việt Nam (VN) chúng ta có Sông Hồng hay Hồng Hà. Đôi khi, từ đôi nầy được dùng theo thói quen là “sông Hồng Hà”.
Rồi chúng ta có “hà biên” hay “hà ngạn” là bờ sông; “hà công”: công trình hay việc làm liên hệ đến sông rạch; “hà châu”: bãi sông; “hà đê”: bờ đất đấp theo ven sông để chận lũ lụt; “ hà hệ” và hà lãnh: hệ thống sông ngòi và lãnh vực đất đai trong hệ thống đó; “hà khẩu”: tức cửa sông hay nơi sông chảy ra biển (còn gọi là cửa biển); “hà vận”: sự chuyên chở trên sông (như không vận là chuyên chở bằng phi cơ, và lộ vận là chuyên chở bằng đường bộ).
Tất cả những từ trong ngoặc kép, vừa kể ít thấy dùng trong văn chương. Riêng từ “Hà Bá” là thần sông thì rất nhiều người biết. Họ biết không phải vì sợ thần sông, nhưng biết nhiều vì “hà bá” là một tiếng mắng (chửi) thường được dùng đến. Có lẽ hai chữ Ngân Hà và hà bá là thông dụng nhất trong văn nói cũng như văn viết.
Câu tục ngữ “Nhứt phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá” dùng để chỉ hai nghề mà người ta cho là hậu vận không khá. Đó là nghề đốn cây rừng và nghề đánh cá.
Trong động vật có con “hà mã”. Nó không phải “ngựa nước” mà là “trâu nước”, rất to lớn. Trên những dòng sông lớn ở Nam Mỹ và Phi Châu có nhiều hà mã cư trú. Chúng to lớn, da dầy và nặng hơn trâu VN rất nhiều. Thoạt trông thì chúng có vẻ rất hiền. Nhưng khi chúng tấn công những ghe thuyền nhỏ đi gần chúng (mà không biết) thì những người trên thuyền khó thoát chết.
• Giang
Giang cũng có nhiều nghĩa. Ở đây chúng ta chỉ chú trọng đến nghĩa sông mà thôi. Cả hai quyển: Hán Việt Tự Điển (1), và Việt Nam Tự Điển (3) đều ghi: Giang là sông lớn. Miền Trung Việt Nam có Hương Giang, miền Nam, có Tiền Giang và Hậu Giang là những tên sông quen thuộc của dân ta. Về phương diện lịch sử thì Bạch Đằng Giang, Lô Giang, Sông Gianh, Sông Bến Hải, mỗi sông đã đánh dấu một sự kiện đặc biệt trong tiến trình của dân tộc ta.
Liên hệ đến từ giang, chúng ta có “giang sơn” hay “sông núi” để chỉ địa hình địa vật của một nước, và của quốc gia. “Giang sơn cẩm tú” chỉ đất nước đẹp đẽ như gấm vóc, lụa là. Tôn Thọ Tường khi than vãn về số phận của VN có viết:
Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây
Non nước vì ai đến nỗi nầy.
Ngoài ra giang sơn cũng còn có nghĩa là nhà cửa, sự nghiệp. Ca dao có câu:
Lấy chồng phải gánh giang sơn nhà chồng.
Cũng thời dùng danh từ “sơn” cho núi, khi đi đôi với “hà” thì sơn đứng trước, nhưng khi đi với “giang” thì sơn đứng sau. Sao lại có chuyện nầy thì xin để các nhà ngữ học giải thích.
Khi dùng giang và hà như một từ ghép, “giang hà” chỉ chung sông rạch hoặc các đường nước. Ca dao có câu:
“Cái sông giang hà chỗ cạn chỗ sâu” (3)
Cũng như hà ngạn bên trên, chúng ta có “giang biên” là bờ sông. Thêm vào còn có “giang đình” hay “giang lâu” là ngôi nhà mát dựng ở ven sông trên mặt nước, không vách, còn gọi là nhà thủy tạ. Chúng ta cũng có “giang khẩu” là cửa sông chỗ giáp biển, hay cửa biển cũng vậy. “Giang tâm”: giữa dòng sông; “giang tân”: bến ghe thuyền đậu theo ven sông. Các từ vừa kể trong đoạn nầy ít thông dụng, mặc dầu giang tân có ghi trong truyện Kiều:
Quanh co theo dải giang tân
Khỏi rừng lau, đã tới sân Phật đường.
