Hình trên net
Người đàn bà tay bế đứa con còn đỏ hỏn, tay xách dỏ đi lẫn vào đám đông, nước mắt ràn rụa trên mi, nàng không biết đêm nay nàng sẽ về đâu? trời đất xứ người sao cay nghiệt quá, bao la mà nàng không có chỗ dung thân, cơn đói vật vã, mồ hôi ướt lạnh toàn thân, nhìn đứa con vô tội lòng Mai đoài đoạn từng cơn, không lẽ nàng tự vận, ai chăm sóc con thơ vừa tròn ba ngày tuổi? Cuộc đời Mai là một khối đau thương, tình yêu đã mất, cuộc đời Mai cũng đã hết, Mai không còn thiết tha chi cuộc đời tận cùng ô nhục này nhưng nghĩ đến đứa con thơ, kết quả của tình yêu oan nghiệt, Mai đành nuốt đắng cay chịu nhục nhã mà sống lê lết trên cõi đời này…
Cách nay một khoảng thời gian rất dài, thời điểm mà quê hương Việt Nam vào những ngày mới đổi thay, dấu tích chiến tranh vẫn còn hằn nét trên những con đường, trên làng mạc xóm thôn… nơi làng quê hẻo lánh miền Tây thuộc tỉnh Đồng Tháp, có hai vợ chồng người chiến binh lánh nạn, thay họ đổi tên sống ẩn nấp nơi đây chờ ngày sinh nở – ba tháng sau họ hạ sinh một bé gái, đặt tên bé Phương Mai, trong hoàn cảnh lánh nạn, hai vợ chồng không dám đi làm xa, chỉ lẩn quẩn làm thuê làm mướn trong thôn xóm… một ngày kia, khi bé Phương Mai được 5 tuổi, trong lúc cha mẹ đi làm ruộng dần công bỏ bé ở nhà một mình, khóa trái cửa ông bà yên tâm đi gặt lúa cho hàng xóm – Bé ở nhà tinh nghịch lục lọi gặp chiếc thẻ bài của cha lấy đeo vào cổ vừa đúng lúc có cô bé hàng xóm đến rủ đi chơi – Mai tìm mọi cách ra khỏi nhà… bé leo cửa sổ phóng đại ra ngoài cùng cô bé bạn thong dong ra lộ lớn – hai cô bé đi được một hồi lâu thì gặp một chiếc xe hơi, họ tò mò dừng lại nhìn hai cô bé rồi làm quen, chở hai bé đi ăn phở cách đó khoảng nửa giờ xe chạy – Khi họ phát giác ra trên cổ bé Mai có một tấm thẻ bài, họ lân la hỏi:
- Bé ơi, cho bác xem một tí nhé! cái nầy của ai mà bé có vậy?
Mai trả lời:
- Cái này của cháu
- Bậy nào, cháu là con nít không thể có cái này, cái nầy của người lớn, nói đi ngoan nào, bác cho tiền ăn bánh…
Mai khờ dại thú thiệt:
- Dạ cái nầy của Ba cháu, cháu thấy ngộ lấy đeo chơi, cái nầy gọi làø gì hả bác?
