Hội nghị càng lúc càng trở nên rộn rịp khi đến phiên đại diện Tứ Linh như Rồng, Phượng Hoàng, Kỳ Lân nói về Tứ Linh trong đời sống tinh thần của loài người. Các đại biểu động vật trên thế giới thích xem đoàn múa Rồng Guangdong (Quảng Ɖông) múa Rồng Ɖỏ (Xích Long).
Ban Võ Nhạc Huang Feihong trình bày bản con Rồng Ɖỏ bằng nhạc khí thuần túy Trung Hoa. Trống, kèn, đàn cò, phèn la, chập chõa, cái nào cũng ầm ĩ vui nhộn. Màu đỏ là màu hạnh phúc nhưng cũng là màu máu nên đại biểu các động vật có hai cảm giác trái ngược nhau khi thấy Xích Long và ban nhạc mặc thuần áo quần màu đỏ.
Trùn, Rít, Bò Cạp, Sâu Bọ, Cuốn Chiếu nô nức chờ đợi để được nghe về Long tộc. Trùn Ɖất tức Ɖịa Long rất hân hạnh vì dù nhỏ bé, không lông, không vảy, không chân, các anh chị ấy thuộc về đại gia đình Long tộc. Mấy anh chị Bò Sát thấy vậy cũng bắt quàng làm họ. Thế là Long tộc có bà con thân thuộc sống khắp nơi trên địa cầu. Ɖịa Long sung sướng khi nói đến Cụ Rồng một cách trìu mến và kính cẩn. Không ai thấy mặt Cụ Rồng nhưng ông vẫn có tên và hình ảnh đặt ở những nơi tôn nghiêm. Nói đến đây, Ɖịa Long buồn cho số kiếp nhỏ nhoi của mình. Không ai thấy Cụ Rồng, cụ vẫn có tên, có hình dáng uy dũng trong khi Ɖịa Long làm cho đất xốp, mầu mỡ không nghe ai khen một tiếng, lại còn dùng những từ khinh bỉ, đãi bôi. Trẻ nít của loài người xách cuốc đào đất bắt Trùn vỗ béo Gà, Vịt hay làm mồi câu cá.
Một nhạc sĩ Thiền tộc Trung Hoa ngồi trong một góc hội trường đàn bản Rồng Xanh Ẩn Mây Xanh bằng đàn tỳ bà.
Hội trường ồn ào náo nhiệt vì những lời trò chuyện lẫn tiếng cười vui nhộn đắc thắng của các anh chị họ Hầu bỗng trở nên im lặng khi nghe tiếng kèn của nhạc sĩ Dế thông báo đại diện Long tộc đến.
Ɖó là trưởng lão Mãng Xà Xiêm La mang tên khoa học Malayopython reticulatus, gia đình Pythonidae. Trông lão giống Chằn Tinh trong chuyện Thạch Sanh Chém Chằn. Nét mặt lão lạnh lùng. Lão mặc áo quần màu vàng tối hình mắt lưới nên trông không dữ dằn lắm.
Sau phần giới thiệu của một nữ Hải Yến, lão Mãng Xà Xiêm La bước lên diễn đàn không chào hỏi Chủ Tịch Ɖoàn vì lão tự hào về hình dáng, sức mạnh và quan hệ thân thuộc với Cụ Rồng.
***
Thật là một hân hạnh lớn lao đối với tôi, trưởng lão Mãng Xà Xiêm La, được đứng trước quí vị để trình bày về đề tài Rồng: Ɖệ Nhất Tứ Linh. Tôi gốc ở nước Xiêm, chữ Hán không rành, La Tinh, Hy Lạp không thông nên sự hiểu biết về Cụ Rồng rất nghèo nàn. Càng nói càng thán phục loài người. Họ cụ thể hóa mọi việc trừu tượng, không thấy mà vẫn vẽ ra hình và đặt tên.
Hình tượng Rồng thời Lý (Ảnh: chiasekienthuc.net)
Không ai thấy Rồng nhưng vẫn có hình Rồng và tên gọi khắp nơi trên thế giới:
Từ ngàn năm trước người Trung Hoa và Việt Nam rất quí trọng Rồng. Ɖó là một linh vật mình Rắn có nhiều vảy. Khác với Rắn, Rồng có bốn chân. Mỗi chân có 5 ngón có móng vuốt dài và nhọn. Rồng có nhiều liên hệ đến các anh chị Bò Sát. Sấu, Trăn là loài Bò Sát to lớn và mạnh nhất trong các loài Bò Sát.
