User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Hai mươi năm đàn con đi lính
đi rồi không về
Đứa con da vàng của Mẹ…
Ôi, tấm thân này ngày xưa bé bỏng
Mẹ mang đầy bụng, mẹ bồng trên tay (*)

Cứ mỗi lần nghe những câu hát này là tôi lại nhớ đến vở kịch ấy, có lẽ vì trong kịch bản cũng có nhân vật “đứa con da vàng của Mẹ” đi tập kết ra Bắc, xa Mẹ mãi đến hai mươi năm. Có khác chăng, đứa con ấy sau cùng đã tìm về căn nhà của Mẹ vào đúng cái ngày oan nghiệt ấy, ngày 30 tháng Tư.

Các Con Tôi Đã Về, tên vở kịch ba màn, nhà văn Trùng Dương khởi viết năm 1978, có hiệu đính những năm gần đây.

Câu chuyện khoanh tròn trong một gia đình sinh sống ở miền Nam Việt Nam trong một khu đông dân cư và bình dân với các diễn biến dồn dập, các tình tiết gay cấn, bất ngờ vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975.
 
“Các con tui… đã về!” Thoạt nghe dễ tưởng là tiếng reo vui, vỡ òa hạnh phúc cho cuộc trùng phùng sau nhiều năm dài chia phôi và nhung nhớ. Thế nhưng mọi chuyện diễn ra theo cách khác. Nhân vật chính, bà mẹ miền Nam, thều thào thốt ra câu ấy trong màn cuối, cảnh cuối, là cảnh nhiều kịch tính nhất trong suốt chiều dài vở kịch.
 
30 thang 4 1975 1
Bà mẹ nở nụ cười rạng rỡ, âu yếm gọi tên thằng con trai lớn, chân bước tới, đôi cánh tay dang rộng chào đón đứa con yêu vừa trở về sau hơn hai mươi năm biền biệt xa nhà.
Nhân vật tên Hai, “đứa con yêu” của Mẹ, vẫn đứng yên một chỗ, không lộ chút cảm xúc nào. Hai bây giờ là sĩ quan bộ đội cộng sản Bắc Việt trong cánh quân tiến về Sài Gòn, “giải phóng” miền Nam.

Hai: (giọng lạnh tanh) Thằng Hai con của bà đã chết. Tôi là Thượng Tá Lê Văn Tám.

Ngoài Bà Năm và Hai, những nhân vật khác điển hình cho các đối tượng, tầng lớp dân chúng miền Nam Như Ba, con thứ của Bà Năm, một nhà báo chống cuộc chiến tranh do miền Bắc phát động và chống cả chính quyền tham nhũng miền Nam. Ba có người anh lớn bỏ nhà tập kết ra Bắc và người em trai là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa đã tử trận. Nỗi trớ trêu và thế đứng chênh vênh ấy mang đến cho Ba ít nhiều trăn trở. Lúc thì:

Ba: (nói với Bà Năm) Phe nào cũng không đáng cho con chọn. Phe nào thì rút cục cũng chỉ gồm một lũ lãnh đạo đi buôn bán dân tộc, mượn dân tộc như một chiêu bài để theo đuổi những tham vọng cá nhân, phi dân tộc, nếu không đưa dân tộc đến chỗ hấp hối, hoài nghi trong tuyệt vọng như bên này, thì cũng du cả dân tộc vào vòng nô lệ cho một chủ nghĩa ngoại lai, phi nhân bản như bên kia. Lúc thì:

Ba: (giọng cay đắng, nói với Bác Sáu, người lão bộc của gia đình) Bác nói như vậy là bác chẳng hiểu gì người Cộng sản hết. Anh Hai tôi, đối với tôi, giờ đã chết… Đối với ảnh, tôi, thằng Ba độ nào, cũng đã chết. Cuộc tranh chấp ý thức hệ đã khiến chúng tôi trở thành hai kẻ xa lạ, nếu không nói là thù nghịch với nhau. Hy vọng đoàn tụ của má tôi chỉ là hão huyền.

Hoặc như Mai, vợ góa của Tư, con trai út Bà Năm, là phi công miền Nam mất tích hay tử trận trong một phi vụ “đi không ai tìm xác rơi”. Những suy nghĩ của Mai cũng là suy nghĩ của số đông phụ nữ có chồng con, thân nhân phục vụ trong quân đội hay chính quyền miền Nam, ít nhiều hiểu được người cộng sản và quyết định rời bỏ đất nước vì lo sợ những liên lụy của gia đình “ngụy quân, ngụy quyền”.

Mai: Con phải đưa các cháu đi. Nếu con ở lại, con biết người cộng sản chắc chắn sẽ không quên các cháu Tuấn, Tú là con của một sĩ quan Cộng hòa và như thế, tương lai của chúng chắc chắn thế nào cũng chịu ảnh hưởng. Con cũng không đành tâm nhìn các cháu lớn lên trong xã hội cộng sản, nơi đó trẻ con bị nhồi sọ tuyên truyền chính trị từ tấm bé.

Những nhân vật khác nữa như Bác Sáu, người lão bộc thủy chung của gia đình Bà Năm, hoặc Bà Thái, giáo viên, là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, luôn thể hiện tâm trạng hoang mang, thấp thỏm lo âu chuyện lành, dữ đến với mình những ngày sắp tới. Hoặc viên Đại Úy Cảnh Sát, viên Trung Úy Sĩ Quan Việt Nam Cộng Hòa, viên Công An chìm, anh sinh viên Đại Học… tiêu biểu mọi thành phần tốt xấu lẫn lộn. Những tuyến nhân vật đan chéo vào nhau, mỗi vai kịch bộc lộ mỗi tính cách khác biệt, đôi lúc mâu thuẫn và xung đột.

Nhân vật Bà Năm, cái trục chính của kịch bản, một bà mẹ chân chất trong số bao nhiêu bà mẹ miền Nam tảo tần nuôi chồng con, không thiết không màng chuyện thời sự và những biến động chính trị, suy nghĩ đơn giản kiểu…

Bà Năm: Chiến tranh đã chấm dứt, với Má, như vậy là đủ rồi. Rồi thằng Hai với thằng Tư cũng sẽ lần lượt về và gia đình mình lại đoàn tụ như xưa… Ai đi đâu thì đi, nước mình mình ở, nhà mình mình sống. Ai cầm quyền, ai cai trị thì mình cũng vẫn chỉ là dân, vẫn phải tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ vậy.

Nhân vật Hai là khuôn mặt “phản diện”, theo cách nói bây giờ, chỉ xuất hiện ít phút, nói ít câu dứt khoát, thẳng thừng trong màn cuối, cảnh cuối nhưng đã gây choáng váng như một đòn knock-out trí mạng, đốn gục cả gia đình Bà Năm đang khấp khởi mừng vui ngày đoàn tụ, đốn gục cả “bên thua cuộc” là người dân miền Nam đang nhen nhúm chút hy vọng được “Cách Mạng” đối xử như những đồng bào ruột thịt khi mà “Non sông đã quy về một mối, Bắc-Nam đã sum họp một nhà”.

Hai: (quay nhìn Ba, giọng lạnh lùng) Chúng tôi là người của Cách Mạng. Chúng tôi đến đây với một sứ mạng trọng đại, là quét sạch mọi tàn tích Mỹ Ngụy. (Giọng đanh thép) Và dĩ nhiên không có chỗ cho tình cảm gia đình. Những tình cảm cá nhân vụn vặt phải được dẹp bỏ qua một bên… Mọi kẻ phản động, dù còn sống hay đã chết, đều phải bị xóa bỏ không thương tiếc cùng với những tàn tích của chúng.

Xung đột gay gắt giữa hai nhân vật Hai và Ba là trọng tâm của vở kịch, là mấu chốt tạo nên kịch bản và đẩy kịch tính lên đến tột độ.

Tấn thảm kịch ấy không chỉ xảy đến cho gia đình Bà Năm ở Sài Gòn mà hầu hết gia đình có người thân chọn lựa đứng về hai phía đối nghịch. 30 tháng Tư, cái ngày định mệnh của gia đình nhỏ ấy cũng là ngày định mệnh nghiệt ngã giáng xuống một đất nước, dân tộc.

Vở kịch kết thúc bằng cảnh điên loạn và cái chết của bà mẹ đến từ phát súng oan nghiệt của các con mình trong lúc…

Từ xa, nhiều tiếng súng nổ, AK xen lẫn với M16, nhỏ rồi lớn dần…
* * *
Những đứa con của Mẹ sau cùng đều về cả bên Mẹ, theo một cách nào đó. Cả đến đứa con út đã tử trận cũng về trong giấc mơ của Mẹ vào cùng một ngày ấy, ngày 30 tháng Tư. Chỉ hiềm một nỗi, các con có về đấy nhưng lại không vui vầy được chén rượu hòa giải tương phùng.