(Sư Giác Duyên dẫn Kim Trọng và gia đình Thúy Kiều đến nơi Kiều cư trú, sau khi Kiều được vớt lên khỏi sông Tiền Đường.)
Thêm vào chúng ta có các từ sau đây thông dụng hơn. “Giang đỉnh” hay “giang thuyền” là những tàu nhỏ của thủy quân dùng trong các sông rạch. “Trường giang”: sông dài, được dùng nhiều trong văn thơ, sẽ nói thêm ở một đoạn sau.
“Giang đầu” hay nguồn sông, có nghĩa bóng chỉ nơi xa xôi. Trong bản nhạc “Chiều Mưa Biên Giới” của Nguyễn Văn Đông có câu:
Chiều mưa biên giới anh đi về đâu?
Em còn đứng ngóng nơi giang đầu”.
Ngoài ra trong thơ cổ T.H. có bài thơ rất nổi tiếng liên quan đến từ giang đầu.
Quân tại Tương Giang đầu
(Chàng tại đầu sông Tương)
Thiếp tại Tương Giang vĩ
(Em tại cuối sông Tương)
Tương tư bất tương kiến
(Nhớ nhau, nhưng không thấy nhau).
Đồng ẩm Tương Giang thủy
(Cùng uống nước sông Tương)
Theo tác giả “Nhà Giáo” (10) thì bốn câu thơ trên là đoạn 2 của bài Trường Tương Tư, tác giả là Lương Ý Nương đã viết vào thế kỷ thứ 10. Nàng viết để tả sự tương tư người yêu là Lý Sinh khi hai người phải xa nhau. Nàng dùng Tương Giang, một con sông chảy vào hồ Động Đình thuộc tỉnh Hà Nam ở Trung Quốc, để làm bối cảnh cho bài thơ thương nhớ. Nhờ bài thơ nầy mà nàng Lương và chàng Lý được nên duyên nợ. Cũng trong bài vừa nói, Nhà Giáo còn có ghi thêm hai đoạn khác của bài thơ Trường Tương Tư và cả bài thơ do ông dịch. Tôi xin chép lại đây để chúng ta cùng đọc.
Nhân đạo Tương Giang thâm
Vị để tương tư bán
Giang thâm chung hữu để
Tương tư vô biên hạn...
Mộng hồn phi bất đáo
Sở khiếm duy bất tử
Nhập ngã tương tư môn
Tri ngã tương tư khổ
(Sông Tương ai kể rằng sâu
So sao bằng nửa nỗi sầu nhớ nhung
Sông sâu tận đáy là cùng
Còn niềm thương nhớ lại không bến bờ...
Hồn sao bay tới giấc mơ
Chỉ còn mỗi cách qua bờ tử sinh
Bước vào ngưỡng cửa duyên tình
Khổ đau tiếc nhớ riêng mình biết thôi)
Thêm vào, còn có “giang khê” là sông và khe nước hay sông lạch ở miền núi. Ca dao có câu:
Chàng đi cho thiếp theo cùng
Giang khê thiếp lội, núi đèo thiếp leo.
Có một từ đặc biệt trong tiếng Việt là từ “quá giang”. Nguyên ngữ “quá giang” có nghĩa “qua sông” bằng cách đi nhờ đò, hay ghe của người khác. Quá giang cũng dùng đến khi đi nhờ từ nơi nầy đến nơi khác bằng thuyền. Không hiểu tự bao giờ, chữ (từ) “quá giang” được dùng cho việc đi nhờ bằng xe. Ngày nay thì quá giang chỉ có nghĩa là đi nhờ thôi, thuyền hay xe gì cũng được. Nhưng nếu quá giang thường quá thì nên đóng góp tiền xăng cho vui cả hai bên.
