User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
PN Nam thang hoang hon 1
Bệnh Alzheimer là một bệnh thoái hóa não thường khởi phát ở lứa tuổi trên 65, có thể thấp hoặc cao hơn tuổi 65. (Hình: Tài liệu)

Bệnh Alzheimer là một căn bệnh của tuổi già, là hình thức phổ biến nhất của chứng bệnh mất trí nhớ mà nhân loại đang đối diện, bệnh phá hủy tế bào não và chức năng của não bộ rồi làm người bệnh thiệt mạng. Trong gia đình tôi, ông cố tôi, bà nội tôi là bệnh nhân Alzheimer.

1.

Theo những câu chuyện mẹ tôi kể về ông nội của mẹ, tức ông cố của tôi, khi còn ở quê, ông đi ra khỏi nhà mấy lần rồi quên đường về nhà, có lúc bà cô phải đi tìm ông, có lúc người lối xóm thấy đưa ông về nhà giùm.

Lúc bà ngoại mất, bà cô đưa ông cố lên Sài Gòn dự tang lễ, ông cứ ngồi kế bên quan tài con dâu, đốt hết cây nhang này đến cây nhang khác, ông nói “đốt cho nó nằm đó thấy ấm,” ai cản ông cũng không nghe. Trong các bữa cơm ông cố ăn rất nhiều, đòi lấy thêm cơm hoài mà nói chưa no, không cho ăn thì ông lại giận hờn.

Rồi ông cố lên Sài Gòn ở hẳn nhà ông bà tôi, vì ông tôi là trưởng nam. Ông chú út, em ruột ông tôi, đi ra miền Bắc từ năm 1954, nay trở về Nam thăm gia đình. Gặp ông cố, nghe các bà cô kể về bệnh tình của ông, ông chú “cách mạng” này khẳng định bố mình có biểu hiện như người điên, nên đưa ông cố vào bệnh viện Tâm Thần Biên Hòa. Thời gian đó ông tôi vắng nhà đi làm rẫy với cậu dì tôi, nên không hay biết sự việc mà ngăn cản.

Ông cụ bị nhốt chung phòng với những người điên thật sự, chỉ thời gian ngắn sau tinh thần sa sút trầm trọng, ông bỏ cả ăn uống kiệt sức dần dần. Dì tôi đi thăm ông cố thấy ông bị như thế vội chạy lên rẫy cho ông tôi hay để đón ông cố về. Sau đó cụ nằm mê man cả một ngày đêm rồi qua đời, có thể vì kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể xác. Ông tôi cứ ân hận việc này mãi đến cuối đời, ông và ông chú út gây nhau một trận dữ dội ngay trong tang lễ ông cố.

2.

Mẹ nói lúc bố mẹ đã ở Hoa Kỳ, khi tôi còn học tiểu học, bà nội của tôi cũng mất vì bệnh Alzheimer năm 2003. Lúc ấy bà nội về ở chung nhà với bố mẹ và tôi, tôi chỉ nhớ bố hay bảo tôi lại gần nói chuyện, rồi ôm bà cho bà thấy vui; mà nào tôi có thấy bà có biểu hiện vui buồn gì đâu.

Cô út tôi có hai con gái rất xinh, ba mẹ con cô đến thăm bà cuối tuần rồi ở lại nhà tôi chơi mấy ngày. Tôi và hai đứa em họ cứ vây quanh bà, đứa nắm tay, đứa hôn má bà, rồi lại làm trò hề cố chọc bà cười, vậy mà sao thấy bà vẫn dửng dưng, ánh mắt bà như ngó tận đâu đâu xa vắng. Lúc đó tôi mới học lớp 2, nên cũng chẳng biết gì về bệnh của bà.

Bố tôi chỉ nói bà lớn tuổi rồi nên mắc bệnh hay quên của người già. Sau đó tôi chỉ nhớ mơ hồ bà không ở nhà tôi nữa, mẹ nói bà bệnh nhiều nên phải vào bệnh viện để chữa trị. Rồi một hôm đi học về tôi thấy nhà tôi có các bác là anh chị của bố từ các tiểu bang xa về, mẹ khóc nói với tôi bà mất rồi, con sẽ không bao giờ thấy được bà nữa đâu.