Người đàn ông không trả lời bé, suy nghĩ đôi giây, cái tên trong thẻ bài nếu ông ta không lầm thì là một tên Thiếu Tá Biệt Kích của ngụy đã xung kích đánh úp căn cứ bảo mật của ông ta vào năm 1967 tại Hàm Rồng – Mối thù này ông ta chưa có ngày trả – không lẽ là tên H. này – không lẽ hắn không đi trình diện cải tạo? Phải tìm cho ra sự thật vì khi hắn đánh úp cơ sở bí mật hắn đã bắt sống mình, mình không thể quên mặt hắn – hắn đã tặng mình hai quả đấm vào mặt nhốt mình hơn hai tuần trong hầm sâu, và một đêm mưa bão lớn trời tối đen mù mịt mình tìm cớ đau bụng phải đi cầu và đã trốn thoát…Thế mà đã gần 10 năm rồi, cái tuổi xuân của mình cũng theo chiến tranh mà tan biến, nhớ lại thời chinh chiến người cán bộ không khỏi ngậm ngùi!…
- Nhà cháu ở đâu, bác sẽ đưa về giùm – người đàn ông hỏi bé Mai
- Dạ nhà cháu ở xa đây lắm – nhờ bác đưa hai tụi cháu về chớ không thể đi bộ nổi đâu – Nghe thế ông ta mừng ran trong bụng, được rồi phen này gặp mặt nhà ngươi, nếu quả đúng ta sẽ thịt nhà ngươi cho hả trận thù xưa…
Chiếc xe hơi chuyển bánh đi dần về hướng mặt trời lặn, chẳng bao lâu thì đến nhà, Mai và cô bé bạn nhanh nhẩu cảm ơn và chạy ù vào nhà vì thấy bố đang đứng ngoài sân trông ngóng, vẻ mặt lo lắng tột độ – người cán bộ đã nhìn ra mặt mũi bố của Mai, hắn mỉm cười trong bụng, quả không sai, đúng là tên H rồi, mầy sẽ không thoát được tử thần đâu con ạ!
Ngay đêm đó, họ bố trí người tới bắt cả hai vợ chồng người chiến binh lánh nạn, người vợ than khóc trong khi người chồng bình tĩnh chấp nhận sự trả thù vì đã nhận diện được tên Thượng Úy Đặng Trần Khâm mà 8 năm trước hắn bị bắt và bị giam cầm trong vòng vây biệt kích của quân đội Cộng Hòa! tất cả là số mạng, người chiến binh lặng lẽ buồn vì không ngờ có cái ngày đại họa hôm nay.
- Này tên H. hẳn anh còn nhớ cái đêm tại Hàm Rồng, tôi tưởng đã mất mạng vào tay anh – nay ân đền oán trả, hãy quỳ xuống nhận tội với nhân dân trước khi về bên kia thế giới…
- Không bao giờ, người chiến binh dũng cảm trả lời: Hãy giết tôi đi vì giữa tôi và anh là hai chiến tuyến, kẻ bại là phải chấp nhận sự hy sinh để giữ tròn khí tiết – chỉ xin các người tha cho vợ tôi để trở về nuôi dạy con thơ – nợ máu riêng tôi, xin hãy đòi một mình tôi – nói xong người chiến binh nghiêm trang nhắm mắt lại chờ chết!
- Ta sẽ cho vợ chồng anh được trùng phùng trọn kiếp, còn con gái anh ta sẽ là người nuôi dạy nó – sẽ cho nó biết cha nó là thằng giặc ngụy xâm lăng – nào hai người chuẩn bị tinh thần đi, ta chúc phúc cho hai người đó!
Một tràng súng nổ vang hai vợ chồng người chiến binh ngã gục trên vũng máu, trời đang lặng gió bỗng đổ trận mưa tầm tã, có lẽ trời cao cũng xót thương vợ chồng chiến binh chết thảm nên đổ lệ chăng - Hai xác người ướt sũng nằm lăn trên mặt cỏ, máu và nước mưa chan hòa thành một khối màu đỏ loang trên thảm cỏ xanh rì… thế là xong một oan tình – cha mẹ hy sinh cho con được sống, đâu biết vì con mà cha mẹ phải mất mạng như thế này! Người cán bộ hỉ hả cười vì đã trả được mối thù riêng, ông ta cho tài xế nổ máy xe chở ông về hướng nhà bé Phương Mai với quyết định bắt luôn đứa bé về nuôi để có dịp đày đọa thẳng tay.