Từ “giang hồ” liên hệ đến sông được dùng nhiều nhất và có nhiều nghĩa nhất. Nghĩa đen là sông và hồ. Theo học giả Đào Duy Anh (1), “giang hồ” là Tam Giang và Ngũ hồ, chỉ chỗ ẩn dật và cũng có nghĩa là không có chỗ cư trú nhất định. Nghĩa bóng là “rày đây mai đó” như trong từ ghép “khách giang hồ”. Truyện Kiều cũng có vài câu dùng từ giang hồ theo nghĩa nầy:
Tiếc thay lưu lạc giang hồ,
Nghìn vàng thật cũng nên mua lấy tài.
(đây là lời của Thúc Sinh nói với Hoạn Thư về nàng Kiều.)
Hoặc:
Giang hồ quen thói vẫy vùng,
Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”
(Hai câu nầy tả nhân vật Từ Hải.)
Trong bài “Đời Vắng Em Rồi” thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã viết:
Thôi rồi tay nắm tay lần cuối
Chia nẻo giang hồ vĩnh biệt nhau.
Trong các truyện kiếm hiệp, những kẻ rày đây mai đó, hay ra tay hành hiệp giúp người
cô thế được gọi là khách giang hồ. “Chốn giang hồ” là thế giới của khách giang hồ, thường là chỗ có nhiều tranh chấp hơn thua, thù hận, và có những hành vi gây thương tích, bắt cóc, hay thiệt mạng người. Chốn giang hồ có nhiều trong xã hội Trung Hoa (TH) thời xưa khi mà những người có tài trí (mưu lược) hay võ nghệ thường tự thi hành pháp luật theo ý riêng của mình, hay của nhóm mà họ theo. (tiếng Anh gọi là “take the laws into your own hands.”). Xã hội của luật lệ theo kiểu “giang hồ”, là xã hội loạn lạc.
Nhưng từ “gái giang hồ” lại chỉ các cô ăn sương hay gái làng chơi. Tục ngữ có câu sau đây:
“Gái giang hồ gặp trai tứ chiếng”.
Tứ chiếng là lưu lạc nhiều nơi, biết nhiều, từng trải qua nhiều lối sống, sành đời. Ca dao cũng có câu:
Trai tứ chiếng, gái giang hồ,
Gặp nhau làm nổi cơ đồ cũng nên.
• Rạch, suối, và kinh
Nhiều sông nhỏ ở vùng đồng bằng Cửu Long mang tên chung là rạch. Đặc biệt ở tỉnh Bến Tre, những sông con nào chảy vào các nhánh chánh của sông Tiền Giang đều mang tên rạch như: Rạch Bến Tre chảy ngang chợ tỉnh, Rạch Giồng Trôm, chảy ngang qua quận lỵ Giồng Trôm v.v...
- Suối là những khe nước nhỏ chảy ở miền đồi núi. Trong văn thơ, suối được thơ mộng hóa nhiều hơn rạch.
Rừng xa lảnh lót tiếng gà
Tỉnh ra ta lại cùng ta xuống đèo
Ra về suối chảy về theo
Về nghe con suối cứ reo trong hồn. (8)
- Kinh là những đường nước nhân tạo nối liền các sông rạch với nhau. Kinh thường được tạo ra với một vai trò đặc biệt, thường là vai trò nối các đường giao thông thiên nhiên với nhau để có một hệ thống giao thông đường thủy to rộng hơn và tiện lợi
hơn. Hệ thống kinh ở Âu Châu, Bắc/ Đông Bắc Hoa Kỳ, và ở đồng bằng Cửu Long là những thí dụ cụ thể về vai trò của kinh rạch trong giao thông, và kinh tế.
- Sông trường hợp chỉ định rõ, sông là từ dùng chung để chỉ những dòng nước, trên đó con người có thể lưu thông được trên một đường khá xa.
Trong lịch sử phát triển của nhân loại, sông đóng vai trò hết sức quan trọng. Trên phương diện địa lý nhân văn và kinh tế, bằng chứng của sự quan trọng nầy sẽ còn
mãi với thời gian. Hầu hết những thành phố lớn trên thế giới đều nằm cạnh, hoặc cả hai bờ của một con sông lớn.