Hình tượng Rồng vào thời Trần (Ảnh: chiasekienthuc.net)
Rồng tượng trưng quyền uy và sức mạnh vượt bực. Vua là người có quyền hành tuyệt đối trong nước. Rồng trở thành biểu tượng của vương quyền. Mặt vua gọi là Long Nhan. Áo vua mặc gọi là Long Bào. Thân thể của vua gọi là Long Thể. Giường vua nằm là Long Sàng. Vua ở Ɖông Phương độc quyền dùng màu vàng và hình ảnh Rồng đầy đủ 5 móng thêu trên hoàng bào.
Rồng gắn liền với số 9 (Cửu). Ngôi vua là Cửu Ngũ, Cửu Trùng. Người ta cho rằng Rồng có 117 vảy (1 + 1 + 7 : 9). Trong 117 vảy có 81 (8 + 1 : 9) vảy Dương (+) và 36 (3 + 6 : 9) vảy âm (-).
Căn cứ vào Âm Dương Ngũ Hành ta có Thanh Long, Bạch Long, Hắc Long, Xích Long và Hoàng Long.
Rồng tượng trưng cho quyền uy tột đỉnh. Rồng sống trên mặt đất, dưới nước và bay bổng trên không phun nước, gây mưa cho nông dân có nước cày cấy và cũng gây ngập lụt, giông bão phá hại mùa màng.
Trong hình vẽ trên các bình trà, các lọ sành, hình Rồng khắc trên gỗ chỉ thấy Rồng có bốn chân chớ không thấy cánh rồng. Thế mà Rồng vẫn bay được như vua Lý Thái Tổ đã thấy năm 1010 nên mới có địa danh Thăng Long (Rồng Thăng) tức Hà Nội bây giờ.
Từ buổi bình minh lịch sử người Việt Nam tự nhận mình là dòng dõi Rồng Tiên. Không biết khái niệm này có trước người Trung Hoa hay là ảnh hưởng về chuyện Rồng Rắn của người Trung Hoa. Dù sáng tạo hay bắt chước người Trung Hoa, người Việt đã khéo chọn hai cái Nhất trong đời:
- Mạnh nhất trong các Linh Vật là Rồng. Rồng mang lại mưa cho nông dân cày cấy. Ɖó là lợi ích của Rồng. Gây lợi ích hay gây lụt lội và bão tố là dấu hiệu của Dương tính của Cha. Rồng thuộc Dương (+). Sự tin tưởng vào sức mạnh của Rồng đưa chúng ta đến:
* Triết lý tự nhiên dựa vào sức mạnh vì lý của người có sức mạnh bao giờ cũng thắng (La raison du plus fort est toujours la meilleure).
* Xã hội nông nghiệp và trọng nam. Trong công việc đồng áng đàn ông làm việc với năng suất cao hơn đàn bà. Sự biến đổi sinh hoạt kinh tế từ săn thú, câu cá, hái quả sang kinh tế nông nghiệp dẫn đến sự chuyển đổi từ chế độ mẫu hệ sang chế độ phụ hệ và vai trò nam giới trong xã hội. Sự ly dị giữa Lạc Long Quân và bà Âu Cơ phản ảnh trọn vẹn sự từ bỏ nếp sống thiên cư sang nếp sống định cư, kinh tế sơ khai nguyên thủy sang kinh tế nông nghiệp và ngư nghiệp.
* Chế độ phụ hệ. Ɖàn ông cưới vợ. Con cái mang họ của cha. Họ Hồng Bàng trải qua 18 đời vua Hùng Vương. Tất cả đều là nam phái.
- Trên đời không ai đẹp và sướng hơn Tiên
Ɖịa danh Giao Chỉ ám chỉ vùng có nhiều Giao Long (Jiaolong tức Thuồng Luồng, Cá Sấu). Thuồng Luồng là một loài thủy quái gây khủng khiếp cho dân chúng ngày xưa trên châu thổ sông Hồng. Tục xâm mình cho giống loài thủy quái và việc thờ cúng Thuồng Luồng cho thấy sự khiếp sợ của loài người trước loài thủy quái có sức mạnh phi thường. Thuồng Luồng là Rồng dưới nước. Người Nhật gọi là Koryu. Theo truyền thuyết thì Giao (Jiao) phải sống từ 500 năm đến 1.000 năm mới thành Long (Rồng). Long phải mất 1.000 năm mới trở thành Rồng có sừng (Giác Long). Rồng Sừng phải mất 1.000 năm mới có cánh để trở thành Long Phi bay lên không trung.