Mẹ tôi không phải là một bác sĩ, cũng không phải là một chuyên gia nghiên cứu y khoa, nhưng mẹ hay để ý tìm hiểu và đọc những tài liệu nói về bệnh Alzheimer, mẹ cũng là một thành viên của nhóm hỗ trợ người bệnh và người nuôi bệnh (Alzheimer’s Vietnamese Caregiver Support Group). Mẹ sinh hoạt hằng tháng với nhóm này vào mỗi Thứ Năm trong tuần lễ thứ nhì. Hiện tại nhóm tạm ngưng sinh hoạt hằng tháng từ hơn một năm nay vì dịch Covid-19.

Mẹ tham gia sinh hoạt đều với hội mỗi tháng, vài lần đi bộ mỗi năm theo hội, thường vào Tháng Mười hay Tháng Mười Một, mẹ nói đó cũng là chút thiện chí nhỏ của mẹ.

Mẹ kể trong mỗi kỳ sinh hoạt hội mỗi tháng, mẹ đã tận mắt chứng kiến hay nghe kể những câu chuyện thật cảm động, thương  tâm: Có ông đã kiên nhẫn nuôi vợ bệnh ở nhà gần chục năm; có bà cũng đã kề cận ông chồng bệnh nhiều năm, tưởng đã có lúc kiệt sức chết trước người bệnh rồi…

Trước đây mẹ tôi cũng có thời gian gần bốn năm săn sóc cho một bà cụ bị bệnh lẫn. Lúc đầu mới tiếp xúc với bà, mẹ gặp rất nhiều khó khăn do phản ứng lần đầu tiên gặp người lạ. Bà la lối, xua đuổi, có khi còn mắng, còn nói nặng lời với mẹ. Mẹ nói thời gian đầu này mẹ bị rất nhiều stress, có lúc mẹ tưởng phải bỏ việc ngang, nhưng rồi mẹ hiểu là bà cụ bị ảnh hưởng của căn bệnh Alzheimer, không hề ý thức được việc làm của mình, cũng giống như bà nội của tôi lúc bệnh. Mẹ nói mẹ rất buồn vì phải chứng kiến bệnh bà cụ ngày một nặng thêm. Cuối cùng, bà cụ đã qua đời sau mấy ngày hôn mê. Vậy là chỉ tới khi chết, bà cụ mới được giải thoát khỏi căn bệnh Alzheimer quái ác.
 
PN Nam thang hoang hon 2
Tiểu thuyết “Những Năm Tháng Thu Tàn” của nữ văn sĩ Nhật Sawako Ariyoshi khi dịch sang tiếng Việt từ nguyên tác bằng tiếng Pháp “Les Années du crépuscule” của nhà xuất bản Stock, Paris, 1986, một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất của Nhật. (Hình: Tài liệu)

3.

Cũng như mẹ, tôi không có ý định thành một bác sĩ, hay một nhà nghiên cứu y khoa, nhưng lớn lên trong gia đình có các ông bà là bệnh nhân Alzheimer, tôi nghĩ mình đã được ảnh hưởng của mẹ rất nhiều khi có một lần theo sự gợi ý của mẹ, tôi đã viết một bài ngắn bằng tiếng Mỹ với số chữ theo quy định, nội dung nói về bất cứ một nhân vật hay một sự việc nào cũng được miễn có liên quan đến căn bệnh Alzheimer do hội này tổ chức. Dù không được giải nhưng tôi nhận được một lá thư cảm ơn của Ban Tổ Chức, lần đó tôi thấy mẹ vui lắm.

Tôi cũng theo gương mẹ góp một phần nhỏ vào việc vận động mọi người mở lòng nhân ái, đóng góp chút công sức và vật chất vào những buổi đi bộ gây quỹ của hội Alzheimer. Cùng với các bạn học, tôi đã nhiều lần tham gia vào những buổi đi bộ gây quỹ của hội. Khi nắm tay nhau trong những cuộc đi bộ, chúng tôi cùng quyết tâm thực hiện như lời kêu gọi của ông Jim McAleer, tổng giám đốc Alzheimer’s Orange County, rằng: “Cùng nhau, chúng ta hy vọng ở một thế giới không còn bệnh Alzheimer.”

Còn nhớ, mỗi lần đi bộ, tôi lại được phát một áo T-shirt màu tím có chữ trắng tên của hội. Tôi từng nói với mẹ: “Sao hội lại chọn màu tím buồn quá vậy!” Mẹ nói màu tím giống như buổi hoàng hôn của tuổi già, buồn như căn bệnh Alzheimer thời kỳ cuối cùng.

Mẹ nói mẹ luôn cầu xin Ơn Trên cho ba mẹ khi về già không mắc phải chứng bệnh này, tội nghiệp và khổ tâm cho con cái lắm, nhất là ba mẹ chỉ có duy nhất mình tôi là con, lại đi học xa lâu lâu mới về nhà thăm ba mẹ.

Mẹ nói không muốn là gánh nặng cản đường học vấn còn dài của con, vì thời cuộc ba mẹ lấy nhau trễ nên con còn nhỏ tuổi khi ba mẹ đã quá lục tuần. Mẹ còn nói không bao giờ mẹ muốn thấy tôi giống như cháu nội của một ông cụ lẫn trí, trong một lúc bực dọc chán nản khi cuộc sống bình thường của gia đình bị xáo trộn vì bố hay mẹ bị bệnh lẫn trí, đã thốt lên câu nói đau lòng: “Bố mẹ đừng bao giờ sống già như thế!”

Tôi cầu mong các nhà nghiên cứu về y khoa trên thế giới sớm tìm ra thuốc khống chế được căn bệnh Alzheimer quái ác.

Hè năm ngoái, vì dịch Covid-19, các trường học đều đóng cửa nên tôi về nhà chơi lâu. Một bữa mẹ soạn tủ áo, tình cờ thấy lại các áo T-shirt đồng phục của hội mỗi lần tham gia đi bộ có cả của mẹ và của tôi, mẹ đã xếp lại ngay ngắn, dễ chừng gần chục cái. Mẹ đưa tôi xem rồi nhắc lại kỷ niệm của những lần đi bộ đó.

Rồi như bị chìm đắm vào vùng quá khứ, mẹ xem lại cuốn album lưu hình những lần mẹ đi bộ và các buổi mẹ sinh hoạt hằng tháng với hội. Mẹ có vẻ ngậm ngùi lắm khi nhắc lại tên của từng người trong ảnh. Mẹ nói mới hơn năm qua mà nhiều bác trong hình đã đi xa mất rồi, tuổi già, cuộc sống, thảy đều vô thường!

Kỳ Hè năm nay khi rời nhà trở lại phòng trọ chuẩn bị cho năm học mới, tôi nghĩ là mình đã làm một việc cho mẹ vui lòng. Tôi tìm mua online cho mẹ cuốn truyện nguyên bản tiếng Pháp “Les Années du crépuscule” của nữ văn sĩ Nhật Sawako Ariyoshi (1931-1984 ở Tokyo) vì tôi biết mẹ hồi xưa đi học khá tiếng Pháp hơn tiếng Anh, cuốn sách này xuất bản cũng mấy chục năm rồi ở Pháp. Khi tìm bản tiếng Pháp, tôi cũng chợt lóe lên ý nghĩ sao không tìm cho mẹ luôn bản tiếng Anh “The Twilight Years” để mẹ có dịp đọc song ngữ ôn lại trí nhớ về ngoại ngữ của mẹ.

Tôi cũng nhớ mẹ còn giữ cuốn bản dịch tiếng Việt truyện này mà mẹ đã mua từ lúc còn ở Việt Nam, rồi đem theo qua Mỹ. Lúc tôi bắt đầu vào trung học, có lần mẹ đã khoe cuốn sách với tôi, in bằng loại giấy xấu nên theo thời gian giấy đã vàng úa xấu xí, vậy mà mẹ rất nâng niu giữ gìn nó. Chính nhờ cuốn sách xấu xí này đã gợi ý cho tôi mua hai quyển kia tặng mẹ.

Khi mẹ nhận được sách gửi đến chắc mẹ sẽ ngạc nhiên lắm, nhưng rồi mẹ sẽ biết ngay là của con trai mua tặng mẹ, và nếu lúc đó có tôi bên cạnh mẹ sẽ cốc đầu tôi mắng yêu “Con khéo bày đặt,” và mẹ sẽ mỉm cười sung sướng hạnh phúc lắm.

Tưởng tượng đến hình ảnh mẹ cười giây phút đó, bất giác tim tôi bỗng đập mạnh, mắt tôi hình như có hơi mờ đi, tôi biết trong tôi cảm xúc đang dâng cao. Tôi nói nhỏ một mình trong niềm xúc động: “Mẹ ơi con còn được mấy lần bày đặt nữa đâu, khi năm tháng hoàng hôn của đời mẹ đang dần tới! Con yêu mẹ lắm mẹ của con ơi!” 

Phạm Duy An

 
 

Tìm các bài HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com