Ở VN: Hà Nội, Huế, Sàigon đều nằm vào trường hợp đó. Ngay cả địa điểm của các tỉnh lỵ hay quân lỵ cũng ở vào trường hợp như vậy. Lý do thật đơn giản: từ ngàn xưa và cho tới thời cận đại, lúc chưa có cơ giới để chạy tàu thuyền, và hệ thống đường bộ không phát triển vì chưa có xe hơi, sông là phương tiện giao thông tiện lợi do thiên nhiên cung cấp.
Cũng ở VN, con sông được nói đến nhiều nhất là sông Cửu Long (gồm Tiền Giang và
Hậu Giang) hay còn có tên quốc tế là sông Mékong. Con sông nầy được các nhà địa dư, kinh tế, môi sinh và các kỹ sư thủy học liệt vào sông quốc tế vì từ nguồn đến biển, nó đã chảy qua nhiều quốc gia khác nhau: Trung Hoa, Myanmar (Miến Điện cũ) Lào, Thái Lan, Cam Bốt và Việt Nam. Tên của nó cũng thay đổi theo những nước đó theo thứ tự vừa kể bên trên: River of the Stone (Lancang Jiang), Dragon Running River, Turbulent River, Mother River Khong, Big Water và The Nine Dragons (5).
Tất cả những tên nầy là tên dịch từ tiếng địa phương ra tiếng Anh như trường hợp Nine
Dragons là dịch từ chữ Cửu Long của Việt Nam. Tiền Giang chảy ra Thái Bình Dương bằng 6 giang khẩu (cửa biển): Tiểu, Đại, Ba Lai, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu; Hậu Giang với 3 giang khẩu: Định An, Ba Thắt, và Tranh Đề. Danh xưng Cửu Long phát xuất do chín giang khẩu nầy.
Việc khai thác và sử dụng sông Mékong thế nào cho đem lợi ích cho tất cả các quốc gia liên hệ là một vấn đề hết sức phức tạp. Liên Hiêp Quốc đã chỉ định một Ủy Ban đặc trách về việc nầy. Tuy nhiên sự hợp tác giữa các nước liên hệ còn tùy thuộc nhiều yếu tố khác nhau, trong đó yếu tố chánh trị đóng vai trò rất quan trọng. Nếu nhà cầm quyền của một quốc gia, thuộc vùng ảnh hưởng của lưu vực Cửu Long, không biết tranh đấu cho quyền lợi của dân tộc mình trong việc khai thác dòng sông, thì tai hại, mà dân chúng của nước đó gánh nhận, không biết kể sau cho xiết. Những điều trên không thuộc phạm vi của bài nầy, xin độc giả nào muốn biết thêm, có thể vào thư viện mượn sách hay mua quyển Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng (tác giả: Ngô Thế Vinh), hoặc đọc Tạp chí Đi Tới số tháng 7, 1999 và số tháng 12, 2000; hay dùng internet vào những mạng lưới toàn cầu, tìm mục “Ủy Ban Phát Triển sông Mekong (Mekong River Commission.)
• Sông trong âm nhạc và trong văn thơ VN.
Vào thập niên 1950 có ban nhạc mang tên “Sầm Giang” do nhạc sĩ Trần Văn Trạch điều khiển. Sầm Giang là tên của một nhánh sông chảy vào Tiền Giang thuộc tỉnh Mỹ Tho. Dòng Sầm Giang nổi tiếng nhờ có nhiều cảnh đẹp.
Ngoài ra, trước đó khoảng một thập niên, cũng từ nơi nầy đã phát xuất ra “Tao Đàn Sầm Giang”, một thi đàn gồm nhiều thi sĩ nổi tiếng.
Ông Nguyễn Văn Bá, người sáng lập ra Tao Đàn nầy, gốc Huế, cưới vợ người Sầm Giang (cô của ông Trần Văn Trạch) và đã nhận Sầm Giang làm quê hương thứ hai. Ông là chủ biên báo Thần Chung (2).
Vùng đất ven Sầm Giang nổi tiếng ở tỉnh Mỹ Tho vì có nhiều nhân tài sinh ra ở vùng nầy như các nhạc sĩ Trần Văn Trạch, Trần Văn Khê, Nguyễn Mỹ Ca, Hàng Thuận Đặng v.v.; và có nhiều nhân tài ghé thăm thắng cảnh ở đây như các ông Phạm Quỳnh (chủ Bút Nam Phong), thi sĩ Trúc Phong Hà Tiên và những thi sĩ, văn nhân nổi danh khác trong Tao Đàn Sầm Giang (theo Đặc San Tiền Giang số xb năm 1993, trích lại sách của nhà khảo cứu Huỳnh Minh (2)).