Hình tượng Rồng vào thời Lê Sơ (Ảnh: chiasekienthuc.net)
Những người con trai của Lạc Long Quân và bà Âu Cơ xuống châu thổ sông Hồng làm nghề nông và chài lưới. Họ phải xâm mình cho giống loài thủy quái với hy vọng không bị hãm hại. Họ cũng ước ao vùng vẫy ngoài biển cả như Cá Sấu, như Rồng để đánh bắt được nhiều cá mà không gặp nguy hiểm vì sóng to gió lớn.
Về hình dáng Rồng Nhật Bản phỏng theo hình dạng Rồng Trung Hoa. Theo người Nhật, Rồng là Rắn khổng lồ, Cá Mập, Cá Sấu và trong chừng mực nào đó là Thủy Thần. Nhật cũng theo quan niệm về Long Vương như Trung Hoa:
1- Long Vương Ɖông Hải.
2- Long Vương Tây Hải.
3- Long Vương Nam Hải.
4- Long Vương Bắc Hải.
Trong huyền thoại Thần Giáo Nhật có chuyện Thần Phong (Gió) và Ɖại Dương Susanoo giết Rắn khổng lồ có 8 đầu và 8 đuôi. Ɖó là Rồng Yamatono-Orochi.
Người Nhật không đồng hóa vương quyền với sức mạnh vô địch của Rồng vì theo đức tin của người Nhật, Nhật Hoàng (Tenno) là con cháu của Thái Dương Thần Nữ Amaterasu-Ōmikami.
Nếu ở Trung Hoa và Việt Nam Rồng được xem là linh vật, là biểu tượng của sức mạnh, của vương quyền, người Ấn Ɖộ gọi rồng là Vritra, là quỷ Asura, một loại thủy quái như Rắn khổng lồ có 3 đầu, 4 chân đầy móng vuốt dài và nhọn với 2 cánh. Rồng trong Ấn Giáo có nhiều tương đồng với Rồng ở các nước ở Trung Ɖông và Âu Châu. Theo huyền thoại của Ấn Giáo, Vritra thường xung đột với Thần Indra. Vritra bị Thần Indra giết chết vì “giam giữ” nước sông, hồ như giam giữ con tin nên gây hạn hán làm hư hại mùa màng.
Huyền thoại Hy Lạp đề cập nhiều đến Rồng. Người Hy Lạp gọi Rồng là Drakon, có nghĩa là Rắn khổng lồ hay Cá Biển to.
Typhon hay Typhaon là loài thủy quái kinh khủng được xem là Rồng trong huyền thoại Hy Lạp.
Typhon là con của Gaia và Tartarus. Các con của Typhon và Echidna đều là thủy quái tàn độc.
Hình tượng Rồng trên gạch mosaic vào thế kỷ thứ III trước Tây Lịchở Kaulon, Nam Ý (Ảnh: stringfixer.com)
Rồng Typhon giao chiến với Thần Zeus, Thần Sấm Sét. Thần Zeus thắng Rồng Typhon nhờ tầm sét. Rồng Typhon là Thần SÉT của Ai Cập. Ɖó là Thần hủy diệt và tàn phá.
Rồng Hydra là con của Typhon và Echidna. Rồng Hydra có nhiều đầu, từ 7 đến 9 đầu và có thể có nhiều đầu hơn nữa. Nếu bị chặt đầu thì nơi vết chặt sẽ có đầu khác mọc lên.
Rồng Python tức Rồng Ɖất, còn gọi là Rồng Delphyne, là kẻ thù của Thần Apollo. Cuối cùng Rồng Python bị Apollo giết chết.
Rồng Colchis là con của Rồng Typhon và Echidna. Rồng có móng và 3 lưỡi.
Rồng Thái Dương Thần Helios: Trên xe chở Thái Dương Thần Helios có hai cánh. Ɖó là hai cánh Rồng v.v.