Phương Mai sau thời gian bị bắt buộc theo về sống trong nhà ông cán bộ, bé buồn và bé khóc thật nhiều – hỏi về cha mẹ thì được biết cha mẹ bị ông cán bộ bắn chết vì tội làm giặc xâm lăng – Ngày tháng trôi qua trong gian khổ, Phương Mai bị hành hạ sai khiến như một tôi tớ trong gia đình người cán bộ… thắm thoát đã mười năm dư Mai sống nhờ gia đình ông cán bộ, một hôm bà vợ cán bộ nói với nàng:
- Mầy lớn rồi, phải lấy chồng thôi! ông nhà đã tính chỗ cho mầy dựa nương – nhà ông Bình có đứa con trai bị thương tật từ chiến khu ra, ông ta giàu có, mầy về đó sẽ sướng một đời… nghe rõ chưa?
Mai lặng im không trả lời, nàng thừa biết gia đình ông Bình giàu có thật nhưng là gia đình ác ôn nhất nơi đây – còn người con trai thì bị chiến tranh nên đã thành tàn phế thành thử chẳng ai chấp nhận lấy cậu ta – Mai nghe chút gì nghẹn đắng trong cổ họng, chả lẽ cuộc đời mình rơi vào ngõ tối như thế này sao?… thân gái lẻ loi cô độc, nàng biết tìm ai để dựa nương, để chở che bảo bọc?
Sáng hôm sau lúc nàng còn đang quét dọn nhà cửa thì nghe tiếng ông cán bộ nói vọng vào:
- Ra đây biểu Phương Mai
Nàng vội vàng chạy ra và cúi đầu chờ lệnh:
- Đây là ông Bình và đây là con trai ông ta, tuần sau sẽ tổ chức đám cưới cho mầy với cậu Lễ đây – rán mà ăn ở cho đàng hoàng nghe chưa?
- Dạ, Mai lí nhí trong miệng, con chưa muốn lập gia đình vì con còn nhỏ quá, xin cho con khất một thời gian nữa, thưa ông! nói xong nàng nhìn người thanh niên tàn phế mà mai đây phải gọi là chồng, anh ta ngồi trên chiếc xe lăn với một tay bị cụt, một chân bị cụt, mặt đầy những sẹo của chiến trận để lại, lòng Mai trĩu nặng cơn buồn khó tả…
- Không được – tao nuôi mầy chẳng qua để có ngày hôm nay – tao nói thẳng cho mầy biết, tao đã bán mầy với giá 10 tỷ bạc để mầy về hầu hạ cả cha và con ông Bình đó, liệu mà làm dâu làm vợ nghe chưa, từ bây giờ lo sửa soạn tinh thần cho một cuộc sống mới, không nói năng gì nữa hết! vào trong làm công việc đi.
Phương Mai bật khóc, trời ơi… một ông già có tiếng ác ôn hung dữ, một người con trai tật nguyền…nàng phải sống sao đây? Có đau khổ đến thế nào Mai cũng phải chấp nhận số phận đã an bài và ngày ấy đã đến… một đám cưới diễn ra trong bầu không khí gia đình, vỏn vẹn chỉ có vài chục người tham dự, vì nàng đâu phải là con gái của ông bà cán bộ, nàng chỉ là người ăn kẻ ở trong nhà mà thôi, họ bán nàng chứ nào thương yêu mà gả chồng cho nàng đâu!
Hàng ngày Mai phải làm không biết bao nhiêu là việc nặng nề, lại còn phải hầu cơm nước cho hai cha con, vậy mà chẳng yên thân, ông Bình cứ kiếm chuyện đánh đập nàng hoài, người chồng tật nguyền càng khó tính hơn, bắt nàng hầu hạ mọi sinh hoạt cá nhân mà lúc nào cũng cộc cằn chửi rủa nàng – Được 8 tháng, Mai không còn chịu đựng nổi, nàng trốn đi, nàng không mang theo được một món gì, không của cải, không tiền bạc vì cha con ông Bình là kẻ ác ôn, từ ngày về với gia đình Lễ nàng chỉ biết làm việc và hầu hạ, nàng chỉ biết bị đòn roi chứ chưa bao giờ được biết tới đồng xu nhỏ nào – Đêm nay Mai quyết định bỏ đi, ngoài trời tối đen như mực, thỉnh thoảng lóe lên vài tia chớp, nàng nhờ vào chút ánh sáng ấy mon men ra đường cái, đi được một quãng xa bỗng hai bên đường có hai tên đạo tặc xuất hiện, chúng nhào tới ôm cứng lấy Mai định giở trò khốn nạn, Mai la toáng lên, một thanh niên từ xa chạy tới vung tay đấm thẳng vào hai thằng đạo tặc, tiện thể đôi chân đá vút vào cả hai tên té lăn quay ra đất, chúng hoảng viá ù té chạy.