Gần đây, những cựu giáo sư, học sinh và các thân hữu của các trường Trung Học Tăng Bạt Hổ, Bồ Đề, Bồng Sơn và Bán Công Tam Quan (trước 1975) ở hải ngoại có đóng góp vào văn chương Việt Nam tại hải ngoại qua đặc san “Lại Giang”. Lại Giang là tên của một con sông ở phần Bắc của tỉnh Bình Định. Cả hai Đặc San Tiền Giang và Lại Giang trong thập niên 90, và 00 đã đóng góp được nhiều số với nhiều bài có giá trị đặc biệt liên quan đến quê hương Việt Nam.
Đối với một số văn, thi nhân và nhạc sĩ, sông là nguồn cảm hứng của họ vì vẻ đẹp thiên nhiên của dòng nước và của phong cảnh ở ven sông. Bến nước, bến đò hay các giang cảng là nơi đón mừng người phương xa đến với chúng ta, hay tiễn người
thân yêu xuống thuyền ra đi đến một chân trời xa lạ vì một lý do nào đó. Đi xa hơn, các nghệ sĩ đã dùng những hình ảnh liên hệ đến sông để diễn tả sự chia ly, mong nhớ hay cái buồn man mác của cảnh hoàng hôn trên sông vắng v.v...
- Sông trong âm nhạc
Nhạc sĩ Phạm Duy trong bản Bên Cầu Biên Giới đã nói lên cái buồn man mác với những hình ảnh thật phong phú về sông,dòng nước, mây núi, và chiếc cầu:
Ngừng đây soi bóng bên dòng nước lũ,
Cầu cao nghiêng dốc trên giòng sông sâu...
Tôi lặng nghe dòng đời từ từ trôi. Sông nước xa xôi;
Mây núi khắp nơi, không tỏ một đôi lời.
Ôi giấc mơ qua, mộng lòng phiêu lãng giang hồ.
Sống trong lòng người đẹp Tô Châu.
Hay là chết bên giòng sông Danube,
Những đêm sáng sao...
Trong bản Thuyền Viễn Xứ, Phạm Duy dùng ý thơ của Bùi Huyền Chi để tả cảnh chia ly:
...Làn mây hồng pha ráng trời,
Sóng Đà Giang, thuyền qua xứ người.
Thuyền ơi Viễn Xứ xa xưa...
Quay lại hướng nào, Đà Giang lệ ướt nồng...
Lũ thùy dương rũ bóng ven sông.
Chiều nay trên bến muôn phương.
Có thuyền Viễn Xứ nhổ neo lên đường.
Ngoài sông ra, nhạc sĩ họ Phạm còn viết chung với nhạc sĩ Văn Cao, về con suối mộng mơ trong bản Suối Mơ.
Suối mơ, bên rừng thu vắng,
Giòng nước trôi lững lờ ngoài nắng...
Suối ơi! Ôi nguồn yêu mến
Còn ghi khi bóng ai tìm đến...
Suối hát theo đôi chim quyên.
Từng hẹn mùa xưa cùng xây nhà bên suối.
Nghe suối róc rách trôi hoa lừng hương gió ngát...
Suối ơi! Nghe rừng heo hút.
Giòng em đưa lá khô già trút...
Với suối xưa trôi nơi đâu.
Trúc Phương cũng viết về sông, nhưng ngang qua hình ảnh của cô lái đò. Trong bản Đò Chiều, với câu chuyện kết thúc trong hạnh phúc, ông viết:
Một ngày nào trên bến cô liêu,
Xóm bên sông tiêu điều
Buồn hắt hiu mây chiều,
Đò của người thôn nữ chờ đưa người viễn xứ
Đi muôn nơi xa xôi...
Nhớ anh từ dạo ấy...
Và chiều nay trên bến cô liêu...
Giọng hát vui sông chiều,
Tình của người thôn nữ vừa trao người viễnxứ.