Rồng cũng được đề cập trong Thánh Kinh. Các Cụ Rồng được mô tả trong Thánh Kinh như loài Rắn to lớn, Cá Sấu, loài thủy quái, tai ương của vũ trụ và quỷ Satan. Rồng được nói đến trong Psalms 74:13, 14; Isaiah 17:1 (Cựu Ước Kinh) và Revelation 12:8-18 trong Tân Ước Kinh. Thánh Michael đã chiến thắng Rồng.
***
Bây giờ tôi xin nói qua vài thân thuộc của Rồng.
Long tộc là một đại tộc. Các anh chị Rắn, Trăn, Cá Sấu, Lươn và cả anh chị Bò Sát có chân hay không chân, có vảy hay không vảy đều là bà con xa gần với đại tộc họ Long. Tôi sẽ lần lượt tóm lược hai thân thuộc nhỏ bé nhất của Long tộc là Trùn Ɖất (Ɖịa Long), Rắn Liu Ɖiu và hai thân thuộc lớn là Trăn và Rồng Komodo.
Trùn Ɖất tức Ɖịa Long là động vật không xương sống; thân hình óng màu hồng, không vi, vảy; đẻ trứng. Tên khoa học của Trùn Ɖất là Lumbricus terrestris thuộc gia đình Lumbricidae. Trùn Ɖất dài lối 10cm. Trùn Ɖất dài nhất thế giới là Trùn Ɖất trên châu thổ sông Cửu Long, mang tên khoa học Amynthas mekongianus dài đến 3m.
Trùn Ɖất (Ɖịa Long) (Ảnh: Wikipedia)
Trùn Ɖất là sinh vật lưỡng tính, nghĩa là có bộ phận sinh dục dương (+) và âm (-). Tên gọi thông thường của Trùn Ɖất là: Earth worm (Anh), Ver de terre (Pháp), Qiuyin (Trung Hoa).
Trùn Ɖất sống bằng xác côn trùng chết, vật nát vụn như lá cây rã rục. Trùn Ɖất thường sống dưới gốc cây phong mật (sugar maple), cây đoạn (basswood), cây tần bì (ash), cây xồi (oak). Lá cây phong mật có vị ngọt. Lá cây xồi có vị mặn. Trùn Ɖất ưa thích hai vị ấy.
Trùn Ɖất có 5 trái tim và có từ 135 đến 150 đốt. Mỗi đốt có lông cứng (bristle), nhờ đó mà Trùn di chuyển và đào đất để sống dưới mặt đất. Trùn Ɖất có nhiều protein, amino acids, sinh tố, chất Fe, Cu, Mg, Zn.
Trùn Ɖất ở Việt Nam và Ɖông Nam Á mang tên khoa học Pheretima asiatica, gia đình Megascolecidae. Người Việt Nam cho rằng đất có nhiều Trùn Ɖất là đất tốt. Người ta đào Trùn Ɖất để làm mồi câu Cá, để nuôi Gà, Vịt và để làm thuốc. Trong Ɖông Y người ta dùng Trùn Ɖất sấy khô để làm thuốc trị bán thân bất toại, cao máu, ho, viêm phế quản, sốt rét.
Rắn Liu Ɖiu mang tên khoa học Takydromus sexlineatus thuộc gia đình Lacertidae. Tên khoa học của Rắn Liu Điu vùng Mã Ɖà, Ɖồng Nai Thượng là Takydromus madaensis.
Rắn Liu Ɖiu (aquasnack.co.uk)
Ɖây không phải là Rắn mà là một thân thuộc của Thằn Lằn, Cắc Kè. Người Anh gọi Rắn Liu Ɖiu là Long-tailed grass lizard (Thằn Lằn Có Ɖuôi Dài). Liu Ɖiu không phải là Rắn vì có 4 chân và đặc biệt có đuôi dài gấp 3 lần thân “Rắn”. Thân “Rắn” Liu Ɖiu trung bình dài lối 10cm trong khi đuôi dài trên 30cm. Các anh Liu Ɖiu có đốm trắng tròn ở hai bên hông. Các chị Liu Ɖiu không có các đốm trắng đó. Giống như Thằn Lằn, Liu Ɖiu bị đứt đuôi thì sẽ có đuôi mọc lên trên vết của đuôi bị đứt.