Mai xuýt xoa: Trời ơi, người có võ… và nàng lính quýnh: thưa xin cảm ơn ông thật nhiều, ông đã cứu mạng tôi…
Chàng thanh niên cười vui và nói:
- Cô đi đâu giữa đêm thanh vắng như vậy, nguy hiểm lắm, nhà cô ở đâu tôi đưa cô về nhà?
- Thưa… tôi không có nhà, tôi không có gia đình, tôi là kẻ mồ côi không cha mẹ, thưa ông! nói xong nàng bật khóc nức nở – người thanh niên lấy làm lạ, vội an ủi nàng:
- Cô hãy bình tĩnh lại, nếu thật sự hoàn cảnh cô như thế, giúp được gì cô tôi sẽ không từ chối, xin cô tin lời nói của tôi…
Phương Mai lần lượt kể lại cuộc đời nàng từ khi lên 5 tuổi, những gì nàng còn ghi nhớ trong đầu, nàng không quên kể rõ tình trạng gặp ông cán bộ và đêm đó cha mẹ nàng bị ông cán bộ bắt và đem đi bắn chết thảm thương, nàng mang lòng thù hận tên cán bộ đã dụ nàng chở đi ăn phở lúc gặp ngoài đường khi nàng mới lên 5 tuổi rồi theo về nhà bắt giết cha mẹ nàng, mãi đến nay nàng vẫn không hiểu được nguyên nhân gì mà hắn giết cha mẹ nàng… người thanh niên hỏi tên ông cán bộ Phương Mai cho chàng biết tên họ ông ta là Đặng Trần Khâm, đồng thời đưa cho chàng xem một tấm ảnh ngày đám cưới chụp chung với vợ chồng ông cán bộ! Người thanh niên có vẻ tư lự trầm ngâm giây lát rồi hỏi nàng:
- Tôi có thể giúp cô chỗ ở và giới thiệu cô đi làm cho một hãng chế tạo đồ nhựa ở gần trung tâm thành phố, cách đây hơn 10 cây số cô đồng ý không?
Mai mừng thầm và đồng ý ngay – Chàng tự giới thiệu tên chàng là Trung, Mai hỏi họ gì thì Trung chỉ cười không nói, Trung nói nhà cũng ở gần đây và cũng đang làm việc cho hãng chế tạo đồ nhựa trên tỉnh…
Đêm Ba Mươi nên bầu trời đen thẫm không có một vì sao, ngoại trừ chút ánh sáng của những tia chớp liên hồi, Trung có sẵn cây đèn pin nên hai người nhìn mặt nhau rất rõ trong đêm, Phương Mai lớn lên nàng rất đẹp dù cuộc đời trải qua lắm chông gai gian khổ, Trung cảm giác một niềm hạnh phúc len nhẹ vào hồn, chàng ao ước được cùng Mai nắm tay nhau mãi mãi… đang nghĩ thế, bỗng dưng Trung thở dài, ai biết được trong lòng chàng đang gặp cơn bão tố làm giết mòn mơ ước tương lai…
Hai người quan hệ thân thiết từ sau đêm hôm đó, và sau một thời gian tìm hiểu họ đã chấp nhận sống chung một nhà. Một hôm Phương Mai trằn trọc không ngủ được, cứ nhắm mắt là thấy hình ảnh mẹ cha hãi hùng trên bãi cỏ đầy máu đỏ… nàng trở dậy ra phòng khách ngồi suy tư trong lúc Trung đang ngủ say – Trên chiếc sofa Trung vắt chiếc quần tây dài ngược xuống vô ý rớt ra ngoài ghế chiếc bóp nhỏ của chàng, Mai nhặt chiếc bóp đem trả lại trong túi quần chàng, tự dưng nàng muốn tò mò xem chiếc bóp của chồng, lòng tự trọng từ nhỏ nàng không muốn làm thế, nhưng không hiểu có một ma lực nào xui khiến tay nàng từ từ rút cái bóp trở ra và nhẹ nhàng mở xem bên trong mà nghe trái tim đập thình thình vì hồi hộp sợ Trung dậy bất ngờ bắt gặp thì danh dự nàng cố giữ bấy lâu nay sẽ bay vù vào gió bụi!
