Nguồn ảnh (gialong79.wordpress)
Tháng 9
Một ngày tháng 9, tôi và Nghĩa bàn với nhau chuyện đi thăm Thầy Tôn Thất Thiện và Cô Đỗ thị Như Tuyết, hai cựu giáo sư trường nữ Trung Học Gia Long khả kính đã gắn bó với chúng tôi -những học trò cũ- từ mấy mươi năm nay, kể từ ngày Hội Cựu Nữ Sinh Gia Long Dallas-Fort Worth bắt đầu thành lập và mọi người còn hăng hái, năng nổ với những lần tổ chức đại hội rình rang, những buổi “picnic” vui nhộn để tạo sự gắn kết tình đồng môn thân thiết.
Thời gian lững lờ trôi. Gia đình. Công việc. Tuổi tác. Chừng ấy lý do đã khiến các sinh hoạt rộn ràng của năm tháng cũ dần thưa thớt và những buổi gặp gỡ của bạn bè một thời “áo trắng thơ ngây” cũng nhẹ nhàng lui bước trong thầm lặng, chỉ còn lại lời rủ rê, hẹn hò cùng nhau đi tham dự đại hội Gia Long Thế Giới ở những nơi khác.
Nhưng… cho dù thế nào thì hai chữ Gia Long vẫn còn đầy ắp trong những trái tim nồng nàn, mãi hoài luyến lưu tình thày, nghĩa bạn nên mới có một buổi sáng mùa hè nắng đẹp…
Các nàng “Gia Long Ngày Ấy” không còn áo dài trắng đồng phục thướt tha, không còn tóc thề thả xuống vai mềm, nhưng vẫn còn đó hai tiếng “Thưa Thầy” dịu dàng với hai bàn tay xếp lại có chút gì khép nép (làm các “chàng rể Gia Long” cũng hiền lành cung kính theo) khi đứng trước mặt Thầy.
Thầy Tôn Thất Thiện và các học trò
Căn nhà thênh thang và im ắng bỗng rộn ràng theo tiếng nói cười, thăm hỏi của các nàng Gia Long. Sự tiếp đón niềm nở của Thầy Thiện và Cô làm những rụt rè trong giây phút ban đầu dường như biến mất. Các nàng lăng xăng vào bếp giúp Cô Thiện mang thức ăn lên phòng khách khi nghe Cô ngọt giọng “phân bua”:
- Hôm nay Cô bận nên chỉ có ít trái cây và chè sen để đãi các em.
Sáu đôi mắt bỗng sáng rực. Những giọng nói phảng phất âm thanh liến thoắng của tuổi học trò xa xưa đột nhiên trở lại trong một “sát na” ngắn ngủi mà sao quá dễ thương.
- Ui, chén chè sen này nhiều nhất.
- Để chén đó cho tôi.
- Của tôi đó nhe, hổng được dành.
Mấy mươi năm rồi mà các nàng vẫn không bỏ tính thích ăn hàng và tranh nhau từng miếng một. Nhưng… có gì lạ đâu mà các chàng rể nhíu mày như ra ngầm hiệu “nghiêm chỉnh một chút đi các bà”.
Các nàng Gia Long tíu tít ngồi quanh khi Cô thân mật mời mọc:
- Nho nè, dâu nè, ăn đi các em.
Thầy ngồi đối diện, đảo mắt “điểm danh” từng cô học trò với nụ cười hiền hòa. Nhìn thầy, tôi nhớ lại giọng nói vang vang, hùng hồn của thầy khi giảng về lịch sử. Thầy Thiện là giáo sư Văn nổi tiếng trong trường. Văn là môn tôi mê nhất nhưng chưa lần được nghe thầy giảng dạy văn chương mà chỉ được học với thầy môn Sử năm Đệ Nhất (lớp 12 bây giờ). Xưa, Thầy đã gầy, nay với tuổi đời chồng chất trông yếu đi nhiều. Tuy vậy, đầu óc Thầy vẫn còn sáng suốt, minh mẫn khi nhắc lại chuyện cũ một cách rõ ràng, mạch lạc. Từ cơ duyên đưa thầy đến dạy học ở trường Gia Long -ngôi trường mà các sinh viên Sư Phạm vừa tốt nghiệp đều mơ ước- đến những khó khăn, bất ý Thầy phải hứng chịu sau năm 1975.
Cả một quãng đường dài phía sau lưng đã trở thành quá khứ. Một quá khứ có vui, có buồn nhưng đậm đà vô kể là những ngày tháng thầy trò cùng học hỏi, chia sẻ kiến thức dưới mái trường Gia Long thân yêu. Biết bao chuyện vui buồn, từ công việc đến hoàn cảnh gia đình, Thầy kể hoài không hết. Chúng tôi và các “chàng rể Gia Long” chăm chú lắng nghe một cách say mê. Tình nghĩa Thầy Trò đậm đà, bất biến với thời gian hẳn đã mang đến cho Thầy nỗi xúc động không ít khi Thầy đưa bàn tay về phía chúng tôi -gồm sáu nàng “Gia Long Ngày Ấy” và bốn “Chàng rể Gia Long”- xen lẫn chút hãnh diện Thầy nói:
- Nếu ngày xưa không chọn nghề dạy học thì bây giờ làm sao Thầy có được những phút giây này.