Ca dao Việt Nam có câu:
Trứng Rồng thì nở ra Rồng
Liu Ɖiu lại nở ra dòng Liu Ɖiu
Trăn hay Mãng Xà hay Nhiễm Xà (Hán-Việt) là Rắn to lớn không có nọc độc, đẻ trứng nhưng ăn thịt động vật. Người Việt Nam phân biệt: Trăn Ɖất nằm khoanh dưới đất, Trăn Núi: Trăn to hơn các anh chị Trăn khác, Trăn Gió: vì bò nhanh như gió thoảng, Trăn Gấm vì có vảy vàng và Trăn Nước vì sống dưới nước.
Trăn hay Mãng Xà Malayopython reticulatus (Ảnh:Wikipedia)
Trăn được tìm thấy khắp nơi trên thế giới, nhất là ở các vùng ẩm ướt có nhiều lau sậy ở Nam Á và Ɖông Nam Á. Trăn Malayopython reticulatus, gia đình Pythonidae được tìm thấy nhiều ở các quốc gia Ɖông Nam Á lục địa lẫn quần đảo. Trăn dài từ 2 - 10m, cân nặng từ 20kg - 150kg. Tuổi thọ tối đa là 25 tuổi. Dòng họ Trăn đẻ trứng. Trăn không có nọc độc nhưng Trăn ăn thịt thú từ loài gặm nhấm, Chim, Chồn, Thỏ cho đến Heo, Nai v.v.. Năm 2017 ở Sulawesi, Indonesia xảy ra việc Trăn ăn thịt một người đàn ông Indonesia!
Trăn có bộ xương rắn chắc. Các anh chị ấy siết mồi bằng cách quấn quanh con mồi và siết chặt con mồi đến chết ngạt.
Trăn theo chế độ mẫu hệ. Một chị Trăn có thể giao tình với nhiều anh Trăn khác nhau. Các chị có thể giữ tinh trùng của các anh Trăn đến mùa ái ân sau. Các chị Trăn đẻ từ 25 đến 100 trứng. Mùa ấp trứng là mùa cực khổ nhất của các chị Trăn vì trứng cần nhiệt độ ấm liên tục để không bị hư nên các chị Trăn phải thường xuyên nằm trong ổ trứng.
Câu Chằn ăn, Trăn quấn của mấy thằng cha Việt Nam nói lên sự lợi hại ghê gớm của Trăn. Vậy mà Trăn bị loài người bắt giam cầm và làm thịt dễ dàng.
Ở Phi Châu người ta dùng Trăn làm thuốc trị bịnh.
Các nhà khoa học cho rằng Trăn mang cho loài người nhiều loại bịnh vi trùng:
- Salmonella : gây sốt, tiêu chảy, chuột rút, ói mửa.
- Chlamydia trachomatis: gây đau nhức âm hộ, đau nhức ngoại thận, đau nhức khi tiểu tiện, đau nhức và có thể xuất huyết khi giao hợp.
- Leptospirosis: gây ra bịnh Well (sốt vàng da ˂hoàng đản˃, bắp thịt đau nhức, v.v.).
Theo y học cổ truyền Việt Nam Trăn có một vị trí đặc biệt trong Nam Y trị liệu pháp:
- Xương Trăn (Nhiễm Xà Cốt) dùng để nấu cao cùng với Hổ cốt giúp cho xương cốt mạnh hơn, trị đau lưng, nhức xương, đau cột sống v.v.
- Máu Trăn (Nhiễm Xà Huyết) bổ máu, tăng cường hồng huyết cầu.
- Thịt Trăn (Nhiễm Xà Nhục) dùng để ăn. Thịt Trăn có tác dụng làm giảm đau nhức, trị yếu sức, nhức mỏi (theo sự tin tưởng của đa số quần chúng).
- Da Trăn (Nhiễm Xà Bì): làm giày, bóp xách của phụ nữ. Trị lở loét miệng, mũi.
- Mỡ Trăn (Nhiễm Xà Cao) dùng để phết vào chân bị nhiễm trùng vì nước bẩn, phết vết trĩ (mỡ Trăn + giấm), trị suyễn v.v.
- Mật Trăn (Nhiễm Xà Ɖởm) dùng để trị chứng co giật, động kinh, trị trĩ (mật Trăn + giấm).
