Anh chị có hai cháu trai sanh năm một. Lên sáu tuổi, cháu lớn nhập học và từ đó cháu hay vênh mặt với đứa em, tỏ vẻ ta đây là người có đi học, thường hỏi điều này, khoe chuyện nọ trong buổi cơm chiều. Hôm ấy, cháu lớn hỏi anh:
“Ba ơi, the first one, tiếng Việt mình gọi là gì vậy ba?”
Gia đình anh chị có lệ không được nói tiếng Anh ở nhà nên hai cháu luôn ‘tra tự điển’ như vậy. Anh trả lời:
“Là thứ nhứt hay là đầu tiên. Tùy trường hợp mà mình nói.”
“Còn president tiếng Việt mình nói sao hả ba?”
“Là Tổng Thống. Con hỏi chi vậy?”
Ngồi bên kia bàn, chị thầm nghĩ, nếu cháu hỏi tiếp, “Tại sao gọi là Tổng Thống” thì khó cắt nghĩa đa. Cũng may, cháu không hỏi vậy mà khoe:
“Con biết tên của ông Tổng… ơ… Tổng Thống… ơ… ư… thứ nhứt của mình là gì rồi.”
Không chút nghĩ ngợi, anh vội khen con:
“Giỏi, con nói cho ba má và em con biết đi.”
“Tên ông là Washington!”
Cháu nói chữ Washington thiệt to, gương mặt hớn hở chờ đợi lời khen của cha mẹ rồi bỗng cháu ngơ ngác vì thấy cha mình chau mày, thoáng nét buồn, trong khi mẹ mình ngồi im lặng. Ðúng vậy, anh cảm thấy xót xa khi nghe con nói tên vị tổng thống đầu tiên của mình là Washington. Ðất nước này đã cưu mang gia đình anh chị gần 10 năm nay, vậy mà anh vẫn xem nó là ‘đất tạm dung.’ Mới đến thế hệ thứ hai mà đã mất gốc rồi sao? Suy nghĩ như vậy, phải chăng anh là một kẻ vong ân? Còn ngược lại, anh là một kẻ bội nghĩa với quê hương à?
Ngồi bên kia bàn, chị cũng phân vân, chưa biết phải giúp anh thế nào đây, bỗng nghe anh hỏi:
“Hai đứa nói cho ba má biết, con là người Mỹ hay người Việt Nam?”
Cháu nhỏ lanh miệng trả lời trước:
“Việt Nam!”
Cháu lớn lườm thằng em nó một cái, rồi nói, “Là người Việt Nam như ba má.”
Anh mỉm cười, sung sướng nói:
“Giỏi! Vậy thì ông Washington đâu phải là Tổng Thống của mình mà là Tổng Thống đầu tiên của người Mỹ, phải không?”
Nhìn hai thằng con gật gù, đồng ý với cha chúng nó, chị thở phào, lòng khoan khoái.
Cơm nước xong, hai cháu phụ cha mẹ lau bàn ăn rồi ra phòng ngoài xem TV. Trong khi chị dọn dẹp nhà bếp, anh lo rửa đống chén bát bỗng nghe chị nói:
“Cho anh 20/20 đó nhen!”
Anh cười, nói đùa:
“Rửa chén chưa xong mà đã cho điểm rồi! Tối nay có âm mưu gì đây, người đẹp?”
“Hứ! Lúc nào cũng tơ tưởng chuyện đó! Em muốn nói anh giải quyết chuyện ông Washington thiệt là hay.”
“A… chuyện đó anh học từ ông nội của anh.”
“Sao? Ông nội có dính líu gì đến ông Washington?”
“Em biết ông nội làm thầy giáo, phải không?”
“Ừa, thì anh có kể cho em nghe rồi. Ông nội hồi nhỏ đi chăn trâu, rồi bị bắt đi học thế cho con nhà bá hộ trong làng, rồi ông làm thầy giáo …”
“Ba kể lại hồi thời Tây đô hộ xứ mình, học trò học toàn tiếng Pháp, học luôn Sử Ký của Pháp, câu mở đầu của quyển Sử Ký là ‘Nos ancêtres sont des Gaulois’ nghĩa là ‘Tổ tiên của chúng ta là người Gaulois.’ Người Pháp rất hãnh diện về nguồn gốc của họ là người xứ Gaule với nền văn minh có trước người La Mã nữa …”
“Ừ, thì cũng như người Việt mình, ai cũng vỗ ngực nói mình là dòng dõi con rồng, cháu tiên vậy mà.”
“Ba cũng kể rằng thời ông nội làm thầy giáo, đa số thầy cô là người Việt, chỉ có ông Hiệu Trưởng và hai ba thầy cô là người Pháp. Ông nội dạy học trò Sử Ký Pháp, ông tự ý sửa câu ‘Nos ancêtres sont des Gaulois’ thành ‘Les ancêtres des Français sont des Gaulois’, nghĩa là ‘Tổ tiên của người Pháp là người Gaulois.’”
“Trời đất! Sao ông nội gan vậy? Người Pháp thực dân đô hộ xứ mình rất ác nghiệt. Thời đó biết bao người chống Pháp bị bỏ tù ở Côn Ðảo.”
“Tùy người chứ em, thời nào, xứ nào cũng có kẻ tốt, người xấu. Ðiều trớ trêu là một ông thầy người Việt tố cáo chuyện này với ông Hiệu Trưởng người Pháp nhưng chẳng những ông ta không rầy mà còn khen ông nội nữa.”
Kể chuyện xưa cho chị nghe đến đó anh ngước mắt nhìn ra cửa sổ. Bóng tối đã bao trùm cảnh vật, chỉ còn lại một đốm màu cam của ánh tà dương ở tận chân trời. Anh thấy nó giống như một tia sáng ở cuối đường hầm, gieo vào lòng anh một thoáng hy vọng.
Không, hai đứa con của anh chị sẽ không mất gốc nếu chúng được anh chị dạy dỗ cẩn thận như ngày hôm nay. Khi chúng có thêm chút trí khôn anh sẽ kể cho chúng nghe chuyện ông bà của chúng đã cố gắng giữ gìn cội nguồn của mình như thế nào. Anh chợt nhớ đến câu tục ngữ của người Mỹ, “Home is where the heart is.” Ðúng rồi, cái gốc của người ly hương không ở đâu xa, nó ở chính trong trái tim của mình. Anh mỉm cười, tràn trề hy vọng.
Đào Anh Dũng