Mai giật mình hoảng hốt, một tấm ảnh chụp ba người, Trung ngồi giữa, hai ông bà ngồi hai bên ôm sát lấy Trung, người đàn bà thì rất lạ nàng chưa từng gặp, nhưng người đàn ông… rõ ràng là tên cán bộ đã giết cha mẹ nàng! Không lẽ, không lẽ… Mai tái mặt lẩm bẩm, nàng cầu mong đây không phải là một gia đình mà là người thân quen chụp ảnh chung, nhưng sao Trung giữ gìn tấm ảnh rất kín gắn tận bên trong cùng của ngăn chiếc bóp? Lòng Mai dâng lên nghèn nghẹn muốn khóc, trời ơi, nếu quả thật anh là con trai ông cán bộ thì chúng ta đành phải xa nhau, em đâu thể là vợ của con trai kẻ thù đã giết mẹ cha em!!! Nàng lật vội phía sau lưng tấm ảnh để mong tìm một lối thoát, nhưng dòng chữ ác nghiệt ghi quá rõ ràng: Kỷ niệm tấm hình Đặng Trần Trung chụp chung với cha là Đặng Trần Khâm và mẹ là Cao Cựu Liễu năm 1990 – Nàng đọc đi đọc lại như sợ mình đọc lầm chữ, nhưng sự thật đã hiển nhiên rồi, Mai đau đớn thở dài, không còn hy vọng gì cho tương lai hạnh phúc, áng mây đen đã bao phủ bầu trời! Trung ơi, mấy tháng qua mình chung sống trong tình chồng nghĩa vợ, sự thật trớ trêu mà anh vẫn giấu em, vì sợ mất nhau chăng? làm sao em có thể tiếp tục chung con đường hạnh phúc bên nhau khi đã tận tường sự thật, cha anh đã giết cha mẹ em một cách tàn độc và em đã thề không đội trời chung với ông ta…
Đêm đó Mai âm thầm lặng lẽ như không có điều gì xảy ra, đợi tới sáng Trung đi làm, nàng mới thu xếp ra đi và viết cho Trung mấy dòng vĩnh biệt ! Mai lang thang thất thểu như người bị bệnh tâm thần, nàng ghé một quán cà phê ngồi nghỉ mệt, một tên ma cô đến làm quen và hỏi nàng cần gì? Mai đáp ngay: Tôi cần việc làm – Hắn bảo theo hắn lên gặp ông chủ – Họ đưa Mai vào một phòng có sẵn 4 cô gái ngồi đứng lố nhố bên trong, Mai thắc mắc thì họ không trả lời, xô nàng vào đóng ập cửa lại… Mai lo sợ không biết việc gì sẽ xảy ra, các cô gái kia thì kẻ lạnh lùng, người hớn hở, chẳng ai nói với ai một lời! Đến sáng bọn nàng bị dẫn lên xe bịt bùng đưa ra sân bay chở thẳng về Đài Loan – Tới đây nàng mới biết số phận không may của mình, nàng đã bị bán cho lũ Đài Loan khát vợ, khát đàn bà! Mai càng đau đớn hơn khi biết mình đã mang thai với Trung, bụng càng ngày càng lớn, bọn đàn ông Đài Loan càng xử tệ với nàng, chúng đánh đập nàng tàn nhẫn đôi lúc tưởng hồn lìa khỏi xác! xứ lạ quê người, thân tàn ma dại, Mai hối hận đã bỏ Trung mà ra đi vào con đường vô định… Nhiều lần Mai định quyên sinh nhưng nghĩ tới đứa con trong bụng đành cắn răng chịu đựng, bọn đàn ông Đài Loan biết là không sử dụng nàng được nữa vì cái thai đã lớn nên càng tàn ác hơn với Mai – Nàng dở sống dở chết nơi đất người, rồi một đêm nàng chuyển bụng sanh con, không người săn sóc, không tiền bạc, nàng vào nhà thương thí của chính phủ Đài Loan nhờ lòng nhân đạo cứu giúp sinh nở – Bệnh viện chỉ cho nàng ở được ba hôm thì đuổi về nhà, nàng không nhà cửa, không người thân, biết về đâu bây giờ?
Cơn đói làm Mai mệt lả người, phải chi ở quê mình nàng sẽ còn nhờ được sự trợ giúp của người chung chủng tộc, chung ngôn ngữ, đàng này nhìn quanh toàn những người lạ hoắc, mặt không điểm một nụ cười thân thiện, mà cũng chẳng ai thèm nhìn nàng để chia sẻ miếng cơm manh áo, ban bố chút tình người! Nàng đau đớn nhìn đứa bé vừa tròn ba ngày tuổi miệng khô không giọt nước thấm hơi, nàng bật khóc giữa chốn đông người, họ vẫn thản nhiên nhìn nàng rồi đi thẳng không ai hỏi han một lời! Mai biết làm sao để gợi chút lòng hảo tâm của họ đây… chỉ cần có một số tiền đủ mua vé máy bay để về quê hương Mai cũng đành bó tay, một đồng một chữ cũng không, nói với họ thì ngôn ngữ dị đồng nàng cũng không mở miệng được, mà người nước này thiếu lòng thương người khi nhìn nàng với đứa trẻ còn đỏ hỏn họ cũng chẳng hề xao xuyến lương tâm! Trung ơi… chắc em và con chết mất! giờ này anh ở đâu? Em hối hận vô vàn khi bỏ anh ra đi, phải chi em không có thai với anh thì em còn xoay xở đi làm kiếm tiền về nước, đàng này… Mai khóc ngất … Xung quanh nàng tiếng pháo nổ rân từng đợt, từng đợt, Mai giật mình hoảng hốt nhìn về hướng đèn sáng rực đàng kia, một đoàn người quần áo đỏ xanh đủ màu sắc, bày biện cúng vái giữa ngoài lộ, trước cửa nhà, họ ca hát tưng bừng những âm điệu của đất nước họ, Mai không hiểu gì cả… nhưng với trí thông minh còn ngự trị nàng thừa hiểu đã đến Tết rồi và đêm nay là Giao Thừa, giờ này là giờ giao thừa của họ cũng là giao thừa của đất nước Việt Nam vì cùng là dân Châu Á, ôi, thê thảm cho ta, mùa xuân đã chết!!! Những giọt nước mắt thi nhau lăn dài, lăn dài trên đôi mắt thâm quầng vì vừa bán đi sức lực để sanh con, Mai gục đầu vào đứa nhỏ và thầm cầu mong trời Phật cho nàng và con được chết một cách nhẹ nhàng bình an nơi đây vì không còn đất sống, nàng quá đuối sức và bất tỉnh giữa tiếng pháo giao thừa đang nổ giòn tan chào đón mùa xuân mới trên đất lạ quê người…
Nguyễn Phan Ngọc An
Nguyễn Phan Ngọc An
Nguồn: