Gia đình tôi sẽ lên máy bay sang Mỹ vào ngày Mồng 4 Tết năm 1991. Ngày tháng không do chúng tôi lựa chọn, cứ theo tự nhiên giấy tờ tới đâu mình theo tới đó.
Vui mừng vì sắp được đi định cư ở nước Mỹ, nhưng tôi cũng cảm thấy buồn buồn vì đây là cái Tết cuối cùng trên quê hương.
Tôi tự an ủi: “Mình cũng được hưởng xong 3 ngày Tết”.
Người thân, bạn bè thì vui vẻ chúc mừng:
- Cứ đi Mỹ đi, sau này muốn ăn Tết Việt Nam về lúc nào chả được.
Cái Tết cuối cùng ở Việt Nam của tôi bỗng trở nên quý giá và vô cùng đặc biệt dù mọi thứ vẫn như những cái Tết bao năm qua.
Bác Xây vẫn đến nhà gói giùm mấy chục chiếc bánh chưng, bánh để biếu người thân, tặng bạn bè. Bánh chưng ngày Tết vừa ý nghĩa vừa ngon. Những hộp bánh mứt, rượu, trà hào nhoáng ngoài chợ trông đẹp trông sang mà chất lượng có khi không bảo đảm.
Bác Xây trước 1975 từng đi tu nghiệp ở Mỹ, bác vừa gói bánh vừa bàn chuyện đi Mỹ kể chuyện xứ Mỹ xa xôi làm quà cho chúng tôi.
Tôi ngồi phụ bác, nghe chuyện rất hào hứng về một nơi mà nay mai tôi sẽ đến.
Con chó thân yêu của nhà tôi không còn nữa, nó đã chết già rồi, nếu không nó sẽ lẩn quẩn bên chân tôi trong những lúc bận rộn này và chắc nó cũng sẽ cảm nhận được sắp sửa xa tôi, sẽ quấn quýt tôi nhiều hơn.
Trước sân nhà qua bức tường thấp giáp ranh hàng xóm, cây mít cao to vẫn thả những chiếc lá khô bay sang sân nhà tôi làm tôi phải quét thường xuyên, những ngày này thì không, tôi đón chờ những chiếc lá khô như đón bạn thân tình và không nỡ quét đi.
Như thường lệ mỗi năm tôi mua một chậu cây mai vàng to đặt bên thềm, sát bờ tường để lá hàng xóm bay sang và hoa rụng sẽ giao duyên với nhau trong những ngày xuân hanh khô. Thềm đá hoa lác đác hoa rơi và lá khô rụng đẹp làm sao.
Đêm Giao Thừa tiếng chuông chùa gần nhà đã vang lên đón chào năm mới. Tiếng chuông chùa tôi vẫn nghe hàng ngày nhưng đêm Giao Thừa này trong tiếng chuông như có linh hồn, có lời chia tay kẻ ở người đi. Tiếng chuông chùa theo tôi vào giấc ngủ muộn và hình như tôi đã khóc trong mơ.
Sáng ngày Mồng Một Tết tôi vẫn dậy sớm làm bữa cơm cúng mẹ, cúng tổ tiên ông bà đón mừng năm mới.
Ăn xong gia đình tôi đi chúc Tết người thân.
Tôi nâng niu tận hưởng từng ngày Tết, mong ba ngày Tết dài… vô tận như ngày xưa còn bé tôi từng ước ao.
****
Mồng Một, Mồng Hai Tết đã trôi qua, Mồng Ba đến.
Suốt ba ngày Tết, ngày nào tôi cũng thắp hương bàn thờ khấn nguyện với mẹ tôi, với tổ tiên xin phù hộ cho gia đình tôi chuyến đi bình an, đến xứ người gặp nhiều điều thuận lợi may mắn.
Tôi xin cha tôi hóa vàng ngày Mồng Ba Tết nhưng cha tôi nói năm nào cũng tiễn ông bà tổ tiên ngày Mồng 4 thì không thể đổi thay, vẫn hóa vàng trưa ngày Mồng 4 Tết.
Tôi như đứa trẻ con... năn nỉ:
- Bố ơi, khấn với tổ tiên là năm nay đặc biệt có con cháu sắp đi xa nên tiễn tổ tiên về trời sớm. Được không?
- Dĩ nhiên là không. Để ông bà được ăn đủ 3 ngày Tết với chúng ta chứ.
Lúc cha tôi hóa vàng là lúc tôi đã bay sang Thái Lan rồi. Xa lìa mái gia đình, xa lìa người thân và hương khói ông bà những ngày Tết trên bàn thờ kia.