Rồng Komodo: Komodo là một hòn đảo trong quần đảo Indonesia, nơi có một loại bò sát to lớn giống Sấu nhưng thân hình nhỏ hơn, hình dáng xấu xí và thiếu uy dũng của Cá Sấu. Người Indonesia gọi Rồng Komodo là Biawak raksasa, tức là Kỳ Ɖà Khổng Lồ hay Sấu Trên Cạn (Land crocodile).
Rồng Komodo (Ảnh: Wikimedia Commons)
Tên khoa học của Rồng Komodo là Varanus komodoensis thuộc gia đình Varanidae. Rồng Komodo dài trung bình từ 2 - 3m và cân nặng từ 50 - 170kg. Nước miếng của Rồng Komodo có nhiều vi trùng độc. Rồng Komodo cắn gây nhức nhối và tử vong.
Rồng Komodo là động vật bò sát đẻ trứng. Mỗi chị Rồng Komodo đẻ lối 20 trứng dưới một cái hố sâu 9 - 10m do các chị đào để bảo vệ trứng không bị đồng loại hay các động vật khác ăn. Trứng ấp 7 - 8 tháng mới nở ra con.
Rồng Komodo rất dữ và hay gây hấn. Mặt mày các anh chị ấy trông hoang dại lắm: lưỡi dài như hình cây chĩa ba, miệng rộng, da sần sùi trông xấu xí nên không thấy loài người dùng da các anh chị ấy. Từ năm 1996 đến 2020 Rồng Komodo hại 1.400 người. Số thống kê này làm cho loài người bắt đầu lưu ý nhiều đến mấy anh chị dòng Kỳ Ɖà này. Câu: Kỳ Ɖà cản mũi của mấy thằng cha Việt Nam cho thấy họ không ưa dòng dõi Long tộc.
***
Sau mấy trang giấy vừa qua chúng ta thấy các Cụ Rồng và thân thuộc của các cụ đều tỏ ra ít hiền. Như vậy trân quí Rồng tức là trân quí và tôn thờ sự dữ?
Vua ngày xưa tự nhận mình là người dữ, muốn thảo dân khiếp sợ hơn yêu mến mình? Vua tôn quí Rồng thì lại có chuyện Thạch Sanh chém Chằn, Lưu Bang chém Bạch Xà, Thần Indra chém Rồng Vritra, Thần Zeus giết Rồng Typhon v.v. Cromwell giết Rồng Charles I ở Anh năm 1648. Robespièrre giết Rồng Louis XVI năm 1793 ở Pháp. Lenin giết Rồng Nicholas II và gia đình năm 1918. Bấy nhiêu chuyện đủ thấy loài người rắc rối, mâu thuẫn và phức tạp vô cùng.
Người Ɖông Phương quí trọng Cụ Rồng. Vậy mà trong Bát Trân tức tám món ăn quí hiếm vô giá ngày xưa có món Long Can tức Gan Rồng!!
Hình tượng Rồng thời Lê Trung Hưng (Ảnh: chiasekienthuc.net)
Trong ngôn ngữ Việt Nam những chữ Long hay Rồng rất dồi dào, đại khái như: Long án, Long cổn, Long mã (ngựa do Rồng hóa ra), Long cung, Long châu, Long nhan (Long diện), Long gia, Long huyệt, Long câu (Long Mã), Long xà, Long mạch, Long sàng, Long thể, Long vương, Long đầu Xà vĩ (đầu Rồng đuôi Rắn), Long phụ Tiên mẫu (con Rồng cháu Tiên), Long Phượng hoa chúc (đèn cầy đám cưới, một cây chạm hình Rồng ˂chồng ˃, một cây chạm hình Phượng ˂vợ ˃), Long tinh Hổ mạnh (khôn như rồng, mạnh như Cọp), Long vân hội (hội Rồng mây), lưỡng Long tranh châu (hai Cụ Rồng tranh trái châu), Rồng gặp mây, Cọp gặp gió (gặp thời có thuận lợi), Rồng bay Phượng múa (chữ Hán viết đẹp), Rồng đến nhà Tôm (người quyền quí đến nhà người nghèo hèn trong xã hội) v.v.
Long, Lân, Qui, Phượng hay Long, Hổ hay Long, Phượng là đề tài điêu khắc, thêu may, chạm trổ.