Giã biệt Thầy chúng tôi ra về mang theo niềm vui và cả nỗi “thèm thuồng” khi Cô Thiện hứa hẹn:
- Lần sau đến Cô sẽ đãi các em món bún bò Huế.
Tháng 11
Cuộc viếng thăm Cô Tuyết đã lên lịch hẹn hẳn hoi với lời dặn dò của Cô, lần gặp mặt này sẽ diễn ra thật đơn giản, không khệ nệ mang theo thức ăn như những lần trước -không chỉ học trò mang thức ăn đến, mà cô giáo cũng phải lăn vào bếp để làm món tôm chiên ngon tuyệt. Thực đơn Cô đề nghị là “cơm tay cầm” (bánh mì thịt) và một món tráng miệng (thạch).
“Phái đoàn” có vẻ rầm rộ với mười bốn cô học trò. Cả đám lăng xăng chia công tác. Với chủ trương “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, Nguyệt và Liễu mỗi người một địa điểm, đặt bánh mì ở hai tiệm khác nhau. Nghĩa với bàn tay khéo léo giữ phần trang trí một giỏ hoa lộng lẫy. Chưa hết, các “điệu cô nương” còn dặn dò nhau mặc quần áo đẹp để chụp hình, vì lúc nào Cô cũng thích đẹp. Nhưng đến giờ phút cuối thì kế hoạch bị vỡ vì một lý do ngoài ý muốn và cuộc viếng thăm phải dời vào thời điểm khác.
Và rồi lịch hẹn lại mở ra. Lần này Cô “phán” kéo nhau ra nhà hàng cho nhanh, gọn, lẹ. Nhưng điều làm các chị em ỉu xìu, thất vọng là từ con số mười bốn, nhân số sụt giảm chỉ còn lại bảy vì những lý do bất khả kháng. Thôi thì, có bao nhiêu chơi bấy nhiêu.
Bàn ăn không tròn con số mười nhưng không khí chẳng kém phần vui vẻ, hào hứng qua những câu chuyện kể về công việc của Cô khi đặt chân đến Mỹ. Theo lời Cô, sang Mỹ cô không còn làm giáo sư mà trở thành trợ giáo khu Học Chánh Dallas, nhưng Cô vui với công việc mới vì cảm thấy mình vẫn còn hữu dụng. Cô còn mang theo một túi xách nặng trĩu với album và nhiều khuôn hình. Hình khi Cô còn là một em bé mũm mĩm dễ thương, hình đám cưới, hình lúc Cô mới vào dạy ở trường Gia Long, hình chụp chung với học trò các lớp vào những dịp sắp nghỉ hè. Điểm qua các hình ảnh, chúng tôi đều công nhận trong số các giáo sư, Cô Như Tuyết trẻ và xinh đẹp nhất với làn da trắng mịn, với nụ cười tươi tắn, duyên dáng mà nói theo kiểu ngôn ngữ của người Việt trong nước bây giờ là “nụ cười tỏa sáng”.
Ngày xưa, tôi say mê môn văn bao nhiêu thì lại ghét môn toán bấy nhiêu. Lý do dễ hiểu… vì tôi dốt toán. Ghét toán bao nhiêu thì tôi lại “mê” cô giáo dạy toán bấy nhiêu. Tôi học Cô năm Đệ Thất (lớp 6). Không biết có khi nào Cô nhìn tôi và cảm thấy rất hài lòng vì có cô học trò chăm chú nghe Cô giảng bài. Nhưng bây giờ…. Cô ơi -mấy mươi năm sau- em xin thành thật thú nhận, không phải em chăm chú lắng nghe bài giảng, mà em đang chiêm ngưỡng dung nhan của Cô.
Từ biệt nhau, chúng tôi ra về với món quà Cô trao tặng. Những quả hồng tươi và mứt chà là, ngọt ngào như tình cảm của những học trò “Gia Long Ngày Ấy” dành cho Cô với tinh thần “tôn sư trọng đạo” mà chúng tôi đã được rèn luyện dưới mái trường thân yêu.
Cô Đỗ Thị Như Tuyết và các học trò Gia Long
“Có một nghề bụi phấn bám vào tay
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời những đoá hoa thơm” (*)
Người ta bảo là nghề trong sạch nhất
Có một nghề không trồng cây vào đất
Lại nở cho đời những đoá hoa thơm” (*)
Xin cám ơn Cô, cám ơn Thầy, người cha người mẹ thứ hai đáng trân trọng, không phải chỉ truyền đạt kiến thức và mà còn dạy dỗ chúng em những bài học làm người.
Năm mới lại đến, chúng em kính chúc Thầy Cô “Có một bầu trời sức khỏe, một biển cả tình thương”(*) để luôn an vui, hạnh phúc bên con cháu.
Ngân Bình
*Trích từ bài thơ: ‘Có Một Nghề Như Thế’ của Đinh Văn Nhã