Trên sông xưa mênh mông, đôi bóng đẹp đôi.
Trong bản Thuyền Trăng, Nhật Bằng và Thanh Nam mượn con thuyền để nói về giòng sông:
Thuyền trôi triền miên trên sông nhịp nhàng...
Bờ xa âm thầm làn sóng luyến thương...
Thuyền trôi chèo nghiêng trên sông lặng lờ...
Lắng nghe sông buồn dạo khúc hoan ca.
Thuyền hỡi nhớ về cùng bến mong chờ.
Nhiều nhạc sĩ đã dùng từ “qua sông” hay “sang sông” để nói lên nỗi lòng của các chàng trai khi người yêu đi lấy chồng.
Y Vũ & Nhật Ngân trong bản Tôi Đưa Em Sang Sông:
Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm...
Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần.
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim...
Hôm nao em sang ngang?
Bằng xe hoa hay con thuyền...
Nàng đã thay một lối về,
Quên cả người trong gió mưa.
Trong bản Chim Đa Đa (tác giả?) có câu:
Tình cờ tôi gặp lại em,
Ta đi chung trên một chuyến đò,
Con đò chiều đưa khách sang sông.
Tình cờ ta nhận ra nhau,
Nghe mênh mông như chuyện hôm nào,
Để đò chiều sóng vỗ lao xao.
Hôm cô dâu sang nhà chồng,
Qua sông trên con đò hồng,
Mà giọt buồn nhỏ ven sông
Ầu ơ... có con chim đa đa...
- Sông trong văn thơ
Ca dao có một số câu thơ sau đây về sông:
Phụ đây đây chẳng có lo
Cầu gãy còn đò, giếng gãy còn sông.
Sông sâu còn bắt nhịp cầu
Sông dài biết tỏ lòng sầu cùng ai.
Sông dài biển rộng trời cao
Công ơn cha mẹ ngày nào trả xong.
Dò sông dò biển khó dò
Nào ai lấy thước mà đo lòng người.
Cũng như nhạc sĩ, có nhiều thi sĩ đã mượn dòng sông và những gì liên hệ, trực tiếp hay gián tiếp, để diễn tả nhiều tâm trạng khác nhau. Chúng tôi chỉ kể ra đây một ít ví dụ mà thôi.
Thi sĩ Quang Dũng tả một số địa danh ở miền Bắc trong ấy có sông Đáy:
Sông Đáy chậm nguồn quanh Phủ Quốc
Sáo diều khuya khoắc thổi đêm trăng
(bài Đôi Mắt Người Sơn Tây.)
Hoặc:
Khói thuốc xanh dòng khơi lối xưa,
Đêm khuya sông Đáy lạnh đôi bờ...
Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã diễn tả về con sông, dòng suối, và nhiều chi tiết của câu chuyện, trong cùng một bài thơ, bài Chùa Hương.
Hôm nay đi chùa Hương...
Thầy mẹ ra đi đò;
Thuyền mấp mênh bên bờ
Em nhìn sông nước chảy;
Em nhìn sông nước chảy;
Đưa cánh bườm lô nhô...
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Thuyền nan vừa lẹ bước,
Em thấy một văn nhân...
Dòng sông nước đục lờ.
Dòng sông nước đục lờ.
Ngâm nga chàng đọc thơ...
Réo rắt suối đưa quanh,
Réo rắt suối đưa quanh,
Ven bờ ngọn núi xanh,
Dịp cầu xa nho nhỏ,
Dịp cầu xa nho nhỏ,
Cảnh đẹp gần như tranh...
Về các sông ở miền Nam chúng ta có một số các bài thơ sau đây. Thi sĩ Ngọc Loan trong bài Bến Tre Thương Nhớ có câu:
Sông dài uốn khúc Cửu Long,
Hàm Luông chia ngả chảy vòng làng tôi...
Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên (NTN) đã dùng cả ba con sông ở Miền Nam: Sông Tiền, Sông Hậu và sông Đồng Nai, để nói lên lòng yêu thương của ông với một cô gái trong bài “Tâm Chung”: (tác giả NTN không có “viết Hoa” các tên sông và địa danh).
Cùng em sông Hậu sông Tiền,
Lia thia quen chậu tình hiền quen khăn...