Tôi tiếc sẽ không được làm cỗ, không trông thấy cha đốt những giấy tiền vàng mã để bâng khuâng tin rằng trong đống tro tàn đó khói hương bay xa đưa hồn những người thân đã khuất trở lại cõi âm sau mấy ngày Tết về đoàn tụ cùng con cháu.
Sáng Mồng 4 Tết chúng tôi thức dậy từ 4 giờ sáng mặc dù hành lý đã được sắp xếp từ trước chúng tôi vẫn xem lại còn thiếu sót gì không, nhất là giấy tờ cần thiết cho chuyến bay. Có một gia đình quen, ngày hẹn phỏng vấn... để quên giấy tờ ở nhà, phải hỏa tốc trở về lấy. Cũng may là nhà ở ngay Sài Gòn.
Họ hàng và vài hàng xóm lân cận lần lượt kéo đến để tiễn đưa. Vợ chồng nhà có cây mít bên cạnh thân ái ra bắt tay từng thành viên gia đình tôi và chúc may mắn nơi xứ sở mới. Tôi cảm động nói:
- Chúng tôi không quên những kỷ niệm được là hàng xóm của hai bác.
Trong lòng tôi lúc ấy nghĩ đến những chiếc lá mít khô bay sang sân nhà tôi. Chỉ chốc lát nữa thôi, lá có bay sang cũng là những chiếc lá ngàn trùng xa cách.
Mấy thằng cháu nhỏ của tôi diện quần áo đẹp, chạy nhảy nô đùa đuổi nhau rầm rộ trong nhà ra tới ngoài sân cùng với tiếng cười tiếng nói vui vẻ của người lớn làm lòng tôi rộn ràng theo.
Nhưng khi xe đến đón chúng tôi ngoài ngõ, vừa bước chân ra khỏi cửa nhà mình tôi bỗng ngậm ngùi không muốn bước đi.
Tôi quay vào và muốn chính tay tôi khép cửa, khép cánh cổng căn nhà mang số 95/3 thân yêu như bao nhiêu lần tôi đã từng làm.
Xong tôi đưa chìa khóa cho đứa em, lần rời nhà này tôi sẽ không trở về mở cửa mở cổng nữa. Tôi đã xa xôi vạn dặm.
Ngồi vào trong chiếc xe bus mà chúng tôi đã thuê chở đến phi trường, tôi ngoái cổ nhìn lại những nhà hàng xóm thân quen. Mới hơn 5 giờ sáng, nhiều nhà còn khép cửa đâu biết rằng có người ra đi đang âm thầm chào tạm biệt.
Buổi trưa chúng tôi đã thật sự rời xa quê hương, đến Thái Lan. Ngồi trên chuyến xe bus đưa chúng tôi đến nơi tạm trú tôi vẫn còn mơ màng cái Tết Việt Nam.
Trưa nay Mồng 4 Tết các em tôi làm cỗ những món gì để tiễn xuân đi? cha tôi đốt giấy tờ vàng mã hóa vàng có các cháu vây quanh không?
Lần đầu tiên ăn miếng cơm nơi quê người Thái Lan, cũng là cơm là thịt mà chẳng giống hương vị quê mình, càng làm tôi thương nhớ thèm thuồng hương vị ngày Tết mà mới hôm qua tôi vẫn còn được hưởng.
Tôi nghĩ đến nồi thịt kho trứng, bát thịt đông, bát canh măng miến hầm chân giò, dưa hành, củ kiệu...
Sau ba ngày Tết lại còn món ngon khác. Là món “xà bần”.
Mọi thức ăn dư thừa, mỗi thứ một ít nào thịt gà, thịt heo quay, heo chiên, heo luộc, giò lụa… để ngoài sợ hư, đem kho mặn chung một nồi thập cẩm ăn cơm mới thấy cái Tết hậu hỉ và ngon thế nào.
Tôi lại nghĩ đến bàn thờ trên nhà với lọ hoa Vạn Thọ và bình hương cắm đầy những chân hương suốt ba ngày Tết, hai bên là bánh chưng xanh và đĩa trái cây.
Rồi hoa Vạn Thọ sẽ bớt tươi, bánh chưng xanh sẽ bớt xanh, lá dong thơm tho sẽ khô đi chờ tay ai bóc? Rồi nải chuối sứ sẽ chín vàng, quả quýt, quả cam sành sẽ héo vỏ chờ hạ xuống lúc hết Tết, lúc những cánh mai vàng ngoài sân rơi rụng đầy sân…
Đôi mắt tôi chợt rưng rưng giọt lệ.
Chẳng lẽ chiều nay bên nhà ai đã thắp hương trên bàn thờ ấy và khói hương bay theo tôi sang tận bên này làm cho mắt tôi cay xè biết bao thương nhớ?
Nguyễn Thị Thanh Dương
(Sept. 01, 2019)
(Sept. 01, 2019)