Trong số nhiều bài văn bài thơ, truyện ngắn truyện dài, hồi ký… viết về biến cố 30 tháng Tư ấy, thể loại kịch vẫn là ít ỏi. Trùng Dương không nhận mình là nhà viết kịch và cho biết đấy là kịch bản duy nhất chị từng viết.

“Tôi chọn hình thức kịch,” chị nói, “vì nghĩ nếu viết dưới hình thức tiểu thuyết, tối thiểu cũng phải từ 200 tới 300 trang, các biến cố sẽ trải ra, rồi lại phải thêm các chi tiết bối cảnh, miêu tả, đặc tính dồn dập của các biến cố sẽ loãng đi.”

Kịch thì vẫn là… kịch, là hư cấu, liệu tác giả có chỗ nào cường điệu trong cách dàn dựng, trong các tình tiết, hành động hay đối thoại của nhân vật?

Được biết, sau khi đọc Các Con Tôi Đã Về, một nhà phê bình văn học quen tên của miền Bắc nêu một vài nhận xét, cảm nghĩ với tác giả vở kịch về những khác biệt giữa hai miền Nam-Bắc, “Tình cảm gắn bó mật thiết giữa chủ nhà và người làm công, Bà Năm và Bác Sáu, là chuyện không hề có trong xã hội miền Bắc.” Hoặc về những chỗ không đồng tình với tác giả, “Nhiều cán bộ tập kết trở về gặp người thân trong Nam rất xúc động, vui mừng chứ đâu có chuyện ‘đằng đằng sát khí’ như nhân vật Hai trong kịch bản.”

Thực sự, vai kịch ấy không thiếu ở ngoài đời, ít nhiều hơn kém là tùy hoàn cảnh. Vẫn có những mắt rực lửa căm hờn, những “lòng hận thù ngút trời” trong những ngày “khí thế cách mạng” sôi sục ấy. Những đứa con của Mẹ ở hai phía “bên thắng cuộc”“bên thua cuộc” nếu có buổi tương phùng sau ngày 30 tháng Tư ấy cũng khó mà diễn ra cảnh tay bắt mặt mừng hoặc “ôm hôn thắm thiết”. Cách hành xử của “bên thắng cuộc”, nếu không gay gắt, hằn học thì cũng là nghi ngại, dửng dưng, không mấy thân thiện.

Cũng chính điều này đã thôi thúc tác giả đặt bút xuống cho Các Con Tôi Đã Về, “Tôi sẽ viết một vở kịch xoay quanh niềm khắc khoải trông chờ những người con trai trở về từ những chiến tuyến khác nhau của một bà mẹ miền Nam chất phác, đơn giản, chỉ có tình yêu thương không biên cương, phi ý thức hệ dành cho các con mình đã dứt ruột đẻ ra. Thế nhưng khi các con về Mẹ chỉ thêm đau lòng vì những khác biệt không hóa giải được.”

Từ những trăn trở, thôi thúc ấy, kịch bản sau cùng được hoàn tất, và tác giả hẳn cũng thở ra được một hơi dài nhẹ nhõm.

“Vở kịch đã giúp tôi dứt khoát chấp nhận đời sống của một di dân tị nạn,” tác giả bộc lộ, “thay vì tiếp tục tiếc thương dĩ vãng không còn nữa.”

Tiếc thương nào rồi cũng nguôi ngoai, riêng vết thương sâu ấy sau bao nhiêu năm vẫn chưa lành nổi, nếu không còn nhức nhối thì cũng vẫn nhưng nhức, âm ỉ mỗi mùa tháng Tư về. Gần 50 năm chứ ít sao.

Kịch vừa là bộ môn thuộc nghệ thuật sân khấu lại vừa là thể loại văn học. Tuy kịch bản vẫn được đọc như một tác phẩm văn học, tôi vẫn mong đợi một ngày vở kịch được công diễn rộng rãi cho mọi đối tượng khán giả trong Nam, ngoài Bắc và người Việt khắp chốn.

Trong khi chờ đợi, người đọc có thể đọc Các Con Tôi Đã Về tại:

https://damau.org/27965/cac-con-toi-da-ve
Lê Hữu
(*) “Ngủ Đi Con”, nhạc Trịnh Công Sơn
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com