Vì em là lượng Cửu Long,
Bún khô vẫn gạo Nanh Chồn, Nàng Hương
Vì em là ngọt sông Đồng,
Vàng chua bưởi mễ vẫn bông Biên Hòa...
Đa số các thi sĩ khi nói về sông thường là nói lên sự chia cách. Thi sĩ Nguyễn Bính, trong bài “Cô Lái Đò,” tả sự mòn mỏi chờ trông người yêu:
Xuân đã đem mong nhớ trở về,
Lòng cô gái ở bến sông kia,
Cô hồi tưởng lại ba xuân trước,
Trên bến cùng ai đã hẹn hò.
Nhưng rồi người khách tình xuân ấy,
Đi biệt không về với bến sông...
Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong,
Cô lái đò kia đi lấy chồng...
Cô lái đò kia đi lấy chồng...
Và trong bài thơ “Hai Lòng”:
Lòng anh như biển sóng cồn,
Chứa muôn con nước, ngàn con sông dài...
Hoặc trong bài “Tương Tư”:
Bảo rằng cách trở đò giang,
Không sang là chẳng đường sang đã đành...
Bao giờ bến mới gặp đò?
Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau...
Thi sĩ Trần Dạ Từ dùng dòng sông để diễn tả sự thương nhớ người yêu trong bài “Thuở Làm Thơ Yêu Em”:
Thuở làm thơ yêu em,
Cả giòng sông thương nhớ...
Trong một bài thơ khác, được Phạm Duy phổ nhạc (bản “Thà Là Giọt Mưa Rớt Trên Tượng Đá”), NTN đã viết:
Người từ trăm năm về ngang sông rộng.
Ta ngoắc mòn tay,
Chỉ thấy sông lồng lộng,
Chỉ thấy sông chập chùng...
Bài thơ tả nhiều cảnh trí trên sông nhất có lẽ là bài “Trường Giang” của Huy Cận. Bài nầy tôi thuộc từ lúc học Trung Học, không nhớ trong trường hợp nào. Giờ đây chép lại theo trí nhớ, hy vọng chép đúng.
Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp
Con thuyền xuôi mái, nước song song
Thuyền về nước lại sầu trăm ngả
Củi một cành khô lạc mấy giòng.
Lơ thơ cồn nhỏ gió đìu hiu
Đâu tiếng làng xa vãng chợ chiều
Nắng xuống trời lên, sầu chót vót
Sông dài trời rộng, bến cô liêu.
Bèo giạt về đâu hàng nối hàng
Mênh mông không một chuyến đò ngang
Không cầu gợi chút tình thân mật
Lặng lẽ bờ xanh tiếp bãi vàng.
Lớp lớp mây cao chùm núi bạc
Chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa
Lòng quê dờn dợn vời non nước
Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.
TS Nguyễn Hữu Phước
Tài liệu tham khảo:
1. Đào Duy Anh (1957). Hán Việt Từ Điển. Trường Thi xb., Saigon, VN.
2. Huỳnh Minh (1970) . Định Tường Xưa và Nay. Đại Nam xb, Glendale, California
3. Lê Văn Đức & Lê Ngọc Trụ (1970). Việt Nam Tự Điển. Khai Trí xb., Saigon, VN
4. Nguyễn Hoài Thương (1993). Thơ Tình Chọn Lọc. Khai Trí xb., Westminster, CA.
5. O’ Neill, T. (1993). “The Mekong, A haunted river’season of peace” The National Geographic Society. Washington D.C.
6. Phạm Duy (?) Giọt Lệ cho Tình Ta. Bốn Phương xb., Glendale CA.
7 . ? ? Những Ca Khúc Một Thời Vang Bóng. Bốn Phương xb, Glen. CA.
8. ? ? (1996). Dân Ca va Quê Hương. Xuân Thảo xb., Westminster, CA .
9. Đặc san Lại Giang 1993. Fountaine Valley, California.
10. Đặc San Tiền Giang, 1996-2000. California.
11. Đặc San Kỷ Niệm Khóa 2 Trung Học Kiểu Mẫu Thủ Đức “30 Năm Tìm Về”, 1972-2002, Úc Châu.