Về thực vật học và động vật học có chữ Long (Rồng) hay Draco, Dragon, Drakon như: Long não Cinnamomum camphora, Long nhãn Nephelium longana, Long thảo (tarragon) Artemisia dracunculus, Long đởm thảo (Cỏ Mật Rồng) Gentiana scabra, Long tu (Râu Rồng) Dendrobium gratissimum, Long nha thảo (Cỏ Răng Rồng) Agrimonia pilosa, Long thủ (Nha Ɖam) Aloe vera, Long tu thái (một loại rong biển), Long thụ Camptotheca acuminata (trị ung thư), Long châu quả (trái Thanh Long) Hylocereus undatus, Long cóc (cây sấu trắng) Dracontomelon duperreanum, Long huyết mộc (Dragon tree) Dracaena Draco, Long diên hương (ambergris – chất nhờn như sáp trong ruột cá nhà táng <sperm whale> có mùi cực kỳ khó chịu nhưng được dùng trong kỹ nghệ dầu thơm) v.v.
Trong ngành Tinh Tú Học Tây Phương có sao Draco (Long Tinh) ở viễn Bắc.
Trong Tinh Tú Học của Trung Hoa có sao Thanh Long (Azure Dragon).
Theo Âm Dương Ngũ Hành ta có:
(1) Có nơi xem Kỳ Lân là Hoàng Long (Rồng Vàng) vì Bạch Hổ không nằm trong Tứ Linh.
Mỗi sao chánh có 7 sao nhỏ. Bốn sao lớn có tất cả: 4 x 7: 28 sao nhỏ gọi là Nhị Thập Bát Tú.
Trong 12 con giáp Rồng chiếm năm Thìn sau Thỏ (Mão) và trước Tỵ (Rắn). Trong số Ɖề 40 con có 3 số dành cho Rồng: số 5, số 10 và số 26.
Hình tượng Rồng thời Nguyễn (Ảnh:chiasekienthuc.net)
Năm Thìn là năm Dương (+):
Trong khoa Tử Vi Học có sao Thanh Long, Long Ɖức, Long Trì. Thanh Long gặp Phi Liêm là Rồng Bay, dấu hiệu của sự hanh thông, may mắn. Thanh Long gặp Hóa Kỵ: Rồng ẩn mây xanh, dấu hiệu tốt cho công danh. Thanh Long ngộ Lưu Hà là Rồng gặp nước: rất tốt; mọi việc đều hanh thông, thành công, hoạnh đạt.
Ngoạ Long Cương: Tên một ngọn núi trong làng Ngọa Long Cương (Wolong gang), tỉnh Henan (Hà Nam), Trung Hoa.
Ngoạ Long Cương: Tên bài văn của Ɖào Duy Từ (1572 - 1634) tự ví mình như Khổng Minh Gia Cát Lượng (Kong Ming-Zhuge Liang).
Nhiều địa danh ở Việt Nam mang tên Rồng hay Long như:
- Cầu Hàm Rồng bắt qua sông Mã ở Thanh Hóa.
- Cầu Long Biên bắt qua sông Hồng ở Hà Nội.
- Thăng Long tức Hà Nội ngày nay.
- Long An (Tân An), Long Khánh (Xuân Lộc), Vĩnh Long v.v.
Ở Trung Hoa có sông Hei Longjiang (Hắc Long Giang tức sông Amur).
Ở Nhật Bản có đảng Hắc Long – Kokuryu-kai (Amur River Society), ra đời năm 1901 và hoạt động mạnh mẽ trên lục địa Ɖông Bắc Á vào thập niên 1920, 1930 và 1940.
Trước khi chấm dứt bài tham luận về Rồng: Ɖệ Nhất Tứ Linh, Mãng Xà tôi chúc quí vị có mặt hôm nay một ngày vui trọn vẹn, một đêm ngủ không ác mộng và một cuộc sống tựa như mơ sau khi nghe ban nhạc Ɖông Phương Hồng Bắc Kinh (Beijing) trỗi bản Xích Long Ẩn Hồng Vân.
Mãng Xà Xiêm La vừa cúi đầu chào các đại biểu thì ban nhạc Ɖông Phương Hồng Bắc Kinh trỗi bản Xích Long Ẩn Hồng Vân bằng những tiếng pháo nổ, những hồi trống và chập chõa đinh tai điếc óc.
Trưởng Lão Mãng Xà Xiêm La Malayopython reticulatus.
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
________